Miền núi phía Bắc mưa gió, sạt lở như cơm bữa

Nhiều tuyến đường ở miền núi phía Bắc đang vào mùa mưa, tình trạng sạt lở xảy ra như cơm bữa, gây tắc đường và đá rơi nguy hiểm.

Từ đêm 10 đến ngày 11-7, mưa lớn kéo dài kèm sấm sét khiến nhiều khu vực, tuyến đường ở miền núi phía Bắc sạt lở đất, giao thông ách tắc cục bộ.

 Đá lăn xuống mặt Quốc lộ 4D ngày 11-7. Ảnh: BÁO LÀO CAI

Đá lăn xuống mặt Quốc lộ 4D ngày 11-7. Ảnh: BÁO LÀO CAI

Trên Quốc lộ 4D (nối hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu), 2 điểm sạt lở tại Km76 và Km91+500 khiến lộ trình từ Lào Cai đi Lai Châu bị chia cắt tạm thời. Riêng tại Km91+500 gần khu du lịch thác Bạc (đèo Ô Quý Hồ), đất đá tràn xuống lấp một làn đường.

Tại khu du lịch Ô Quý Hồ, sạt lở đất từ đỉnh dốc đổ xuống, ảnh hưởng đến hoạt động của một số khu nghỉ dưỡng nhưng không có thiệt hại về người.

 Sạt lở núi trên đèo Ô Quý Hồ ngày 11-7. Ảnh: BÁO LÀO CAI

Sạt lở núi trên đèo Ô Quý Hồ ngày 11-7. Ảnh: BÁO LÀO CAI

Còn tại tỉnh Lai Châu, từ ngày 6 đến 11-7, nhiều tuyến đường như tỉnh lộ 131, 133, Quốc lộ 4H cũng bị sụt lún, nứt mặt đường, sạt lở taluy dương và âm. Một số đoạn như Km243+300 (Quốc lộ 4H, xã Mường Tè) hay Km98+310 (tỉnh lộ 133, xã Nậm Tăm) bị ách tắc hoàn toàn. Các lực lượng chức năng đã căng dây, đặt biển cảnh báo và huy động máy móc để xử lý.

Trước đó, vào chiều 2-7, một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại Km76+650 Quốc lộ 4D khiến anh Nguyễn Văn C. (sinh năm 1981, trú tại thôn Bản Vai, xã Bản Vược, tỉnh Lào Cai) tử vong. Nạn nhân bị đất đá đẩy xe máy rơi xuống ta luy âm, thi thể được tìm thấy cách hiện trường khoảng 200m.

 Ùn tắc xe cộ chờ xúc dọn đất đá sạt xuống Quốc lộ 4D ngày 11-7

Ùn tắc xe cộ chờ xúc dọn đất đá sạt xuống Quốc lộ 4D ngày 11-7

Cũng trên tuyến Quốc lộ 4D, vào ngày 1-7, tại Km12+600, khu vực trạm thu phí BOT Lào Cai-Sa Pa, mưa lớn kéo theo hàng ngàn mét khối đất đá trên đồi tràn xuống, vùi lấp một phần trạm thu phí và mặt đường (tỉnh lộ 155 và Quốc lộ 4D), chia cắt hoàn toàn lộ trình Lào Cai - Sa Pa. Đến nay, công tác khắc phục vẫn chưa hoàn tất.

Tại tỉnh Ninh Bình, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai xác nhận vụ sạt lở đá núi ngày 26-6 ở núi Khả Phong (thuộc phường Tam Chúc) là do mưa lớn. Hàng ngàn tấn đá tảng sụp xuống, phát ra tiếng nổ như bom.

Ông Trương Quốc Bảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình cho biết, dù không gây thiệt hại, khu vực sạt lở hiện đã được rào chắn và chờ hoàn tất thủ tục đóng mỏ theo quy định.

Từ sáng sớm đến chiều 11-7, hàng loạt nơi ở miền núi phía Bắc vẫn mưa (lượng phổ biến 40-80mm). Tại thủy điện Suối Nhạp (tỉnh Phú Thọ) mưa 107mm, Đông Cửu (tỉnh Phú Thọ) 120mm, Dào San (Lai Châu) 151mm, Nậm Ty (Sơn La) 126mm, Quảng Trị 123mm, Lâm Đồng 108mm…

Mưa ở thượng nguồn đã khiến nước sông Hồng tăng nhẹ, nước sông Đà dâng do Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đang mở 1 cửa xả đáy.

 Thủy điện Hòa Bình vẫn mở 1 cửa xả đáy ngày 11-7. Ảnh: GIA CHÍNH

Thủy điện Hòa Bình vẫn mở 1 cửa xả đáy ngày 11-7. Ảnh: GIA CHÍNH

Ghi nhận của PV Báo SGGP đến 17 giờ ngày 11-7, lượng nước về hồ là hơn 3.400m3/giây, còn tổng lượng xả qua cửa đáy và qua tổ máy phát điện là hơn 3.900m3/giây.

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia dự báo đêm 11 đến ngày 12-7, mưa vừa, mưa to tại Đông Bắc bộ, phía Tây tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An với lượng mưa phổ biến 30-60mm, cục bộ trên 120mm, tập trung vào đêm và sáng. Nguy cơ sạt lở là rất lớn. Các khu vực khác ở Bắc bộ, Hà Tĩnh, phía Bắc tỉnh Quảng Trị cũng có mưa rào, cục bộ có nơi mưa to trên 60mm.

Từ đêm 12-7, mưa lớn tại Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có xu hướng giảm.

PHÚC HẬU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mien-nui-phia-bac-mua-gio-sat-lo-nhu-com-bua-post803429.html