Miễn đăng kiểm ô tô lần đầu tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng/năm

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi liên Bộ: Công an, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Khoa học và Công nghệ góp ý vào dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021 quy định về kiểm định xe cơ giới. Nếu dự thảo được thông qua, ô tô sẽ được miễn đăng kiểm lần đầu, giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng/năm cho ngân sách.

Phù hợp với xu thế quốc tế

Chia sẻ về đề xuất miễn đăng kiểm lần đầu ô tô mới (sau khi đăng ký biển số lần đầu) của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) với phương án: "Đối với xe sản xuất lắp ráp, nhập khẩu mới chưa qua sử dụng, trong thời gian 1 năm tính từ năm sản xuất, không thu giá dịch vụ kiểm định", theo TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, chủ trương này phù hợp với xu hướng chất lượng ô tô ngày càng được nâng cao, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Miễn đăng kiểm ô tô lần đầu tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng/năm.

Miễn đăng kiểm ô tô lần đầu tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng/năm.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất, xe ô tô kể từ khi sản xuất cho đến khi được khách hàng mua và sử dụng sau đó, sẽ không cần phải đăng kiểm trong thời gian tối đa 53 tháng (khoảng 4,5 năm). Ô tô mới chưa sử dụng khi bán ra không cần thực hiện các quy trình đăng kiểm như: Kiểm tra phanh, hệ thống lái, khí thải là phù hợp với xu thế quốc tế, vì khi xuất xưởng, nhà sản xuất đã tiến hành quy trình thử nghiệm và kiểm tra các hạng mục, được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận xuất xưởng, đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT) để đủ điều kiện bán ra thị trường, tham gia giao thông.

Các chuyên gia giao thông cũng nhận định, phương án này dựa trên những nghiên cứu và có sự tham khảo của các nước trên thế giới. Khoảng thời gian một ô tô không cần thực hiện kiểm định kể từ khi sản xuất tối đa 4,5 năm cũng phù hợp với xu thế chung. Khi đưa sản phẩm mới ra thị trường, nhà sản xuất đã có trách nhiệm đảm bảo phương tiện đó đủ tiêu chuẩn về ATKT&BVMT phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên cần quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất, đại lý trong việc bảo đảm ATKT&BVMT của xe khi đến tay khách hàng.

Thực tế, trường hợp xe ô tô mới không phải kiểm tra ATKT&BVMT có thể phát sinh tình huống xe cơ giới sau khi đến tay khách hàng sẽ bị tự ý thay đổi, phương tiện có sự thay đổi so với thiết kế của nhà sản xuất trước khi đến đơn vị đăng kiểm để lập hồ sơ phương tiện, nhưng không được phát hiện kịp thời. Do đó, việc bảo đảm ATKT&BVMT của xe cơ giới thuộc trách nhiệm chính của nhà sản xuất, nhập khẩu xe, chủ xe, lái xe.

Do đó, khi miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới, trách nhiệm của nhà sản xuất, đại lý sẽ phải nâng lên một bậc, các đại lý cần thực hiện công tác kiểm tra lại phương tiện với các hạng mục quan trọng trước khi bàn giao cho khách hàng, đặc biệt với những phương tiện lưu kho thời gian dài.

Đồng tình với đề xuất này, nhiều đại lý xe ô tô đề xuất, có thể phân cấp, phân quyền và cấp tài khoản cho các đại lý truy cập vào hệ thống dữ liệu tem kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam để tải về và in ra khi khách hàng mua xe. Các đại lý đồng thời sẽ có trách nhiệm nhập thông tin về phương tiện, chủ xe, ngày đăng ký xe lên hệ thống dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam để cơ quan này giám sát, kiểm tra đột xuất, định kỳ, đảm bảo hiệu quả quản lý...

Lợi ích lâu dài

Các chuyên gia giao thông cũng chia sẻ, nếu dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021 được thông qua, mỗi năm có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng từ chính sách miễn kiểm định lần đầu đối với xe ô tô mới. Người mua ô tô cũng sẽ không phải mất nhiều thời gian xếp hàng chờ đăng kiểm như trước. Theo tính toán, mức tiền mà mỗi chủ phương tiện được giảm khi kiểm định lần đầu từ 250.000 - 570.000 đồng/xe tương ứng với từng loại xe.

Theo dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021, việc miễn đăng kiểm lần đầu sẽ được áp dụng với xe ô tô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng. Những mẫu xe này là xe có thời gian lưu kho tại đại lý không quá 23 tháng. Sau khi lấy ý kiến rộng rãi, dự kiến quy định trên sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2023. Lúc này, sau khi đăng ký xe, chủ xe có thể đến bất kỳ trung tâm đăng kiểm nào trên toàn quốc nộp lại bản cà số khung, số động cơ của xe để đơn vị đăng kiểm lập hồ sơ phương tiện, cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định mà không cần phải đưa phương tiện đến kiểm tra.

Theo ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban Truyền thông (Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam- VAMA), việc bỏ đăng kiểm lần đầu đối với các xe có thời gian lưu kho không quá 23 tháng là hợp lý. Thực tế hiện nay, xe lưu kho tính từ lúc xuất xưởng, nhập khẩu đến tay khách hàng thường khoảng 1 năm. Chủ trương miễn đăng kiểm lần đầu được dư luận và các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô đánh giá cao vì sẽ giảm bớt được thủ tục, thời gian và chi phí cho người mua xe. VAMA cũng đã có những thảo luận về vấn đề này và hầu hết đều có những đánh giá tích cực.

Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) cho biết, hiện nay việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các mẫu xe mới được thực hiện theo một quy trình rất chặt chẽ. Chỉ khi các kiểu loại xe được đánh giá đảm bảo về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thì mới được cơ quan quản lý cấp “phiếu xuất xưởng” hoặc “giấy chứng nhận nhập khẩu. Vì vậy, nếu sản phẩm có vấn đề gì, nhà sản xuất và nhập khẩu sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình.

Trước tình trạng nhiều trung tâm đăng kiểm quá tải như hiện nay, một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm là trong lần sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 lần này, liệu việc giãn chu kỳ đăng kiểm đối với một số loại xe có được nghiên cứu, đưa vào dự thảo? Bởi đã có nhiều ý kiến đề xuất, để giảm tải cho các trung tâm đăng kiểm, việc giãn chu kỳ là cần thiết.

Sơn Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/mien-dang-kiem-o-to-lan-dau-tiet-kiem-hang-tram-ty-dongnam-20230307122410056.htm