Miền Đông Ukraine nổ lớn: Nga hỗ trợ sơ tán người tị nạn, NATO cảnh giác cao độ
Ngày 18/2, một vụ nổ lớn đã xảy ra tại trung tâm thành phố Donetsk ở miền Đông Ukraine, nhưng chưa có thông báo về thiệt hại hay thương vong.
Dẫn nguồn tin từ hãng tin của Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng, hãng thông tấn TASS cho biết, vụ nổ xảy ra vào khoảng 7 giờ tối theo giờ địa phương khi một chiếc xe phát nổ ngay trong bãi đỗ gần trụ sở tòa nhà chính quyền địa phương. Người dân Donetsk đã được yêu cầu giữ bình tĩnh, cảnh giác và tránh di chuyển.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin của hãng Interfax (Nga) cho biết, một đường ống dẫn khí gas ở Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng cũng đã phát nổ và bốc cháy vào chiều tối ngày 18/2. Tuy nhiên, hiện chưa rõ vụ việc có gây thương vong hay không.
Các thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh người dân ở cả Donetsk và Luhansk đã được yêu cầu sơ tán để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra và đã được phía Nga đồng ý giúp đỡ.
Theo thông cáo báo chí của Nội các Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị cho chính quyền tỉnh Rostov, giáp giới với vùng Donbass của Ukraine, hỗ trợ những người sơ tán. Theo người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov, mỗi người tị nạn từ vùng Donbass sẽ được nhận hỗ trợ 10.000 Ruble trích từ nguồn quỹ dự trữ liên bang.
TASS cũng thông tin cho biết, hơn 80 xe bus chở hàng trăm người tị nạn đã tới tỉnh Rostov. Những người được ưu tiên sơ tán trước tiên là trẻ em, người già và phụ nữ.
Tổng thống Putin cũng đã chỉ thị quyền Bộ trưởng Bộ các tình trạng khẩn cấp của Nga Alexander Chupriyan khẩn trương bay tới Rostov để hỗ trợ công tác tiếp nhận và tổ chức nơi ăn ở cũng như chăm sóc y tế cho những người tị nạn. Dự kiến, nhu cầu sơ tán có thể lên tới hàng chục nghìn người.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Đức tuyên bố Berlin sẽ đặt binh sĩ nước này trong lực lượng phản ứng nhanh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tình trạng cảnh giác cao độ, cho phép các binh sĩ triển khai nhanh hơn nhằm bảo vệ các đồng minh Đông Âu, trong tình huống căng thẳng leo thang với Nga.
Theo Bộ Quốc phòng Đức, quyết định trên, được đưa ra trong sự hợp tác chặt chẽ với các chỉ huy quân sự cấp cao nhất của NATO cùng các đồng minh, là một phản ứng trước hành vi của Nga và nhằm giảm thời gian cần thiết để chuẩn bị triển khai trong trường hợp kích hoạt Lực lượng Phản ứng NATO (NRF).
Trước đó một ngày, tại khu vực Donbass đã xảy ra xung đột nghiêm trọng nhất trong 7 năm qua. Hãng Reuters dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết, tính đến sáng 18/2, các nhà quan sát thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã ghi nhận 80 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn tại đường ranh giới giữa Nga và Ukraine. Chính quyền Ukraine và các lực lượng dân quân tại Donbass cáo buộc lẫn nhau về các cuộc pháo kích này.
Theo các điều khoản của lệnh ngừng bắn ở Donbass, kể từ mùa Hè năm 2020, các hoạt động nổ súng, tấn công, trinh sát, phá hoại và triển khai vũ khí hạng nặng đến các khu vực đông dân cư đều bị cấm. Các bên chỉ được phép bắn trả khi có lệnh trực tiếp từ bộ chỉ huy.
Lần gần đây nhất, các bên đã đồng ý tuân thủ hoàn toàn trở lại lệnh ngừng bắn tại cuộc họp của Nhóm liên lạc vào ngày 22/12/2021. Kể từ đó, không có cuộc tấn công lớn nào xảy ra.
(theoTASS, Reuters)