Miền núi Khánh Hòa phát triển chăn nuôi thích ứng rủi ro khí hậu
Phát triển chăn nuôi thích ứng biến đổi khí hậu gắn với du lịch sinh thái là hướng đi bền vững, giúp người dân miền núi Khánh Hòa tăng thu nhập, chuyển đổi sinh kế, đồng thời tạo chuỗi giá trị xanh, bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số.
Hai năm trước, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh (cũ) triển khai mô hình chăn nuôi dê sinh sản, tạo vùng nguyên liệu kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Đây là mô hình thí điểm mới nhằm tận dụng lợi thế địa hình, khí hậu và tiềm năng trải nghiệm vùng núi Khánh Vĩnh.
Mô hình được triển khai tại hai hộ chăn nuôi ở xã Khánh Phú và xã Khánh Trung với tổng đàn hơn 100 con dê. Trong đó, 1 hộ tại xã Khánh Trung (cũ), nay là xã Trung Khánh Vĩnh được cấp 63 con, chủ yếu là dê cái; Một hộ tại xã Khánh Phú được cấp 44 con, trong đó có 2 con đực giống.

Dê giống được chuyển giao cho một số hộ chăn nuôi ở miền núi Khánh Hòa chăn nuôi
Sau hai năm triển khai, đàn dê phát triển tốt, thích nghi với môi trường bán tự nhiên, nhiều con cái đã sinh sản hiệu quả. Là một trong hai hộ dân được lựa chọn, ông Triệu Đức Phấn, dân tộc Tày, sống ở xã Trung Khánh Vĩnh cho biết, trước đây, gia đình chỉ trồng bưởi trên diện tích hơn 2ha. Khi được vận động tham gia mô hình, ông mạnh dạn chuyển hướng sang nuôi dê sinh sản.
Với mức hỗ trợ 70% từ dự án, người chăn nuôi chỉ đối ứng 30% kinh phí. Ngoài hỗ trợ giống, kỹ thuật và hướng dẫn làm chuồng, cán bộ còn theo dõi sát sao quá trình chăm sóc. Lợi thế lớn nhất là tận dụng được các bãi cỏ tự nhiên và diện tích đất trống để làm thức ăn. Dự kiến sau ba năm, tổng lợi nhuận cao gấp gần 4 lần so với hình thức nuôi thông thường.
Ông Triệu Đức Phấn chia sẻ: "Gia đình nuôi dê sinh sản gắn liền với du lịch sinh thái, tạo vùng nguyên liệu tại chỗ. Một số con đã đẻ tốt. Vườn nhà có bưởi, có keo, mỗi thứ một chút. Sau này khi đàn phát triển, tôi sẽ mở rộng thành trang trại, làm điểm đón khách tham quan",

Đàn dê phát triển tốt trên vùng đất Khánh Hòa
Tại diễn đàn “Giải pháp phát triển chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với du lịch sinh thái”, các chuyên gia nhận định, phát triển chăn nuôi trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt cần gắn với giá trị bản địa, ứng dụng công nghệ và đặc biệt là kết nối với du lịch sinh thái. Khi đó, người nông dân không chỉ bán sản phẩm mà còn bán trải nghiệm, câu chuyện, văn hóa gắn liền với vùng đất.
Tiến sĩ Đặng Quý Nhân, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đánh giá, đang có xu hướng chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp với nhiều mô hình OCOP thành công. Theo ông Nhân, đối với tỉnh có du lịch phát triển như Khánh Hòa, tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp càng lớn, nhưng cần khai thác đúng cách.
“Để các địa phương phát huy giá trị bản địa, tạo giá trị gia tăng, các doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo, cải tiến mẫu mã, bao bì, đăng ký thương hiệu và gắn sản phẩm với câu chuyện nguồn gốc, con người địa phương. Khách du lịch sẽ không chỉ mua sản phẩm có đặc trưng riêng, mang theo một phần trải nghiệm, một cảm xúc gắn bó và điều đó khiến họ muốn quay lại”, ông Đặng Quý Nhân nói.

Du khách tham quan mô hình nuôi dê tại miền núi Khánh Hòa
Tại diễn đàn, nhiều mô hình chăn nuôi gắn với du lịch đã được giới thiệu, như nuôi cừu sinh sản tại Khánh Hòa, vịt biển ở vùng nước mặn Phú Yên, bò lai sinh sản ở Tây Nguyên, ong mật rừng kết hợp homestay. Các mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và giữ gìn không gian sản xuất truyền thống.
Hiện nay, đàn bò khu vực Nam Trung Bộ – Tây Nguyên đạt trên 2,2 triệu con, chiếm hơn 37% tổng đàn cả nước. Tổng đàn cừu đạt 102 ngàn con, gần như tập trung toàn bộ ở khu vực phía nam tỉnh Khánh Hòa. Khu vực còn có hơn 550 ngàn con dê và sản lượng mật ong chiếm gần 27% cả nước. Đây là điều kiện lý tưởng để xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi đặc sản kết hợp với du lịch trải nghiệm.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều rào cản như mô hình chăn nuôi còn nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch vùng nuôi, hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, thiếu vốn và chính sách tích hợp nông nghiệp - du lịch. Để tháo gỡ, diễn đàn đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể. Đó là hỗ trợ tín dụng, xây dựng mô hình farmstay, nâng cao năng lực cho người dân, phát triển sản phẩm OCOP từ chăn nuôi, tăng liên kết chuỗi giá trị.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, du lịch nông nghiệp đang là xu hướng mới, gia tăng giá trị cho nông sản và thu hút nguồn lực trở lại nông thôn.“Chúng ta cần biết cách khai thác thế mạnh bản địa - từ văn hóa, tập quán đến phương thức sản xuất của bà con vùng cao. Với Khánh Hòa, ngoài thế mạnh biển đảo, còn có vùng giáp ranh khô hạn từng thuộc Ninh Thuận nơi có điều kiện phát triển đàn dê. Nhiều người từng mơ sang châu Phi trải nghiệm không gian hoang mạc, thì nay hoàn toàn có thể đến Phan Rang - Tháp Chàm để tìm thấy cảm giác ấy, ngay tại miền Trung đầy nắng gió", - PGS,TS Lê Quốc Thanh chia sẻ.

Vùng đất phía Nam tỉnh Khánh Hòa (Ninh Thuận cũ) có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái
Chăn nuôi kết hợp du lịch sinh thái là hướng đi không mới nhưng vẫn là hướng đi hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu trải nghiệm nông nghiệp xanh ngày càng tăng. Với cách làm phù hợp và sự vào cuộc của các bên liên quan, mô hình này sẽ mở ra một hướng phát triển hiệu quả, bền vững cho kinh tế nông thôn miền núi.