Miên man mùa hoa gạo

Cây gạo ngã ba đầu làng được trồng từ bao giờ, không ai biết nữa. Các cụ cao niên kể, làng tôi xưa vốn gần các làng khác, nhưng trận đại dịch kéo đến cuốn đi gần hết số dân cư, chỉ còn vài ba hộ bỏ xuống cánh đồng bãi xa đổ đất làm nhà.

Thế rồi dần dà thành xóm, thành làng. Ngay chỗ ngã ba trông ra cánh đồng, người ta trồng một cây gạo vừa làm mốc giới, vừa làm nơi trú ngụ cho những linh hồn lang thang, vất vưởng.

Cây gạo trầm mặc, khoác lên mình lớp vỏ xù xì, gai góc bám riết lấy thời gian. Lớp thời gian lặng lẽ, bàng bạc nỗi buồn, nổi sần thành những u cục từ dưới gốc đến ngang thân. Những buổi chiều hè, lũ trẻ chúng tôi thường nặn hình người bằng đất sét, lấy những thanh tre nhỏ làm vũ khí. Cũng phân rõ làm hai tuyến “địch-ta”, đặt người lính bằng đất sét vào những u cục dưới gốc cây gạo. Đang bày binh bố trận thì có tiếng người lớn réo gọi, chúng tôi ù té chạy, bỏ cả trận địa với những người lính đang ở vị trí sẵn sàng.

Với người dân quê tôi, hoa gạo nở chính là dấu mốc quan trọng để đoán định thời gian trong năm. Năm nào cũng vậy, khi nụ hoa đỏ bắt đầu đục những mắt nhỏ trên cành cây gầy guộc, khẳng khiu cũng là lúc ngày xuân sắp cạn. Thời gian này, người làng cũng bắt đầu rộn ràng chuẩn bị cho ngày lễ Thánh. Trên cao, từng đốm lửa nhỏ thổi bùng lên giữa không gian, in dấu vào nền trời màu mây xám. Bên dưới, cờ ngũ sắc cuộn gió rợp bay. Trong tiếng nhạc bát âm trầm bổng, đoàn rước bước đi nghiêm trang. Hàng người nối dài rước cờ quạt, võng lọng, bát bửu, kiệu bát cống. Cụ cai đám hai tay chắp trước ngực, chân bước khoan thai. Cuối đoàn rước là những tà áo dài thướt tha trong gió, đầu đội mâm lễ tôn kính dâng vật phẩm lên Thành hoàng. Bất ngờ ngọn gió cuộn đến, nhấc bông hoa gạo khỏi cành, thả trôi giữa không gian mênh mông, trầm mặc.

Khi đám rước đã đến đình, cụ cai đám vén ống tay áo rộng thùng thình nhặt bông hoa gạo vô tình rớt trên mâm lễ. Xoay cánh hoa trên tay, cụ quay sang nói với đội tế: “Bông gạo 5 cánh to mẫm, màu đậm rõ viền, hè năm nay được vụ nắng to đấy, các cụ ạ!”. Các cụ trong đội tế chuyển bông gạo qua tay rồi gật gù. Hoa gạo đến tay cụ Trâm, thoáng thấy đôi vai cụ rung lên. Đôi tay run run lần từng cánh hoa đỏ cờ, đuôi mắt trũng sâu nhòe nhoẹt nước, cụ cất giọng buồn như hằn rõ nỗi đau từ vết xước của ký ức: “Màu hoa đỏ, y như mùa xuân năm ấy…”.

Trong tiếng xào xạc của cây lá, giọng cụ cai đám trầm ấm kể lại. Mùa xuân năm ấy, cây gạo là nhân chứng cho cuộc chia tay hơn chục thanh niên làng lên đường nhập ngũ. Dưới tán gạo xòe rộng, mọi người trao nhau những cái ôm thật chặt, nụ cười và đôi tay đặt bên nhau nồng ấm. Có cô gái nép vội sau gốc cây gạo, giấu đi giọt nước mắt đang lăn dài. Hoa gạo năm ấy cũng nở đỏ, tiễn đưa những chàng trai lên đường. Nhưng rồi, hai người lính trẻ, trong đó có con của cụ Trâm đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Khi gia đình cụ Trâm nhận lại những kỷ vật của con trai, trong cuốn nhật ký vẫn còn cánh hoa gạo ép khô đã chuyển màu đen đậm.

Cây gạo đầu làng đã chứng kiến biết bao đổi thay của những nếp nhà nhỏ bé nơi đây. Để rồi, người đi xa hay ở lại đều giữ cho mình ký ức riêng không thể trộn lẫn về quê hương. Và rồi, chẳng phải đợi để ai đó nhắc đến, tháng ba, ngoài kia, những bông hoa gạo vẫn âm thầm nhuộm đỏ góc trời.

NGUYÊN ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/mien-man-mua-hoa-gao-612626