Miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp với ông Đoàn Tấn Bửu
HĐND tỉnh Đồng Tháp thống nhất miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Đoàn Tấn Bửu-người vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Y tế tỉnh.
Ngày 18/7, tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tiến hành thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Theo đó, HĐND tỉnh Đồng Tháp thống nhất miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Đoàn Tấn Bửu; miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh đối với ông Nguyễn Lâm Thái Thuận; do hai ông này được điều động, phân công nhiệm vụ mới.
HĐND tỉnh Đồng Tháp cũng bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Đồng Tháp đối với ông Đoàn Tấn Bửu - Giám đốc Sở Y tế.
Trước đó, vào ngày 7/6, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành quyết định về việc bổ nhiệm ông Đoàn Tấn Bửu giữ chức Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp.
Ngày 2/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng đã ban hành quyết định điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Lâm Thái Thuận, Giám đốc Sở Y tế giữ chức Phó Trưởng Ban Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp.
Chủ tịch Đồng Tháp trải lòng khi các nhà đầu tư chê là tỉnh 'khuất nẻo'
Tại phiên chất vấn lãnh đạo các sở, ngành và UBND tỉnh hôm nay, đại biểu Trần Hữu Phước (Lai Vung) đặt vấn đề cần phải có giải pháp, chính sách cụ thể để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư.
Trao đổi với đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, thời gian qua, ngoài chính sách của T.Ư, tỉnh còn thực hiện nhiều chính sách khác để thu hút đầu tư, đặc biệt vào các khu kinh tế cửa khẩu.
Nhấn mạnh niềm tự hào khi Đồng Tháp là địa phương 15 năm liền thuộc tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư, tuy nhiên, ông Nghĩa cũng đặt vấn đề "tại sao cơ chế tốt, môi trường tốt mà chưa thu hút đầu tư tương xứng".
Ông Nghĩa nêu, khi gặp gỡ, tiếp xúc, các nhà đầu tư nhận định, Đồng Tháp có nhiều lợi thế, tuy nhiên hạ tầng giao giao thông chưa kết nối, hay nói cách khác là địa phương "khuất nẻo"; thứ hai là nguồn nhân lực yếu.
Vì thế, theo ông Nghĩa, trong thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp tập trung giải quyết 2 điểm yếu cốt lõi này.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã cơ bản giải quyết vấn đề này, bởi đường cao tốc tuyến ngang (cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh, dự kiến khởi công vào năm sau) và cao tốc tuyến dọc (Cao Lãnh – An Hữu đã khởi công vào tháng 6/2023). Đến 2025 – 2030, Đồng Tháp sẽ trở thành địa phương có lợi thế của vùng ĐBSCL, kể cả đường thủy.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư có nhiều đổi mới. Tỉnh không kêu gọi đầu tư dàn trải mà có sự chuyên biệt đối với doanh nghiệp của một quốc gia. Điển hình, mới đây tỉnh tổ chức Hội nghị về hợp tác đầu tư thương mại với doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ. Cùng với đó, tỉnh có khoảng 200 ha quỹ đất sạch để kêu gọi nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, tỉnh xem đầu tư công là động lực chính để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế và tập trung chỉ đạo bằng những giải pháp kiên quyết.
Đối với điểm yếu về nguồn nhân lực, tỉnh đã thành lập trường đào tạo nghề, liên kết nhiều trường để đào tạo nhân lực. Hơn nữa, tỉnh còn mạnh dạn đưa lao động đi nước ngoài; đặc biệt là chương trình Mekong 1.000 và chương trình hợp tác đào tạo với trường đại học của Đài Loan…
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định, đến nay Đồng Tháp đi đúng chủ trương và tự hào là tỉnh duy nhất cả nước đến thời điểm này có hai thành phố (Cao Lãnh và Sa Đéc) được UNESCO công nhận học tập toàn cầu. Vì thế, vấn đề nguồn nhân lực không thiếu, do đó tự tin và đủ điều kiện để đón nhà đầu tư trong thời gian tới.