'Miền đất hứa' - bản chuyển thể vội vàng và thiếu điểm nhấn

Thừa hưởng câu chuyện độc đáo và bất ngờ từ nguyên tác, song, phiên bản live-action của 'The Promised Neverland' chưa thỏa mãn được kỳ vọng bởi lối thực hiện còn vội vàng, máy móc.

Thể loại: Giả tưởng, tâm lý, giật gân
Đạo diễn: Yuichiro Hirakawa
Diễn viên: Minami Hamabe, Kairi Jyo, Rihito Itagaki, Naomi Watanabe, Keiko Kitagawa
Đánh giá: 6/10

 The Promised Neverland được chuyển thể từ bộ manga nổi tiếng cùng tên.

The Promised Neverland được chuyển thể từ bộ manga nổi tiếng cùng tên.

The Promised Neverland là bộ manga dài kỳ do tác giả Kaiu Shirai sáng tác, họa sĩ Posuka Demizu minh họa. Loạt truyện được phát hành trên tạp chí Weekly Shōnen Jump từ tháng 1/2016 tới tháng 6/2020, kéo dài gần 200 chương.

Từ khi mới ra mắt, The Promised Neverland đã được đánh giá cao nhờ ý tưởng mới mẻ, câu chuyện hấp dẫn với tiết tấu kịch tính, nhân vật ấn tượng và có chiều sâu, bên cạnh phần hình ảnh đẹp mắt. Đến hết năm 2020, bộ truyện đã bán được hơn 26 triệu bản, được chuyển thể thành tiểu thuyết (light novel) và hoạt hình dài tập (anime).

Phiên bản điện ảnh chuyển thể người đóng của The Promised Neverland do Yuichiro Hirakawa - đạo diễn từng có kinh nghiệm chuyển thể manga lên màn ảnh rộng qua Rookies (2009), Erased (2016) hay Waiting for Spring (2018) - thực hiện.

Vai nữ chính Emma do Minami Hamabe - người được biết đến với vai chính Yumeko Jabami trong loạt phim chuyển thể từ bộ manga không kém phần nổi tiếng là Kakegurui - đảm nhận.

Cốt truyện không đổi, nhưng diễn biến vội vàng

The Promised Neverland được chuyển thể từ 37 chương truyện đầu tiên của loạt manga gốc. Phim lấy bối cảnh năm 2045 trong một tương lai giả tưởng. Emma (Minami Hamabe) là một cô bé sống trong trại trẻ mồ côi Grace Field House do Mẹ Isabella (Keiko Kitagawa) quản lý.

Cùng những người bạn đồng trang lứa như Norman (Rihito Itagaki) và Ray (Kairi Jyo), cuộc sống hàng ngày của Emma và đám trẻ trôi qua êm đềm bên trong trại - nơi tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Cho đến một ngày, cô bé tình cờ phát hiện ra bí mật kinh hoàng của Grace Field House, cũng như thế giới bí ẩn bên ngoài kia.

 Phim không đưa ra nhiều thay đổi lớn so với nguyên tác truyện tranh.

Phim không đưa ra nhiều thay đổi lớn so với nguyên tác truyện tranh.

Về cơ bản, cốt truyện chính của The Promised Neverland phiên bản người đóng khá trung thành và không thay đổi so với nguyên tác. Sự thay đổi chủ yếu đến từ vấn đề tuổi tác và sắc tộc của các nhân vật. Điều này không gây ảnh hưởng quá lớn đến bản chất câu chuyện trong phim.

Với khán giả đã quen thuộc với nguyên tác, The Promised Neverland bản người đóng không có sáng tạo gì mới mẻ hay bất ngờ. Còn đối với khán giả đại chúng, bộ phim cơ bản vẫn duy trì được những điểm nhấn từng tạo nên tính hấp dẫn cho nguyên tác: ý tưởng mới mẻ, câu chuyện ẩn chứa nhiều bí ẩn với tâm điểm là trò chơi đấu trí “mèo vờn chuột” giữa các tuyến nhân vật.

Khác biệt lớn nhất của phiên bản người đóng so với nguyên tác nằm ở việc triển khai diễn biến chi tiết, cũng như cách xây dựng tiết tấu. Để chuyển thể phần nội dung đồ sộ trong gần 40 chương truyện lên màn ảnh rộng với thời lượng giới hạn, The Promised Neverland buộc phải cắt giảm nội dung nhằm đầy nhanh diễn biến. Đây vốn là hạn chế cố hữu của các tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ manga.

Điều đáng bàn là biên kịch và đạo diễn chưa xử lý tốt việc chuyển thể diễn biến của truyện tranh lên màn ảnh. Dễ thấy nhất là sự khác biệt trong cách kịch bản thể hiện chi tiết theo từng phần. Qua mỗi 1/3 thời lượng, cấu trúc và tiết tấu lại thay đổi.

Trong khoảng 1/3 đầu tiên, vốn là phần mở màn giúp dẫn dắt khán giả và các nhân vật khám phá thế giới, tiết tấu bị đẩy lên quá nhanh và vội vàng. Hàng loạt sự kiện bất ngờ có tính bước ngoặt, hay những chi tiết ban đầu nhằm xây dựng nhân vật, khơi gợi trí tò mò và dần mở màn ra các bí ẩn, lại chỉ được thể hiện sơ sài, máy móc.

Khoảnh khắc khi Emma và Norman phát hiện ra bí mật kinh hoàng tại Grace Field House chỉ được miêu tả đơn điệu, chưa đủ tạo nên sự kịch tính và kích thích cần thiết cho khán giả. Hay khi các nhân vật và người xem cùng nhau suy luận, khám phá từng manh mối xung quanh bí mật ấy, tất cả chỉ được nhân vật thể hiện một cách lười biếng qua lời thoại sẵn có, chứ chẳng giống như đang cố gắng suy luận.

 Cách triển khai diễn biến của tác phẩm chuyển thể chưa hợp lý.

Cách triển khai diễn biến của tác phẩm chuyển thể chưa hợp lý.

Cứ như thế, hàng loạt chi tiết giới thiệu bí mật của Grace Field House và Mẹ Isabella được ném cho khán giả trong 1/3 đầu phim bằng những câu thoại diễn giải khô khan, cứng nhắc. Thậm chí, việc các nhân vật khám phá ra manh mối của ngài Minerva trong những cuốn sách cũng như từ trên trời rơi xuống, chẳng có bất cứ đầu mối dẫn dắt nào thuyết phục.

Sau khi đã giới thiệu thông tin đến khán giả một cách vội vàng và sơ sài, The Promised Neverland mới bắt đầu đi sâu vào xây dựng nhân vật, cũng như tập trung vào hành trình đấu trí nhằm chạy trốn của đám trẻ. Tuy nhiên, thay vì đưa ra những màn đối đầu kịch tính, cân não, tiết tấu của bộ phim giờ lại có phần trùng xuống khi sa đà vào yếu tố tâm lý.

Bộ phim tỏ ra hụt hơi trong việc xây dựng sự kịch tính, cân não thông qua các màn đấu trí giữa nhân vật. Kế hoạch đào tẩu cẩn trọng của nhóm nhân vật chính cũng không được thể hiện rõ ràng, mà chỉ là những chi tiết vụn vặt thiếu tính liên kết.

Mãi đến gần cuối bộ phim, tiết tấu của The Promised Neverland mới trở nên ổn định hơn. Dù vẫn còn những điểm trừ, ít nhất bộ phim cũng có phần kết tương đối trọn vẹn và thỏa mãn, đặc biệt là so với những gì đã thể hiện trong hơn một nửa thời lượng đầu phim.

Thất bại trong việc truyền tải tinh thần chủ đạo của nguyên tác

Nguyên tác manga của The Promised Neverland từng được khen ngợi nhờ bầu không khí căng thẳng bao trùm xuyên suốt - điều đến từ những pha đấu trí cân não giữa các nhân vật với tư duy nhạy bén, dẫn đến hàng loạt diễn biến bất ngờ không thể dự đoán trước.

Tuy nhiên, trong phiên bản điện ảnh người đóng, tinh thần chủ đạo kể trên đã không được truyền tải một cách trọn vẹn.

Cách kể chuyện vội vàng, máy móc của bộ phim trong nửa đầu khiến cho những bí mật vốn dĩ cần phải được khám phá thông qua tư duy, suy luận, lại chỉ được liệt kê giống như điều hiển nhiên. Sự lười biếng của biên kịch và đạo diễn trong trường hợp này khiến The Promised Neverland đánh mất đi yếu tố trinh thám và phiêu lưu cần thiết.

 Bộ phim không thể truyền tải bầu không khí căng thẳng bao trùm ở nguyên tác truyện tranh.

Bộ phim không thể truyền tải bầu không khí căng thẳng bao trùm ở nguyên tác truyện tranh.

Không khí căng thẳng đến từ những màn đấu trí cân não cũng không được thể hiện tốt trên màn ảnh. Nguyên nhân đến từ việc xây dựng nhân vật còn sơ sài, khiến cho bản thân họ chưa thể hiện được khả năng của bản thân.

Mẹ Isabella được nhắc đến như một người quản lý trại trẻ xuất sắc, một nhân vật phản diện cực kỳ khó lường với sự tinh tường, nhạy bén và khả năng kiểm soát cục diện tổng thể bậc thầy. Tuy nhiên, trên phim, nhân vật của nữ diễn viên Keiko Kitagawa không thể hiện được những tố chất nói trên khi chưa tạo được áp lực nặng nề đến ngột ngạt cho đám trẻ sau khi bị chúng phát hiện ra sự thật.

Nhân vật Chị Krone trong phim mang nặng tính tấu hài với nét diễn cường điệu thái quá, thay vì là kẻ thâm hiểm mang tham vọng tiếm quyền Mẹ Isabella. Bộ ba nhân vật chính Emna, Norman và Ray, tuy là những đứa trẻ lanh lợi, nhưng cũng chưa thể hiện được sự mưu trí hiếm có trên màn ảnh.

Rốt cuộc, cuộc đấu trí đầy mưu lược, toan tính giữa các nhóm nhân vật - với những pha gài hàng, lật mặt hay tấn công tâm lý trực tiếp lẫn gián tiếp từng khiến độc giả yêu thích ở nguyên tác manga - không được thể hiện thành công.

Đây là điểm trừ lớn đối với một tác phẩm chuyển thể như The Promised Neverland. Thành phẩm cuối cùng chỉ có cái vỏ bề ngoài, chứ chưa thể hiện được nét tinh túy bên trong.

Yếu tố cải biên và tuyển diễn viên chưa hợp lý

Một điều dễ gây cảm xúc trái chiều nữa của The Promised Neverland bản người đóng là sự cải biên về độ tuổi nhân vật và phần casting dành cho bộ ba nhân vật chính Emma - Norman - Ray. Trong nguyên tác, các nhân vật đều mới 11-12 tuổi. Tuy nhiên, ở phiên bản điện ảnh, nhóm trở thành các cô cậu thiếu niên ở độ tuổi 15-16.

Vấn đề bắt đầu nảy sinh khi các diễn viên giữ nguyên cá tính nhân vật trong nguyên tác vào phần diễn xuất của bản chuyển thể, đặc biệt là nhân vật Emma của Minami Hamabe. Ở nguyên tác, Emma là nhân vật hoạt bát, lanh lợi và luôn tràn đầy năng lượng. Cô bé truyền sự tích cực của bản thân đến mọi người trong mọi hoàn cảnh một cách rất vô tư và hồn nhiên.

 Thay đổ độ tuổi các nhân vật và lựa chọn diễn viên của bộ phim là chưa hợp lý.

Thay đổ độ tuổi các nhân vật và lựa chọn diễn viên của bộ phim là chưa hợp lý.

Với một cô bé ở độ tuổi 11-12, sự hoạt bát, lanh lợi của Emma là hoàn toàn dễ hiểu và chấp nhận được. Tuy nhiên, khi đã trở thành một thiếu nữ 15-16 tuổi, nét hoạt bát của nhân vật Emma trong phim không còn phù hợp nữa, mà vô tình trở thành cường điệu, trẻ con thái quá. Với những khán giả chưa từng đọc qua nguyên tác, phần diễn xuất “cưa sừng làm nghé” của Hamabe còn dễ gây ra ấn tượng không tích cực ban đầu.

Dù thể hiện các nhân vật đồng trang lứa, ba diễn viên trong vai bộ ba nhân vật chính lại có sự chênh lệch độ tuổi đáng kể.

Nữ chính Minami Hamabe hơn “anh bạn” Kairi Jyo tận 6 tuổi, còn Rihito Itagaki ở lưng chừng khi kém cô bạn 2 tuổi và hơn cậu bạn kia 4 tuổi. Hậu quả là khán giả dễ dàng nhận ra nhân vật Emma của Minami Hamabe “dừ” hơn hẳn hai bạn diễn về ngoại hình, trong khi nét diễn luôn phải cố ép để trở nên trẻ con hơn. Còn Kairi Jyo khá lúng túng khi phải cố gắng thể hiện sự bằng vai phải lứa với hai anh chị lớn hơn trong cùng một phân cảnh.

Điều trớ trêu nằm ở chỗ theo nguyên tác, dù đồng trang lứa, bản thân Emma của Minami Hamabe lại là cô bé hồn nhiên, vô tư, trong khi Ray của Kairi Jyo là ông cụ non trầm lặng, già dặn trước tuổi.

Vốn được thừa hưởng câu chuyện độc đáo, hấp dẫn và đầy bất ngờ của nguyên tác, song, phiên bản người đóng của The Promised Neverland chưa thỏa mãn được kỳ vọng của khán giả bởi lối thực hiện còn vội vàng, máy móc. Các nhà làm phim nên cân nhắc đến việc thực hiện một loạt phim dài tập, thay vì phim điện ảnh, để truyền tải tốt hơn tinh thần của nguyên tác.

Dư Hưng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mien-dat-hua-ban-chuyen-the-voi-vang-va-thieu-diem-nhan-post1176092.html