Miền núi Nghệ An tan hoang sau lũ dữ và ký ức kinh hoàng bên dòng sông Lam
Chỉ sau một đêm, trận lũ lịch sử quét qua các xã miền núi Nghệ An cướp đi tất cả, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh 'ăn nhờ, ở tạm'.

Người dân Nghệ An ở trên thuyền khi nhà cửa bị lũ nhấn chìm. (Ảnh: Phạm Tâm)
Ký ức kinh hoàng bên dòng sông Lam
Do ảnh hưởng trực tiếp của bão Wipha, một đợt mưa với lưu lượng kỷ lục trút xuống nhiều bản, làng miền núi Nghệ An, khởi nguồn cho trận “đại hồng thủy” kinh hoàng.
Dòng nước hung dữ từ thượng nguồn sông Lam ào ạt đổ về, biến những bản làng vốn yên bình thành biển nước. Chỉ trong chốc lát, cơn thịnh nộ của dòng lũ nuốt chửng toàn bộ tài sản, cơ nghiệp mà người dân phải đổ mồ hôi, công sức gây dựng cả đời người.
Khoảng 20h đêm 22/7, tại thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông (Nghệ An) không gian đặc quánh lại bởi tiếng gió rít gào và tiếng nước lũ gầm réo. Nước dâng lên nhanh đến chóng mặt, chỉ trong chốc lát, nước “liếm” đến bậc thềm rồi tràn vào nhà.
Tiếng la hét, gọi nhau thất thanh xé toang màn đêm. Người dân chỉ kịp bồng bế con trẻ, dìu dắt người già, liều mình lao ra khỏi nhà chạy thoát thân, không một ai kịp mang theo bất cứ thứ gì có giá trị.
Trong dòng người hối hả chạy lũ, bà Nguyễn Thị Ngọc (SN 1974, trú thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông) vẫn chưa hết bàng hoàng, bà nghẹn giọng kể lại khoảnh khắc sinh tử: “Tôi vừa bế đứa cháu nhỏ trên tay, vừa lội bì bõm trong làn nước ngập đến ngực. Mất hết rồi, mất hết thật rồi”.
Khi ngoái đầu nhìn lại, bà Ngọc nghẹn ngào khi thấy căn nhà của gia đình chìm trong nước lũ. Gia đình 4 thành viên may mắn thoát chết trong gang tấc, nhưng toàn bộ tài sản, từ con lợn, con gà đến những vật dụng trong nhà – tất cả những gì họ dành dụm cả đời bị dòng nước không thương tiếc cuốn trôi.
“Bây giờ chúng tôi trắng tay, chỉ còn lại duy nhất bộ quần áo ướt sũng trên người”, bà Ngọc nói, đôi mắt vô hồn, đau đớn nhìn về nơi từng là mái ấm thân thương của mình.

Xã Con Cuông, Nghệ An chìm trong biển nước lũ. (Ảnh: Phạm Tâm)
Cùng chung cảnh ngộ là gia đình ông Nguyễn Viết Dương (SN 1979, trú tại thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông), có nhà nằm sát mép sông Lam. Dù quen với cảnh lũ lụt hằng năm, nhưng ông và bà con nơi đây chưa bao giờ chứng kiến một trận lũ khủng khiếp đến vậy.
Thất thần sau một đêm không ngủ, ông Dương kể lại: “Nước lên nhanh lắm, chỉ trong vài phút đã mấp mé sàn nhà. Tôi chỉ kịp hô vợ bỏ chạy lên chỗ cao. Ngoái đầu nhìn lại, ngôi nhà ngập đến nóc, rồi bị dòng lũ dữ cuốn phăng đi trong đêm tối”.
Đến tối 23/7, nước lũ vẫn chưa rút hết, cả một vùng rộng lớn vẫn chìm trong biển nước đục ngàu. Người dân thất thần đứng bên bờ sông, ánh mắt vô vọng dõi theo những vật dụng còn sót lại đang trôi lềnh bềnh. Không ai còn phân biệt được đâu là đồ dùng của nhà mình nữa.
Giờ đây, vợ chồng ông Dương vẫn phải ngủ, sinh hoạt trên chiếc thuyền nhỏ neo đậu trước cổng nhà chờ lũ rút. Bên cạnh thuyền còn có chiếc bè nổi, trên bè có hơn chục con gà trống được ông Dương cứu sống.

Ông Nguyễn Viết Dương trước căn nhà bị ngập của mình. (Ảnh: Phạm Tâm)
“Chúng tôi giờ không biết ngày mai sẽ ra sao. Tài sản trong nhà trôi hết, đất đai canh tác ven sông cũng bị sạt lở cuốn đi. Nhưng ít nhất, cả nhà vẫn còn sống. Đó là điều duy nhất để bấu víu mà đứng dậy”, người đàn ông buồn bã tâm sự.
Ngay sau khi bão tan, chính quyền xã Con Cuông huy động toàn bộ lực lượng cứu hộ, Bộ đội, Công an và dân quân tự vệ có mặt tại hiện trường.
Công tác khắc phục hậu quả đang được khẩn trương tiến hành. Những lán trại tạm được dựng lên, nước uống, lương thực, thuốc men cũng được phân phát cho các hộ dân bị mất nhà cửa để không ai bị đói.
Nỗ lực tái thiết cuộc sống sau lũ dữ
Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 24/7, hoàn lưu bão Wipha kèm theo mưa lớn, nước lũ dâng cao những ngày qua gây thiệt hại nặng về người và tài sản.
Mưa lũ khiến 3 người tử vong, 1 người mất tích, 4 người bị thương do va chạm trong quá trình di chuyển hoặc bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Nhiều bản làng miền Tây Nghệ An tan hoang sau mưa bão. (Ảnh: Hải Thượng)
Toàn tỉnh có 450 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái; 3.786 ngôi nhà bị ngập nước, trong đó xã Tương Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 2.210 nhà, tiếp đến là Mường Xén (264 nhà), Tam Quang (177 nhà), Con Cuông (300 nhà)… Hơn 3.440 hộ dân phải sơ tán, di dời, trong đó xã Tương Dương chiếm phần lớn với 2.210 hộ.
Trước bối cảnh nhiều địa phương bị cô lập hoàn toàn, mất điện và không thể tiếp cận bằng đường bộ, ngày 24/7, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp cùng Bộ Quốc phòng và Quân khu 4 sử dụng máy bay trực thăng tiếp tế nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men, nước uống cho người dân.
Ngay khi máy bay trực thăng của Bộ Quốc phòng chở hàng cứu trợ đến với các xã vùng tâm lũ Tương Dương, Mường Xén, người dân vui mừng khôn xiết, chung tay vận chuyển hàng cứu trợ. Hình ảnh đó trở thành một biểu tượng ấm lòng cho tinh thần đoàn kết trong thiên tai.

Bộ Quốc phòng điều trực thăng lên cứu trợ các xã miền Tây Nghệ An. (Ảnh: Anh Tần)
Cũng trong sáng 24/7, ông Mai Văn Chính, Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác Trung ương về kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt tại xã Con Cuông.
Qua kiểm tra thực tế, Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương tiếp tục chủ động, theo dõi sát tình hình thời tiết, diễn biến mưa lũ để đưa ra phương án ứng phó kịp thời theo phương châm "4 tại chỗ"; nhanh chóng có giải pháp tiếp cận các hộ dân, bản làng bị cô lập để hỗ trợ người dân.
Lũ rồi sẽ rút, nhưng những vết thương mà thiên tai để lại trên mảnh đất và trong lòng người dân Nghệ An sẽ cần rất nhiều thời gian để chữa lành. Hành trình phía trước sẽ là chặng đường tái thiết đầy gian nan, từ việc dựng lại những mái nhà, khôi phục sản xuất đến ổn định lại cuộc sống.