Miền ký ức những chiếc xe máy bằng cả gia tài
Vì được thịnh hành trong giai đoạn khó khăn, thiếu thốn nên có những mẫu xe máy chỉ cần nhắc tên hay thoáng nhìn thấy sẽ ùa về cả miền ký ức.
Có thời, sở hữu một chiếc xe máy là sự hãnh diện, niềm mơ ước vì nó bằng cả gia tài đối với nhiều người. Chính vì vậy, những chiếc “xế nổ” của một thời gian khó là miền ký ức không thể quên.
“Mặt rỗ đi Lơ không bằng lưng gù đi Cúp”
“Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ, mặt rỗ đi Lơ không bằng lưng gù đi Cúp”. Chắc hẳn những người từng trải qua thập niên 70, 80 của thế kỷ trước đều từng nghe tới câu nói này.
“Lơ” chỉ xe đạp Pơ-giô (Peugeot) của Pháp, loại xe đạp cao cấp nhất thời bấy giờ, hơn hẳn xe Phượng Hoàng của Trung Quốc hay xe Thống Nhất sản xuất trong nước. Thậm chí, đây còn từng là tiêu chuẩn chọn người yêu của những cô gái ngày xưa: “Một yêu anh có Seiko, hai yêu anh có Peugeot cá vàng...”.
Ấy vậy mà từ sau năm 1975, khi xe máy được đưa từ miền Nam ra ngoài Bắc nhiều hơn, những Honda 67 (Honda SS 50), Cúp (Honda Super Cub) nhanh chóng trở thành biểu tượng mới của sự khá giả, sành điệu. “Xế điếc” như “Lơ” đành cúi đầu xếp sau làn khói “Cúp”.
Cứ như thế, “xế nổ” dần trở thành một thời để nhớ với biết bao người Việt, là những mẫu xe mà có khi chỉ cần nhắc tên hay thoáng nhìn thấy sẽ ùa về cả miền ký ức.
Anh Đỗ Quang Tú (Tú “Xiếc” - quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), người có hơn 30 năm kinh doanh, sưu tầm xe máy cho biết, xe máy đã là loại phương tiện phổ biến ở miền Nam từ thập niên 1960.
“
Cũng vì giá trị tinh thần lớn lao mà xe máy cổ được xem là thú chơi của cảm xúc. Một món kỷ vật mà người bán lắm lúc chẳng muốn bán, còn người mua dù có khi đầy đủ về tiền bạc và địa vị, lại chẳng thể sở hữu.
Thời ấy, chẳng hiếm những người cứ đi xe về đến nhà là dựng chân chống giữa, lấy khăn mặt trắng thấm nước ấm tỉ mẩn, cặm cụi lau đến khi sạch bóng, thậm chí giữ đến mức cất để ngắm chứ chẳng đi bao nhiêu. Vậy nên đến tận bây giờ, vẫn có những chiếc Cub, Dream, Mobylette, Peugeot... nguyên bản, mới chỉ lăn bánh vài trăm hay vài nghìn km.
Anh Đỗ Quang Tú (Tú “Xiếc” - quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
”
Những chiếc Honda 67, Honda Dame, Lambretta, Mobylette đã trở thành một phần hoài niệm không thể quên của người dân Sài Gòn thời bấy giờ.
Được biết đến rộng rãi ở Việt Nam với tên gọi Honda 67, Honda SS 50 ra đời năm 1962, sau khi Nhật Bản thất bại trong Thế chiến II và người dân đi lại bằng xe máy thay vì ô tô.
Phần yên kéo dài, thon gọn, động cơ 50cc và dùng côn tay, Honda SS 50 tỏ rõ là một chiếc xe dành cho nam giới với kiểu dáng hầm hố, tay lái ngắn và tư thế ngồi chồm về phía trước.
Sở dĩ có tên Honda 67 vì đây là năm mẫu xe này bắt đầu được nhập nhiều vào Việt Nam.
Gắn liền với những pha rượt đuổi trên phim và hình ảnh chiến sĩ săn bắt cướp (SBC) trên đường phố Sài Gòn sau giải phóng, nét phóng khoáng, phong trần của Honda 67 đến hiện tại vẫn không mất đi.
Honda Super Cub 50 hay Honda C50 đời đầu được gọi với tên Honda Dame, xuất phát từ “madame”, mang ý nghĩa “quý bà” trong tiếng Pháp, do được coi là xe dành cho nữ. Honda Dame bắt đầu xuất hiện ở Sài Gòn từ cuối những năm 60, dùng động cơ 50cc, có đèn tròn, yên liền, ổ khóa đặt bên thân trái thay vì yếm hay cổ xe, chỉ có chân chống giữa.
Những “huyền thoại” một thời
Anh Tú nhớ lại: “Ở Hà Nội đầu những năm 1980 đã xuất hiện Honda Dame, phổ biến nhất là màu xanh su hào và đỏ cờ. Nhưng gần như chỉ cán bộ cấp cao mới có để đi. Giá hồi ấy có khi bằng mấy căn nhà mặt đường”.
Sau Dame, nhiều đời Super Cub tiếp theo lần lượt được đưa về Việt Nam như Cub 78, Cub 79 “cánh én” với tay lái vểnh lên, Cub 81 “kim vàng giọt lệ” có kim chỉ vận tốc màu vàng và đèn báo quá tốc độ được ví von như giọt lệ, Cub 82 đèn chữ nhật hay “DD đỏ” (C70 Econo-Power). Động cơ có các loại phổ biến là 50cc, 70cc, 90cc, chia thành kiểu máy cối (đầu máy tròn), máy cánh (đầu máy có phần nhọn ra như cánh chim).
Bền bỉ, tiết kiệm, dễ đi, dễ sửa, chở người hay chở hàng đều tốt. Những chiếc Cub cứ thế đi vào đời sống suốt hàng chục năm, để rồi giờ đây với nhiều người, trở thành thứ kỷ vật không gì có thể thay thế.
Anh Trịnh Ngọc Đức (Hà Nội), người có thâm niên sưu tầm, kinh doanh ô tô và xe máy cổ cho biết, vào thập niên 60 và 70 ở miền Nam, những mẫu xe được xem là “chơi" về cả kiểu dáng và giá trị đắt đỏ đến từ Vespa và Lambretta. Các dòng phổ thông và rẻ hơn có Mobylette, Honda...
“Giai đoạn 1960 - 1970, Vespa thịnh hành những mẫu như ACMA, Standard (Vespa 150), Super 150, Sprint. Giá trị một chiếc Vespa thời đó có khi ngang bằng cả căn nhà mặt phố ở quận 1”, anh Đức nói.
Lambretta có các mẫu LI series 1 (TV1), LI series 2 (TV2), LI series 3 (TV3), Special... phổ biến nhất là TV2, còn được gọi với tên “Lam bầu”, giá lúc bấy giờ cũng lại tính bằng đơn vị “nhà mặt đường”. Đến nay, vẫn có nhiều dân chơi xe ráo riết săn lùng những chiếc “Lam già”, “Lam bầu” hay “Lam Sport” nguyên bản, dù số tiền chi ra có thể ngang ô tô.
Từ thập niên 1980, xe máy dần phổ biến ở cả miền Bắc. Ngoài Honda 67 hay Cub, đường phố có thêm cả những chiếc Simson, Minsk, Babetta...
Simson SS51, thường được gọi là Simson “Kích” ở Việt Nam, chủ yếu được mang bởi người học tập, lao động từ Đông Đức về nước. Xe Simson từng một thời phủ sóng khắp các tỉnh miền Bắc nhờ giảm xóc êm “cân” đủ loại đường xấu, tiếng pô nổ đã thành nét đặc trưng.
Tin liên quan
Những mẫu xe máy cổ quý hiếm, có giá bán đắt nhất thế giới
Những chiếc “Min-khờ” (Minsk) phổ biến ở Việt Nam vào quãng năm 1980 - 1990, chủ yếu xách tay bởi người đi học, đi làm ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Xe “Ba-bét-nhè” (Babetta) thì đa phần được người xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc mang về.
Sau thời kỳ bao cấp, những năm 1990 và đầu 2000, thị trường xe máy dần trở nên đa dạng và nhiều lựa chọn hơn. Ngoài huyền thoại một thời giá đếm bằng cây vàng Dream II, cùng Win 100 và Wave “Thái” của Honda, còn có những Suzuki Viva, FX, “Xì-po”; Yamaha Sirius, Jupiter hay Kawasaki Max.
Giai đoạn này, xe tay ga cũng dần phổ biến hơn. Những Honda Spacy, @, Dylan, Piaggio X9, Suzuki Avenis... lần lượt thay thế xe số, trở thành niềm ao ước mới của dân chơi Việt.
Những chiếc xe là cả một trời thương nhớ
Theo những người sành chơi xe như anh Đức, anh Tú, hầu hết những chiếc Honda, Simson, Mobylette, Lambretta... xuất hiện tại Việt Nam cách đây nửa thế kỷ đều là các dòng xe bình dân, giá rẻ ở quốc tế. Hiện tại, phần lớn trong số này cũng không được dân sưu tầm xe nước ngoài ưa chuộng.
Thế nhưng ở Việt Nam, chính vì được đưa về trong giai đoạn khó khăn, thiếu thốn, lại có giá trị bằng cả gia tài, nên những chiếc “xế nổ” ấy với nhiều người, là niềm hãnh diện, là ký ức không thể quên.
Trên con phố Phùng Hưng, nơi trước kia là một trong những chợ xe máy ra đời sớm nhất của Hà Nội, anh Tú “Xiếc” vẫn nhớ như in ngày còn bé khi cả khu phố có chiếc “nữ hoàng đỏ” đầu tiên: “Nhiều người nghĩ DD đỏ là “nữ hoàng đỏ” nhưng không phải. Đó là chiếc Honda C50 Econo-Power. Hồi đầu năm 80 có giá bằng cả căn nhà.
Khoảng năm 1984 hàng xóm mua “nữ hoàng đỏ”, chiếc duy nhất và cũng là niềm khao khát lớn nhất của cả phố. Suốt 3 tháng nghỉ Hè, đều đặn 7h sáng hàng ngày, tôi ngồi “phục» ở cửa chỉ để chờ ngắm “nàng” lướt qua, rồi vào nhà”.
Anh Tú từng gặp không ít người chủ tiếc nuối, rơi nước mắt khi bán xe đi vì không “chăm” được, nhưng anh ấn tượng nhất hình ảnh vừa xúc động, vừa hài hước của một vị doanh nhân thành đạt khi bán lại chiếc mô tô “con cưng” 10 năm mới đi 600km.
Người đàn ông trung niên ấy bán xe trước cửa biệt thự nhà, trong một bộ com-lê lịch lãm, mắt rơm rớm: “Anh thấy hụt hẫng hệt như ngày tiễn cậu con trai đi du học”.
Lại có giám đốc một bệnh viện lớn, gọi điện thoại cho anh Tú sau khi tình cờ biết anh sở hữu một chiếc Peugeot cổ chưa từng đổ xăng: “15 năm nay anh tìm chiếc xe này khắp nơi mà không thấy, nó gắn liền với tuổi thơ của anh và gia đình. Bố anh là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, chiều nay vừa rời viện về nhà điều trị tiếp. Chiếc xe sẽ là món quà tinh thần cuối cùng anh dành tặng bố”