Miền quê đáng sống: Hồi sinh ký ức những miền quê đáng sống
Nông thôn nước nhà vốn là nơi người nông dân tạo dựng cuộc sống đầm ấm trong tình yêu lao động; nơi lưu giữ những ký ức thân thương, giúp cân bằng cảm xúc và kết nối tình cảm qua nhiều thế hệ. Tuy vậy, giờ đây, môi trường nông thôn đã có nhiều thay đổi. Những gì mà trước đây từng hiện hữu vô cùng nhiều ở khắp mọi nơi, thì nay gần như chỉ còn trong trí nhớ. Vì thế, người ta mới hay nặng lòng hoài niệm, và vì thế mới phải cất công phục dựng, thông qua nhiều hình thức như phim ảnh, sân khấu, nhạc - họa, thi ca...
Có thể nói, ký ức của dân tộc cũng là một loại hình văn hóa phi vật thể; và việc lưu giữ, nối dài những giá trị hoài cổ qua nhiều thế hệ được xem như một cách “vật thể hóa” ký ức, sao cho thỏa ước nguyện lưu giữ những giá trị tinh thần còn mãi với thời gian. Ngày nay, việc hồi sinh ký ức những nét đẹp văn hóa dân gian đang góp phần làm cho các vùng nông thôn thêm đậm đà bản sắc; qua đó tạo thành sự cộng hưởng dài rộng đến mọi miền.
Đối với người Việt chúng ta, mô hình chợ truyền thống được gây dựng không chỉ bởi nhu cầu vật chất, mà còn bởi nhu cầu tinh thần, đi suốt chiều dài lịch sử. Trong rất nhiều hoạt động làm hồi sinh những giá trị hoài cổ của làng quê Việt, thì việc phục dựng không gian chợ quê thời Mạc là một điểm nhấn, giúp lưu giữ, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của cố đô Dương Kinh, gắn với thời kỳ thịnh trị của Vương triều Mạc. Sử sách ghi lại rằng nhà Mạc đã để lại nhiều dấu ấn, cụ thể là trọng nông, khuyến công, khai khẩn đất đai, đắp đê, đào sông, cải cách hạn điền… Ngày ấy, việc khuyến khích giao thương tựa như một luồng gió mới, đã mang lại cho xã hội thêm động lực phát triển trên nhiều phương diện.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!