Miễn phí giao dịch, ngân hàng từ bỏ miếng bánh 'vàng'?
Nhân viên ngân hàng hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số trên điện thoại di động. Ảnh: LÊ HẢO
Từ đầu năm 2022, nhiều ngân hàng lớn đồng loạt miễn phí giao dịch nhằm thu hút người sử dụng dịch vụ, đồng thời thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Hoạt động này cũng giúp khách hàng tiết kiệm đáng kể chi phí khi thực hiện thanh toán không tiếp xúc trong bối cảnh dịch bệnh.
Lâu nay, các khoản thu từ dịch vụ thanh toán chiếm tỉ lệ không nhỏ trong tổng thu dịch vụ của các ngân hàng thương mại. Vậy khi liên tục triển khai chính sách miễn phí giao dịch, các ngân hàng có từ bỏ miếng bánh “vàng”?
Khách hàng tiết kiệm chi phí
Từ ngày 1/1/2022, VietinBank áp dụng mức thu phí 0 đồng với tất cả giao dịch chuyển khoản trong và ngoài hệ thống ngân hàng qua VietinBank iPay; miễn phí duy trì tài khoản thanh toán, gói tài khoản thanh toán mà không yêu cầu duy trì số dư tối thiểu. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng không thu phí duy trì dịch vụ iPay, không thu phí duy trì dịch vụ thông báo biến động thông tin tài khoản qua OTT và miễn phí phát hành thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế.
Từ năm 2022, BIDV và Vietcombank cũng miễn toàn bộ phí cho khách hàng khi giao dịch trên ứng dụng ngân hàng số của các đơn vị này, bao gồm phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, phí duy trì dịch vụ, phí quản lý một tài khoản, phí tin nhắn OTT... Trong khi trước đây, hai ngân hàng này chỉ miễn phí chuyển khoản trực tuyến cho các khách hàng đăng ký gói tài khoản với yêu cầu số dư tối thiểu. Cụ thể, Vietcombank có 4 gói tài khoản VCB Eco, VCB Plus, VCB Pro và VCB Advanced. Trong đó, để được miễn toàn bộ các loại phí giao dịch, khách hàng phải đăng ký gói VCB Pro hoặc VCB Advanced và duy trì số dư từ 6-10 triệu đồng trở lên. Tương tự, BIDV cũng có 5 gói dịch vụ B-Free với điều kiện càng cao thì ưu đãi miễn phí càng nhiều.
Trước đó, Agribank là ngân hàng quốc doanh tiên phong miễn phí chuyển tiền cho khách hàng trên kênh giao dịch số từ tháng 5/2021 mà không cần bất cứ điều kiện gì kèm theo. Như vậy, đến nay, cả bốn ngân hàng thương mại nhà nước là Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đều ngừng thu phí chuyển khoản khi giao dịch online. Điều này giúp khách hàng tiết kiệm đáng kể chi phí.
Chị Đinh Thị Hồng Oanh ở phường 5, TP Tuy Hòa cho biết: Tôi có sử dụng dịch vụ của Vietcombank. Lâu nay, ngân hàng này áp dụng phí quản lý tài khoản trên ứng dụng ngân hàng số VCB Digibank là 2.000 đồng/tháng; phí duy trì dịch vụ 10.000 đồng/tháng; chuyển tiền trong hệ thống Vietcombank từ 2.000-5.000 đồng/giao dịch; chuyển tiền nhanh 24/7 khác hệ thống Vietcombank từ 5.000 đồng/giao dịch (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Từ năm 2022, nếu ngân hàng không thu phí thì tính ra mỗi tháng, khách hàng thường xuyên giao dịch chuyển khoản như tôi tiết kiệm không ít.
Ngân hàng thu hút người dùng
Thực ra, không phải đến bây giờ, các ngân hàng thương mại mới thực hiện miễn phí giao dịch online cho khách hàng. Bởi việc này đã bắt đầu diễn ra từ năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát và xu hướng thanh toán không tiếp xúc được đẩy mạnh. Những ngân hàng đi đầu thực hiện chính sách này phải kể đến là MB, VPBank, HDBank… “Việc ngừng thu phí chuyển tiền khi giao dịch trực tuyến là một trong những chính sách ưu đãi của ngân hàng nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thu hút khách hàng mở tài khoản và sử dụng dịch vụ ngân hàng số. Qua đó giúp ngân hàng có thêm nguồn khách hàng mới để bán chéo nhiều sản phẩm, dịch vụ…”, ông Huỳnh Quốc Thi, Giám đốc HDBank Phú Yên cho hay.
Còn theo ông Hoàng Quốc Dũng, Giám đốc ACB Phú Yên, miễn, giảm phí dịch vụ là một trong những giải pháp mà ngành Ngân hàng thực hiện nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Năm 2022, ACB cũng triển khai các gói dịch vụ 0 phí nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng.
Lâu nay, các khoản thu từ dịch vụ thanh toán chiếm tỉ lệ không nhỏ trong tổng thu dịch vụ của các ngân hàng thương mại.
Vậy tại sao các tổ chức tín dụng lại dễ dàng từ bỏ miếng bánh “vàng” này? Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, mặc dù phải hy sinh lợi nhuận nhưng mục tiêu chính của các ngân hàng khi miễn phí giao dịch là nhằm thu hút được nguồn tiền gửi thanh toán không kỳ hạn với lãi suất thấp, dao động chỉ từ 0,1-0,2%/năm. Tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn càng lớn, ngân hàng càng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, từ đó sẽ hạ chi phí vốn, cải thiện tỉ lệ thu nhập lãi thuần. Ngoài ra, việc miễn phí giao dịch trực tuyến còn thúc đẩy khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, giúp ngân hàng tiết kiệm đáng kể chi phí kiểm đếm, vận chuyển… tiền mặt. Do đó, các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, không chỉ miễn giảm phí dịch vụ, ngân hàng còn phải chú trọng đầu tư phát triển công nghệ, đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ số, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.