Miễn học phí, hỗ trợ bữa trưa - Dấu ấn năm học mới

Từ năm học 2025-2026, trẻ mầm non và học sinh phổ thông trên cả nước chính thức được miễn học phí. Riêng tại Hà Nội, học sinh tiểu học còn được hỗ trợ bữa ăn bán trú từ ngân sách nhà nước.

Hai chính sách lớn và nhân văn này không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho hàng triệu gia đình, mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng, chất lượng cho học sinh. Đây là dấu ấn nổi bật của năm học mới, khẳng định cam kết đặt giáo dục vào vị trí ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước.

Một bữa ăn trưa của trẻ tại Trường Mầm non Bà Triệu (phường Cửa Nam). Ảnh: Quang Thái

Một bữa ăn trưa của trẻ tại Trường Mầm non Bà Triệu (phường Cửa Nam). Ảnh: Quang Thái

Hai quyết sách, một mục tiêu

Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, một quyết sách mang tính lịch sử trong lĩnh vực giáo dục đã được thông qua: Miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 12) đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên cả nước, bắt đầu từ năm học 2025-2026. Đối với học sinh tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ mức học phí theo quy định.

Với quy mô hơn 23,2 triệu học sinh, ước tính tổng kinh phí cần để thực hiện chính sách này lên tới 30.600 tỷ đồng mỗi năm, được ngân sách trung ương và địa phương phân bổ theo quy định. Chính sách không chỉ mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, mà còn thể hiện rõ chủ trương ưu tiên giáo dục là “quốc sách hàng đầu” trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Tại Hà Nội, địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2,3 triệu học sinh mầm non, phổ thông, mức học phí hiện hành dao động từ 19.000 đến hơn 200.000 đồng/tháng tùy cấp học và địa bàn. Việc miễn học phí, vì thế, sẽ là giải pháp giúp các gia đình giảm áp lực đầu năm học, nhất là với những hộ có thu nhập thấp, lao động không ổn định hoặc có nhiều con trong độ tuổi đi học.

Không dừng lại ở chính sách học phí, ngày 9-7, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học. Với tổng kinh phí dự kiến hơn 3.000 tỷ đồng, chính sách này sẽ áp dụng cho khoảng 768.000 học sinh tại các trường công lập và tư thục trên địa bàn Thủ đô, không bao gồm các trường có vốn đầu tư nước ngoài.

Mức hỗ trợ được phân thành hai nhóm là 30.000 đồng/ngày đối với học sinh tại 23 xã miền núi và bãi giữa sông Hồng; 20.000 đồng/ngày đối với học sinh tại các khu vực còn lại. Thời gian hỗ trợ là 9 tháng học thực tế trong năm.

Chính sách này có ý nghĩa đặc biệt với học sinh tiểu học, đối tượng học 2 buổi/ngày, có nhu cầu bán trú cao. Ngoài việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh, việc hỗ trợ bữa trưa còn giúp giảm đáng kể chi phí cho gia đình và tạo điều kiện thuận lợi để phụ huynh yên tâm lao động.

Phụ huynh nhẹ gánh, học sinh thêm động lực

Việc miễn học phí sẽ giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình và bảo đảm cơ hội học tập của học sinh. Ảnh: Quang Thái

Việc miễn học phí sẽ giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình và bảo đảm cơ hội học tập của học sinh. Ảnh: Quang Thái

Năm học 2025-2026, học sinh Thủ đô sẽ bước vào một năm học với nhiều niềm vui và kỳ vọng. Chính sách miễn học phí, hỗ trợ bữa ăn trưa không chỉ giảm gánh nặng tài chính, mà còn khẳng định quyết tâm của Hà Nội và cả nước trong việc xây dựng một nền giáo dục công bằng, nhân văn, lấy học sinh làm trung tâm. Đây chính là nền tảng vững chắc để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô và đất nước trong tương lai.

Chị Nguyễn Thị Hà (phường Chương Mỹ), mẹ của 3 con đang theo học phổ thông, không giấu được xúc động khi chia sẻ: “Mỗi dịp đầu năm học, vợ chồng tôi lại chật vật xoay xở để đóng học phí, tiền ăn trưa cho con. Năm học tới, con không phải đóng học phí, lại được hỗ trợ ăn trưa, vợ chồng tôi như trút được gánh nặng”.

Tương tự, chị Vũ Thị Lan (phường Bồ Đề) cho biết: “Tôi rất mừng khi biết từ năm học tới, thành phố sẽ hỗ trợ bữa ăn trưa cho các con. Điều đó không chỉ giúp gia đình giảm chi phí, mà còn là sự hỗ trợ tinh thần rất lớn đối với những người làm cha mẹ như chúng tôi”.

Còn em Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Cát Linh (phường Ô Chợ Dừa) chia sẻ: “Em rất vui vì từ năm học mới sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa, bố mẹ sẽ đỡ vất vả. Con cũng thích ăn ở trường với các bạn vì vui và không phải đi về giữa trưa nắng”.

Chính sách hỗ trợ bữa trưa cho học sinh tiểu học được các nhà trường đánh giá cao. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Tháp (xã Đan Phượng) Đậu Thị Thanh Hoan cho biết, năm học vừa qua, khoảng 300 trong số hơn 800 học sinh trường đăng ký ăn bán trú. Nhiều phụ huynh muốn gửi con ở lại trường ăn trưa nhưng ngại chi phí, nhất là với những hộ có 2 hoặc 3 con đi học cùng lúc.

“Chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú sẽ giúp nhiều phụ huynh quyết định gửi con ở lại trường, từ đó nâng tỷ lệ học sinh bán trú, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Đây cũng là cơ hội để nhà trường quy hoạch, cải thiện cơ sở vật chất phục vụ học sinh tốt hơn”, cô Hoan nhận định.

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên tại các trường tiểu học ở địa bàn các xã, việc đưa học sinh về nhà vào buổi trưa rồi quay lại lớp vào buổi chiều rất vất vả. Không ít phụ huynh muốn gửi con ở trường nhưng điều kiện kinh tế không cho phép. Với chính sách mới, các trường kỳ vọng số học sinh ở lại trường sẽ tăng lên đáng kể, từ đó tăng động lực học tập cho học sinh, giảm vất vả cho phụ huynh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, việc miễn học phí và hỗ trợ bữa trưa là bước cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương và thành phố về phát triển giáo dục toàn diện, thể hiện rõ cam kết trong việc đặt giáo dục ở vị trí ưu tiên. Chính sách nhân văn này sẽ bảo đảm cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả học sinh, từ đô thị đến nông thôn, từ công lập đến tư thục.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mien-hoc-phi-ho-tro-bua-trua-dau-an-nam-hoc-moi-708851.html