Chính phủ Anh 'cân nhắc' bán số Bitcoin trị giá khoảng 7 tỷ USD ra thị trường

Đây được xem như một 'phép thử' về việc liệu thị trường tiền số đã đủ trưởng thành trước những cú sốc lớn hay không.

Kế hoạch bán tháo

Theo thông tin từ The Telegraph, Bộ Tài chính Anh đang hợp tác với Bộ Nội vụ và các cơ quan thực thi pháp luật để chuẩn bị bán số Bitcoin thu được từ một vụ rửa tiền năm 2018. Lý do được đưa ra khá đơn giản, nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách quốc gia. Với số tiền lên tới 5 tỷ bảng Anh (tương đương 6,7 tỷ USD), đây sẽ là "cứu cánh" đáng kể cho ngân khố đang gặp khó khăn của nước Anh.

Để hiểu rõ hơn câu chuyện, chúng ta cần quay lại năm 2018, thời điểm đầy biến động trong lịch sử thị trường tiền số. Khi đó, cảnh sát Anh đã tịch thu một số lượng Bitcoin khổng lồ từ một vụ án rửa tiền liên quan đến chương trình Ponzi của Trung Quốc.

Nhân vật chính trong vụ án là Jian Wen, một nhân viên dịch vụ khách sạn đã cố gắng "tẩy trắng" tiền bẩn bằng cách dùng Bitcoin để mua một biệt thự sang trọng. Kế hoạch của cô không thành công và kết quả là cảnh sát Anh đã thu giữ được ít nhất 61.000 Bitcoin - một con số mà theo giá hiện tại trị giá khoảng 7,1 tỷ USD.

Vào tháng 5/2024, Wen đã bị kết án 6 năm 8 tháng tù với với ba tội danh rửa tiền. Cùng với đó, số Bitcoin khổng lồ được thu giữ đã trở thành "miếng bánh" béo bở giữa nhiều bên có lợi ích.

Để thực hiện cho kế hoạch trên, Chính phủ Anh đang phải xây dựng một "hệ thống lưu trữ tài sản mã hóa an toàn" để chuẩn bị cho việc bán ra.

Thực tế, vào tháng 5/2025, Chính phủ Anh đã mở đấu thầu cho một "khung lưu trữ và thực hiện tài sản mã hóa" trị giá 40 triệu bảng (53,7 triệu USD). Tuy nhiên, dự án này đã bị hủy bỏ đầu tháng này vì không có đề xuất nào đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật.

Điều này phản ánh một thực tế, việc quản lý số lượng lớn tiền số không phải là chuyện đùa, đặc biệt khi giá trị lên tới hàng tỷ USD. Một sai lầm nhỏ có thể dẫn đến mất mát không thể khắc phục.

Tranh chấp pháp lý

Đây chính là điểm phức tạp nhất trong toàn bộ vụ việc. Theo Susie Violet Ward, CEO của Bitcoin Policy UK - một tổ chức vận động có uy tín trong ngành, "Bitcoin của Anh vẫn đang bị tranh chấp về mặt pháp lý."

Các nạn nhân của chương trình Ponzi Trung Quốc đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc can thiệp để đàm phán với Anh nhằm lấy lại số Bitcoin này. Họ lập luận rằng đây là tài sản bị đánh cắp từ họ, do đó Anh không có quyền bán.

Ward đã chỉ trích mạnh mẽ các báo cáo về việc bán Bitcoin, gọi đây là "làm quá hơn là có chất lượng" và nhấn mạnh rằng "không có cuộc bán nào có thể xảy ra trong khi quá trình pháp lý đó vẫn chưa được giải quyết."

Một chi tiết thú vị mà Freddie New từ Bitcoin Policy UK đã chỉ ra: "Chúng tôi hiểu rằng các nạn nhân ở đây đã mất tiền, chứ KHÔNG PHẢI Bitcoin."

Đây là một điểm pháp lý quan trọng. Các nạn nhân ban đầu đã đầu tư bằng tiền nhân dân tệ Trung Quốc, không phải Bitcoin. Việc số tiền này sau đó được chuyển đổi thành Bitcoin là do hành vi của tội phạm, không phải lựa chọn của các nạn nhân.

Tuy nhiên, hiện tại có "những nỗ lực ngoại giao đang được tiến hành để yêu cầu Bitcoin thay vì nhân dân tệ ban đầu bị mất." Điều này tạo ra một tình huống pháp lý phức tạp: liệu nạn nhân có quyền yêu cầu lấy lại Bitcoin (có giá trị cao hơn nhiều so với số yuan ban đầu) hay chỉ được bồi thường tương đương với số nhân dân tệ đã mất?

Phản ứng từ cộng đồng

Cộng đồng tiền số tại Anh đã có phản ứng mạnh mẽ trước thông tin này. Jordan Walker, nhà sáng lập Bitcoin Collective, đã viết thư ngỏ kêu gọi chính phủ không bán Bitcoin.

"Việc bán những tài sản này để giải quyết thâm hụt ngân sách ngắn hạn sẽ gửi đi một tín hiệu đáng lo ngại", Walker cảnh báo và cho rằng điều này có thể có "hậu quả lâu dài đối với vị thế kinh tế của Anh".

Bitcoin Policy UK thậm chí đã viết thư cho Chính phủ Anh từ tháng 7/2024, kêu gọi sửa đổi luật để "tự cho mình nhiều quyền tự do hơn trong việc giữ lại tài sản có giá trị này." Tuy nhiên, theo New, lá thư này đã bị "phớt lờ."

Từ góc độ thị trường, việc bán 7 tỷ USD Bitcoin một lúc có thể gây ra những tác động không nhỏ. Mặc dù thị trường tiền số hiện tại có thanh khoản tốt hơn nhiều so với những năm trước, nhưng một lượng bán lớn như vậy vẫn có thể tạo ra áp lực giảm giá đáng kể.

Điều đáng lo ngại hơn là "hiệu ứng tâm lý." Khi một quốc gia lớn như Anh quyết định bán tháo Bitcoin trong thời điểm thị trường đang phục hồi, điều này có thể được hiểu như một tín hiệu tiêu cực về triển vọng dài hạn của thị trường.

Qui ÁNh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chinh-phu-anh-can-nhac-ban-so-bitcoin-tri-gia-khoang-7-ty-usd-ra-thi-truong-post373531.html