Nếu Sở GD bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó cả tỉnh sẽ quá tải, khó chính xác năng lực

Nếu như địa bàn xã có số lượng trường học cùng cấp ít thì việc luân chuyển cán bộ từ trường này sang trường khác cũng phát sinh những bất cập.

Sau khi sáp nhập tỉnh, có 11 tỉnh, thành giữ nguyên như trước đây và có 23 tỉnh, thành mới nên đa phần các tỉnh mới có đến 2-3 tỉnh cũ sáp nhập lại. Điều này cho thấy quy mô dân số, trường học ở từng địa phương là tương đối lớn.

Nếu sở giáo dục và đào tạo thực hiện việc bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý tất cả các trường học từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông có thể sẽ quá tải. Hơn nữa, cũng rất khó đánh giá chính xác được những ưu điểm, hạn chế của từng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tất cả các trường học phổ thông trong phạm vi cả tỉnh.

Việc dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục và đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự kiến giao cho cấp xã, phường thực hiện việc bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý trường học từ cấp mầm non đến trung học cơ sở theo phân cấp quản lý nhà nước sẽ sát thực tế hơn, giảm áp lực cho sở giáo dục và có những thuận lợi nhất định.

Tuy nhiên, công việc này cũng sẽ phát sinh ra nhiều khó khăn nhất định nếu như địa bàn xã có số lượng trường học cùng cấp ít thì việc luân chuyển cán bộ từ trường này sang trường khác cũng phát sinh những bất cập.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sẽ nhiều thuận lợi khi cấp xã thực hiện việc bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý trường học từ cấp mầm non đến trung học cơ sở

Thực hiện chính quyền 2 cấp hiện nay, cấp xã (phường) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục và đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến góp ý đang nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc.

Theo hướng dẫn, Thông tư quy định cụ thể vai trò tham mưu của bộ phận chuyên môn về giáo dục - đào tạo thuộc Phòng Văn hóa - Xã hội cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Theo dự thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ, biệt phái, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng và kỉ luật đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lí.

Điều này cũng đồng nghĩa, nếu dự thảo được thông qua chính thức thì tới đây cấp xã sẽ “bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ…” đối với các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non; tiểu học; trung học cơ sở trong phạm vi địa bàn xã quản lý.

Những công việc này, trước đây thuộc phạm Ủy ban nhân dân huyện đảm nhận và theo Nghị định 142/2025/NĐ-CP, các thẩm quyền này thuộc về sở giáo dục và đào tạo của các địa phương.

Thực ra, việc phân quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đối với cán bộ quản lý các trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sẽ có nhiều thuận lợi bởi một xã chỉ có vài 3 trường cùng cấp học nên lãnh đạo xã sẽ biết rõ ưu điểm, hạn chế của từng người trên địa bàn.

Những nhà giáo có uy tín có thể đề bạt, bổ nhiệm, kéo dài thời gian công tác, những cán bộ quản lý nếu có những hạn chế có thể miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ hoặc luân chuyển sang đơn vị khác trong cùng địa bàn sẽ thuận lợi hơn.

Hơn nữa, cấp xã được giao chức năng quản lý nhà nước đối với 3 cấp học này thì cấp xã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại..cũng phù hợp với thực tế phân quyền hiện nay.

Một số khó khăn, bất cập có thể xảy ra

Kể từ ngày 01/7/2025, cấp xã (phường) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non.

Nếu như dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục và đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường được thông qua chính thức thì bên cạnh những thuận lợi cũng có thể phát sinh một số khó khăn, hạn chế.

Đối với các phường thuộc khu vực đô thị thì số trường cùng cấp thường nhiều hơn cấp xã, có những phường có đến 7-8 trường cùng cấp nên việc điều động, luân chuyển cán bộ quản lý trong địa bàn xã không gặp khó khăn.

Nhưng, đa phần các xã chỉ có 2-3 trường cùng cấp học thì việc điều động, luân chuyển cán bộ quản lý sẽ khó khăn bởi theo quy định hiện nay, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chỉ đảm nhận tối đa 2 nhiệm kỳ ở 1 đơn vị. Hết thời gian này, bắt buộc phải điều động sang đơn vị khác.

Chẳng hạn, xã có 2 - 3 trường cấp trung học cơ sở thì tối đa cán bộ quản lý chỉ đảm nhận chức vụ đó trong vòng 20 năm. Vậy, khi hết thời gian này, những cán bộ quản lý sẽ đi đâu? Lâu nay, đa phần cán bộ quản lý chỉ trừ bị kỉ luật là thôi đảm nhận chức vụ, còn lại, họ sẽ làm cho đến khi về hưu.

Trong khi, tuổi nghỉ hưu của nam là 62, nữ là 60 tuổi nên thời gian nhà giáo công tác trong ngành khoảng 40 năm.

Vì thế, việc chọn lựa cán bộ lãnh đạo dù giao cho cấp nào cũng cần có quy trình đánh giá khoa học, sát thực tế để chọn được người đứng đầu cơ sở giáo dục thực sự có năng lực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/neu-so-gd-bo-nhiem-hieu-truong-hieu-pho-ca-tinh-se-qua-tai-kho-chinh-xac-nang-luc-post252763.gd