Miền nước trong
Đồng áng um úm nước, kênh rạch đen ngòm ô nhiễm, không còn chỗ cho cân cấn đòng đong, con lươn, con chạch.
Ngay cả loài cá rô đồng sức chịu đựng vô địch cũng khó ở, phải căng mình lên. Chú rô đen được đồng loại là một con trũi cũng thấy tức ở mang và phần bụng. Màn nước trong mát đã không còn, thay vào đó là phế thải, nước thải và biết bao thứ độc hại khác đã được tống xuống kênh rạch, ngấm vào bùn đất, ăn vào từng thớ thịt loài cá. Sự trong mát của nước bị đánh cắp dần. Độ ô nhiễm tăng tỷ lệ thuận với dân số loài người. Cách đây ít ngày, hai chú rô khác nói với rô trũi: “Bọn tớ tìm cách chuồn thôi. Tìm dòng nước dẫn vào cái ao nuôi cá. Dù sao ở đó cũng bớt ô nhiễm”. Họ từ biệt rô trũi mà đi. Chừng tháng sau thì thấy báo tin, chủ bơm ao đánh cá. Hai chú rô đồng đã bị tóm đi.
Rô trũi nhớ lời tổ tiên, họ tự hào kể về các kênh nước của cánh đồng Mương, từng là nơi trú ngụ, sinh sống của biết bao loài cá lớn nhỏ, là nơi tuổi thơ của những chú cá bột vùng vẫy lớn lên. Tổ tiên của rô trũi theo thời gian và tuổi tác đã sang thế giới bên kia. Đến thời cha đẻ của rô trũi thì màn nước kênh Mương bắt đầu thấm ô nhiễm. Ba bốn năm trở lại đây thôi. Ông may mắn được nếm nguồn nước ngọt mát của thời đã xa, rồi lại cay đắng nếm nước và hít thở không gian của màn nước thâm sì thời túi ni-lông lên ngôi, chất thải ô nhiễm thịnh hành và sự tàn sát của ngư cụ và các loại kích điện. Chính kích điện của một người dân đã khiến cha rô trũi mất mạng. Đó là một ngày chật ních ngột ngạt. Ông cá ốm nặng, nằm quấn chặt vào mớ rễ rau muống trong kênh nước. Ông nhạy cảm đến nỗi ngửi thấy mùi kích điện sắp sửa gí xuống. Đó là một thứ công cụ khai thác khủng khiếp mà con người nghĩ ra. Loài cá không thể cưỡng được. Trứng non được sinh sản ra kỳ vọng nảy nở cũng ung thối. Cha rô trũi bất lực nhưng tinh nhạy bảo rô trũi: “Hãy ẩn sâu dưới bùn. Đi mau lên. Cha không đủ sức đi cùng con. Tự bảo vệ mình đi”.
Rô trũi rớt nước mắt nhìn người cha lâm trọng bệnh. Ánh mắt ông khẩn thiết giục con hãy mau kẻo muộn. Phải ẩn sâu xuống, để luồng điện phóng ra trong nước, thì dù bị giật, lớp bùn cũng làm giảm bớt tác động, và giúp cá không nổi lên mặt nước. Bởi nếu bị nổi lên, phơi cái bụng ra, điện chích vào da thịt trực tiếp, không chết ngay thì cũng thành tàn phế. Và sẽ bị con người vớt lên, thả vào xô chậu, trở thành món rán giòn, món kho, món canh cá rô. “Vậy cha bảo trọng, con lẩn xuống trước đây”. Rô trũi nhanh chóng rúc vào bùn, cố sức để chui sâu nhất.
Mũi sào chích của kích điện cắm xuống, toàn bộ khu mặt nước non run rẩy. Các chú săn sắt, rô gion, cua đồng, bọ bèo và nhiều loài sinh vật khác run rẩy, phồng má trợn mắt bởi luồng điện ghê rợn. Rô trũi cảm giác đau điếng toàn thân. Trời ơi, mình đã rúc sâu thế này mà vẫn thấy đau đớn, làm sao cha chịu nổi. Rô trũi khóc. “Cha ơi. Tội nghiệp cha”!
Khi cảm thấy người đánh kích điện đã đi qua, rô trũi ngoi ra khỏi bùn, tìm cha. Lúc này, nhiều sinh vật nhỏ bé vẫn chưa hồi tỉnh, nhiều con chết do luồng điện quá mạnh. Rô tìm đến chỗ cha. Ông đang thở dốc, vẩy và mang nhợt nhạt, đôi mắt đờ đẫn. Rô trũi áp sát vào cha. Mỗi lúc ông thêm khó thở. Màn nước lợn cợn đùng đục và sặc mùi chết chóc. Ông cá thều thào:
- Con hãy học cách khôn khéo hơn. Con phải sống và hãy tránh xa mũi chích điện cũng như độc tố người ta thả xuống. Cá ông dừng lại thở. Ông tiếp: “Hãy nhớ, lúc nào màn nước có biểu hiện run rẩy, bên mang tai con lợn cợn buồn, cá tôm chạy loạn xạ chính là lúc luồng điện đang đe dọa. Con hãy lao mình xuống chỗ sâu nhất, cắm mình vào bùn mà trốn”.
Nói xong, cá ông ngáp ba cái yếu ớt, rồi lả đi. Ông về với tổ tiên. Rô trũi kêu lên, quẫy đạp trong nước. Nước kênh quằn quại như người trở dạ. “Cha ơi, đừng đi. Cha ơi!...”.
***
Rô trũi biết rằng từ nay không còn cha để bảo vệ nữa. Cha đã bị giáng một đòn nặng do luồng điện kích giữa lúc ông không còn sức đề kháng. Nước kênh ô nhiễm đã làm giảm khả năng phòng vệ của loài cá. Ngay cả rô trũi cũng thấy mình đang yếu đi, nhưng không được phép buông xuôi. Phải gắng lên để sống và duy trì nòi giống. Loài cá rô đã sống ở cánh đồng này suốt bao nhiêu năm, làm sao có thể tuyệt tự, như bao loài cá tép yếu đuối khác đã tiệt chủng. Rô trũi biết là, cuộc sống sắp tới của mình sẽ chẳng dễ dàng. Chú bơi lội đi tìm một nơi nào đó bớt ngột ngạt. Ở đâu cũng chỉ thấy màu nước đen, tức thở và sự biến mất vĩnh viễn của một số loài. Rô đồng thưa thớt dần, chẳng còn điều kiện sinh nở, mất khả năng bởi chất độc xâm lấn, rô cái cũng biến thành rô đực, khô đét. Để tìm một nàng cá cái làm cuộc sinh nở cũng quá ư khó khăn.
Một ngày, bụng rô trũi đau khủng khiếp, phải ngoi lên mặt nước đớp khí rồi ăn tảo đen cho bụng bớt đau. Nhiều chú cá khác chung hoàn cảnh, khổ sở thở than. Chú cảm thấy cái chết đang xâm lấn, từng thớ thịt như bị róc tỉa. Chú nghe đồng loại loan tin, loài cá đang gặp họa. Cá mú nhiều nơi nổi trắng mặt nước. Rô trũi thật sự hoang mang. Chú ta tìm cách chạy trốn. Kênh rạch nơi đâu cũng thấy nóng nảy. Chú tìm cách vào một đầm nuôi, nhờ điều kiện chủ đầm bơm dẫn nước từ sông vào kênh Tẻ, rồi cho đổ về đầm. Ở đầm mới rô trũi không chịu được lối sống công nghiệp. Chú không thích những loại cá bị động chờ mồi, rồi thải xú uế ra nguồn nước. Phế thải từ thức ăn công nghiệp mới nặng mùi làm sao.
Rô trũi chạy ra khỏi đầm công nghiệp, rồi mắc vào vũng nước cạn, bơi lội khó khăn, trơ vây, nước bẩn ập vào mắt, lòe nhòe. Loài cá như trũi có khả năng hô hấp trên cạn, nhưng thời gian không dài. Môi trường nước vẫn là nơi thân thuộc. Nơi cho chúng sức sống nhiều nhất. Đằng này, khi nước kênh rạch sền sệt, bùn trở nên dẻo quẹo, loài cá di chuyển cứ phải gồng mình lên. Lại gặp cảnh trâu bò lùng cỏ ăn, xéo cả xuống kênh rạch, mấy lần rô trũi suýt bị chân của những con vật kềnh càng đó nhấn xuống. Eo ôi, nếu bị nhấn xuống thì chỉ còn nước tắt thở, đâu có nước để mà ngoi lên. Chú tự nhủ, phải tìm cách thoát thôi. Đêm nhuộm màu hoang lạnh, nhờ sương từ trời rớt xuống, bùn ẩm hơn, da chú cũng trơn nên lách được về phía nguồn nước. Chú cảm nhận rất rõ về nguồn nước ở đó và tin rằng mình không phán đoán sai, dù nước có mùi thum thủm.
Chú lách mãi trong hy vọng, khi cơ thể mỏi rã rời. Thực tế việc di chuyển trên cạn là một cực hình đối với loài cá và không nhiều loài làm được. Rô trũi bỗng thấy sợ. Sự kiệt sức ám lấy tâm trí rô trũi. Bản năng sinh tồn giúp chú hằn lên ý nghĩ rằng không thể buông xuôi. Bởi chỉ cần dừng lại, người ngợm mỏi rã rời sẽ từ từ lịm đi. Cái chết có thể về đón mình đi bất cứ lúc nào. “Cha ơi, phù hộ cho con”.
Mãi gần sáng, khi toàn thân trở nên nhức mỏi, rô trũi mới chạm vào vũng nước sâu. Một sự vui sướng đến vỡ òa. Chú nhảy cẫng. Dòng nước đón chú, ập òa bơi lội. Chú tự nhủ: Nước không trong lành, nhưng đủ cho mình được thoải mái bơi lội. Mình vẫn còn sống.
***
Ô nhiễm vẫn không ngừng lấn tới, đe dọa loài cá. Rô trũi gặp một bạn đồng cảnh mồ côi. Chú ta cũng vừa vượt qua sự khô hạn và khắc nghiệt của thiên nhiên và môi trường để tồn tại. Mình mẩy cả hai trở nên đen nhẻm, rắn rỏi. Loài cá có khả năng sống độc lập cao, sau mười hai giờ nở ra từ trứng là có khả năng kiếm ăn, chỉ vài ngày tuổi đã tách đàn. Nhưng rô trũi cần mẫn sống bên cha, giúp cha lo việc sinh sản, bảo vệ trứng và cá bột. Rô trũi và rô vàng bụng đồng hành trên bước đường tìm kiếm nguồn nước mát. Nơi đó ở đâu? Cái nơi sạch tinh tươm và trong mát nhưng lại giàu thức ăn, loài cá thoải mái sống hòa thuận bên nhau. Không ai trả lời họ.
Cả hai lại lên đường, vừa kiếm ăn vừa tìm một cái ao hồ trong lành để dung thân, không hoặc ít nhất có thể hạn chế việc đánh bắt bằng kích điện. Cả hai sẽ học kỹ năng trốn trong bùn để mỗi lần tát ao hồ không bị tóm.
Hai chú cá rô quyết định chia nhau tìm nguồn nước. Họ hẹn nhau tại cuối kênh Đồng Tâm. Ai về trước sẽ đỗ ở đó. Rồi đi. Đi trong khấp khởi hy vọng mà lo toan. Rô trũi cảm thấy mùi tuyệt vọng đang lan trong nước. Nhưng chú ta cố quên điều đó. Chú găm chặt ý nghĩ về niềm hy vọng trong đầu. Niềm hy vọng như đốm lửa, vừa sưởi ấm lòng, vừa soi sáng tinh thần cho cá. Hành trình của cá thật dài. Rô trũi không nhớ mình lại vượt bao nhiêu chặng đường, nước đen ngòm và nhiều loài cá ngáp ngắn ngáp dài trên mặt nước, phơi ra những cái mang đen kịt và yếu đuối. Chú đi nhiều đến nỗi cảm thấy mình sẽ không nhớ nổi kênh Đồng Tâm ở đâu mà về. Nhưng cứ đi, đường về tính sau. Gặp một cơn mưa rào, trong và mát, rô trũi lách lên bờ theo một dòng nước chảy nhỏ. Cuối cùng chú tìm được một cái ao khá lớn, sát với cánh đồng. Rô trũi nhận thấy nơi này có thể trú ngụ. Chú mải mê dạo chơi và nghĩ nên quay lại bằng cách nào. Nỗi sợ làm đau từ mảnh vẩy. Làm sao nhảy lên bờ mà bò ra kênh để trở về tìm bạn. Thật khó lắm thay!
***
Vào ngày đẹp trời, cô gái về xõa tóc gội đầu bên cầu ao. Rô trũi may mắn thấy cảnh tượng lại và lại gần. Mùi bồ kết thơm đậm đà thôn quê. Thời này hiếm hoi những chiếc ao đủ trong hấp dẫn các cô gái rửa chân, gội đầu. Hôm nay rô trũi đã thấy. Hẳn cô gái rất yêu màn nước trong mát của ao quê.
Nhưng kìa, tóc cô gái đang rụng. Nó rụng nhiều quá, chăng xơ xác lên những ngón tay cô cào vào đầu. Mười đầu ngón tay trắng thon, mắc đầy những sợi tóc rối. Cô gái lặng đi, soi mặt mình vào mặt nước. Không, cô soi mái tóc mình và ứa nước mắt. Cô nói với khuôn mặt trong nước: “Mình bị rụng tóc, thì có là gì đâu so với những chú chim rụng lông. Bầu không khí đậm đặc mùi khét khiến tóc mình không giữ được suôn mượt”.
Cô gái gội đầu xong, mang một chú chim ra chải lông, rửa chân bên cầu ao. Không thấy ai thương chim như cô. Rô trũi nghĩ, giá con người cũng yêu cá như yêu chim nhỉ? Rôi trũi quẫy đuôi hy vọng. Chú tiến lại gần, nhô đầu lên đớp bóng. Chú mạnh dạn hỏi: “Chị ơi, chị chỉ cho em nơi đâu có nhiều nguồn nước sạch với!”. Cô gái quá bất ngờ trước một câu hỏi lạ. Cô hỏi lại lý do. Cá nói: “Vì loài cá đang bị đe dọa vì nguồn nước đen”. Cô gái nói: “Loài chim và các sinh vật khác cũng lâm vào hoàn cảnh như em. Chị cũng không biết tìm đâu ra”. Cá thẫn người. Sao vậy? Chẳng lẽ không tìm ra nguồn nước trong mát như xưa sao? Vậy là cậu bạn đang vất vả cũng sẽ chịu thất vọng như mình. Làm sao bây giờ?
Truyện ngắn của Trương Phượng
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nghe-thuat/truyen-ngan-mien-nuoc-trong-479862.html