Miền ký ức ấm áp một xứ Mường

Tôi đã từng đọc một số tác phẩm của các hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà tác giả là người dân tộc Mường như nhà văn Hà Thị Cẩm Anh, nhà thơ Vương Anh... Ấn tượng về xứ mường, về nền văn hóa mường luôn luôn là niềm háo hức trong tôi mỗi khi được tiếp cận, được đọc những tác phẩm của họ. 'Miền ký ức' của tác giả Quách Thuận Lương cũng nằm trong số những cuốn sách như vậy.

Thy Lan và tác giả cuốn sách Miền ký ức.

Thy Lan và tác giả cuốn sách Miền ký ức.

Cuốn sách gồm hai phần: Văn và thơ. Phần văn là những chấm phá hồi ức về câu chuyện của một người con dòng họ mường cổ (mường Khụ) Hòa Bình, cụ thể là dòng họ Quách đến “khai sơn, lập ấp” tại vùng Lân Các xứ Thanh nay là Như Thanh, Như Xuân (Thanh Hóa), cùng với bao vinh quang, cay đắng gắn liền với những thăng trầm biến động của lịch sử của gia tộc họ Quách Thanh Hóa là một nền văn hóa đậm chất mường chan hòa, bao dung và thẳng thắn.

Câu chuyện bắt đầu bằng cuộc di cư một phần gia tộc họ Quách từ vùng rừng Hòa Bình vào vùng núi Thanh Hóa, dẫn đầu là cụ Quách Văn Hiệp ở thế kỷ thứ 19. “Mùa xuân 1859 một bộ phận họ Quách từ mường Khụ (Hòa Bình) do cụ Quách Văn Hiệp dẫn đầu vào vùng Lân Các xứ Thanh cắm trại, khai phá rừng ruộng lập làng”- có thể nói cuộc di cư này như là cuộc “mở mang bờ cõi”, mở rộng địa giới, mở rộng tầm ảnh hưởng của gia tộc họ Quách nói riêng và xứ mường nói chung. Là người có khí chất thông minh, tính cách thân thiện, quảng giao rộng rãi và chăm chỉ, cụ Quách Văn Hiệp đã nhanh chóng hòa nhập, chiếm được cảm tình, tín nhiệm của cư dân, cũng như chính quyền vùng đất mới, tạo lập được vị trí cho mình và cho một xứ mường mới bình yên, trù phú. “Ông Quách Văn Hiệp đã tổ chức binh lực đánh đuổi nhiều toán cướp và làm tan rã chúng rồi đưa dân chúng các vùng đến ổn định khai phá ruộng vườn lần lượt lập nên các xã Xuân Du, Phượng Nghi, Xuân Hòa, Mậu Lâm, Phú Nhuận, dân tình yên hòa và ngày một sung túc”. Cụ được triều đình nhà Nguyễn phong tặng cho nhiều chức sắc thống lĩnh cả một vùng rộng lớn gồm Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân ngày nay. Sau khi cụ mất con trai trưởng của cụ là Quách Văn Sâm nối nghiệp cha tiếp tục đà phát triển, thu phục Nhân dân, mở rộng làng bản lên tận Như Lăng, Lảng Lăng, Hạ Thường. Cụ là người hiền hậu, trọng nghĩa được các vua Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân ghi nhận và ban tặng nhiều sắc phong. Khi cụ Quách Văn Sâm mất, Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh soạn bức đối để phúng viếng. Cụ Quách Văn Sâm là người được triều đình Huế tấn phong hàm tứ phẩm làm tri châu Như Xuân mới thành lập. “Được triều đình Nguyễn ban cho dòng họ Quách quyền “thế tập”, các ông Quách Văn Sâm, Quách Văn Nụ, Quách Văn Nhạ, Quách Văn Cối, Quách Văn Tôn sau này đều được bồi dưỡng bổ sung tri châu Như Xuân cho đến khi Cách mạng Tháng 8/1945 thành công”. Trước và sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều con cháu dòng họ Quách được giác ngộ đã có nhiều đóng góp gián tiếp và trực tiếp cho cách mạng, nhiều người trong số đó sau này trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, nắm nhiều trọng trách trong quân đội và trong chính quyền Nhân dân như cụ Quách Văn Cối - bố đẻ của tác giả Quách Thuận Lương, làm đến Chủ tịch Ủy ban hành chính Thượng du, Thanh Hóa; hay cụ Quách Văn Tôn làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính châu Như Xuân...

Có thể nói: dòng tộc họ Quách ở Như Thanh (Thanh Hóa) là dòng họ mường gốc, gia thế quyền quý, nền nếp, có truyền thống yêu nước. Thông qua những ký ức được tác giả hồi tưởng, người đọc còn phần nào hình dung được một phần lịch sử hình thành, biến động cũng như xã hội vùng rừng núi Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân nói riêng và toàn vùng xứ Thanh nói chung từ thế kỷ 19 đến nay.

Cuốn sách vừa như là những ghi chép về những kỷ niệm có tính chất hồi ký cả những gì tác giả được nghe kể lại, cả những gì tác giả “mục kích” suốt gần hai thế kỷ nên nó vừa có tính sử học, vừa có tính của một cuốn gia phả giúp cho trước hết là con cháu dòng tộc về sau biết gốc gác tìm về, sau là tư liệu quý cho các nhà sử học, các nhà nghiên cứu văn hóa mường làm phong phú thêm truyền thống lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Về phần thơ gồm 28 bài là những cảm xúc bung vỡ của một tâm hồn nhạy cảm giữa đời thường. Thơ ông bình dị như ngọn gió bên khe suối, như tiếng lá bương hoang dã giữa rừng chiều, tiếng mõ trâu va vào bao hoài niệm:

Bản vắng mõ trâu về lóc cóc

Rì rào gió thổi lá bương reo

Ai qua nẻo ấy mà không nhớ

Thấp thoáng suối xa tỏa dáng Kiều.

(Rừng chiều)

Tâm hồn thi sỹ đã giúp ông có cái nhìn lãng mạn trước những khắc nghiệt của cuộc đời, vượt lên chính mình tìm lại những giá trị nhân bản của con người:

Bao thân phận bấy tình đời

Phong trần cuộn lấy phong trần mà vươn.

(Tơ hồng)

Nhìn chung 28 bài thơ trong “Miền ký ức” là dấu ấn những kỷ niệm của một thời không thể nào quên, là nỗi niềm tâm sự đối với mẹ cha, tổ tiên ông bà, là tình cảm chân thành của người chồng đối với người vợ, tình cảm máu mủ ruột rà của anh em dòng tộc, tác giả Quách Thuận Lương muốn ghi lại trước hết là cho mình sau là nhắc nhở con cháu cho dễ nhớ, dễ nghe, dễ thuộc, nó là của “hồi môn tinh thần” quý giá:

Không phải là thơ đâu

Tôi mượn chữ thay lời

Để ghi lại cuộc đời

Bao gian truân từng trải

Quyết không để rơi vãi

Ngọt ngào và đắng cay

Bao khúc lúc đời người

Viết ra cho con cháu

Đây “hồi môn” ông cha

Nhắc cháu con đoàn kết

Hãy vươn tới, bay xa

Giữ cho trọn nếp nhà.

(Hồi môn)

“Miền ký ức” mang nặng tư tưởng ấy và gieo vào không chỉ con cháu, mà với cả người đọc sự trọn vẹn của nếp nhà và tinh thần đoàn kết của bà con Nhân dân.

Bài và ảnh: Thy Lan (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/mien-ky-uc-am-ap-mot-xu-muong/30513.htm