Miền Tây: Mưa lũ về, sạt lở bủa vây
Hiện đang vào mùa mưa lũ nên tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục xảy ra sạt lở bờ sông, nhấn chìm nhiều căn nhà, gây thiệt hại lớn về tài sản.
Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, cơ quan chức năng các tỉnh đã tiến hành di dời dân, ban bố tình trạng khẩn cấp cũng như triển khai nhiều giải pháp ứng phó.
KHÓC RÒNG VÌ SỐNG CẠNH "HÀ BÁ"
Mới đây, vụ sạt lở bờ sông cặp tuyến đường liên xã biên giới đi qua ấp 1, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp có chiều dài 55m, sâu vào đất liền 5m đã đe dọa đời sống người dân và hàng trăm em học sinh hai điểm Trường Mầm non Thường Lạc và Tiểu học Thường Lạc 2.
Bà Trương Thị Cheo (ngụ xã Thường Lạc) cho biết: "Nước lũ lên nhanh kết hợp mưa lớn khiến đất mềm đã dẫn đến sạt lở. Trước đó đường còn xa tuốt ngoài kia, mà do lở dần giờ đã vô tới đây. Tôi lo lở kiểu này nhà cửa sẽ không còn...".
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp, UBND huyện Hồng Ngự đã khảo sát, bàn giải pháp khắc phục. Ngành chức năng địa phương đưa ra biện pháp nắn tuyến đoạn sạt lở, cắm biển báo giảm tải, tuần tra kiểm soát, không để xảy ra ách tắc giao thông qua khu vực.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự chỉ đạo ngành chuyên môn đo đạc chính xác số liệu để đề xuất tỉnh làm kè mềm. Về lâu dài, ngành chức năng bàn phương án làm kè cứng để bảo vệ tuyến đường, đời sống người dân và an toàn cho học sinh.
Không chỉ lở đất, mất đường, người dân sống dọc theo sông còn mất luôn nhà cửa - khoản tài sản cả đời họ tích góp. 22 giờ ngày 28-8, vụ sạt lở bờ sông xảy ra tại ấp Phú Thạnh, xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã nhấn chìm căn nhà của bà Trần Thị Phượng và quầy thuốc tây của chị Võ Ngọc Lan Hương, ước tính thiệt hại trên 700 triệu đồng.
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Châu Thành xảy ra ít nhất 5 vụ sạt lở bờ sông; trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ xảy ra bên bờ sông Nha Mân đã nhấn chìm 7 căn nhà, hàng chục hộ khác phải di dời khẩn cấp, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Ông Lê Hà Luân - Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Tháp - cho biết, hiện sở đang cùng các địa phương rà soát để trình UBND tỉnh ban hành chính sách hình thành các khu dân cư chủ động đáp ứng cho người dân xây dựng nhà ở, thay vì dựng tạm ven sông rạch.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, địa phương có hơn 30.000 hộ sống ven sông từ lâu đời tại những nơi hiện có khả năng xảy ra sạt lở, phần lớn do trước đây họ làm nghề nông, đánh bắt thủy sản, nay không có điều kiện thay đổi chỗ ở. Riêng huyện Chợ Mới có 2.106 nhà ở ven sông, kênh rạch, trong đó 490 căn thuộc khu vực sạt lở.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, mùa mưa năm nay bắt đầu chưa lâu nhưng trên địa bàn đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở đất ven sông, làm hư hại 3,2km đường giao thông, thiệt hại 44 căn nhà của người dân. Mới đây, tại xã Tân Tiến (huyện Đầm Dơi) tiếp tục xảy ra sạt lở bờ sông làm thiệt hại 4 căn nhà và 20m lộ nhựa.
NHIỀU NƠI BAN BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP
Ngày 21-9, ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết, tỉnh đã ban hành quyết định về tình huống sạt lở khẩn cấp ở rạch Cái Sắn (đoạn từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá, P. Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên). Rạch này từ năm 2019 đến nay đã xảy ra 4 đợt sụt lún, sạt lở; lần gần đây nhất với chiều dài 175m, làm xiêu vẹo nhiều căn nhà tạm, ảnh hưởng đến 39 hộ dân sống trên đoạn này.
Theo ông Trương Kiến Thọ - Phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, sạt lở rạch Cái Sắn thời gian tới sẽ diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng mức độ ảnh hưởng với chiều dài cảnh báo là 2.300m.
Nguyên nhân bước đầu được xác định: đây là khu vực nằm trên khúc cua, áp lực dòng chảy mạnh sạt lở bờ vào mùa nước đổ. Ngoài ra, bờ đối diện thuộc quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ có nhiều nhà máy xay xát, các phương tiện thủy lưu thông, quay đầu làm dòng nước đập mạnh vào phía bờ An Giang gây sạt lở.
Tương tự, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng vừa quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Cần Lố (đoạn từ cầu Cái Vừng đến Trường Tiểu học Nhị Mỹ, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh) với chiều dài 210m. Theo đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Cao Lãnh cắm biển báo vành đai sạt lở để cảnh báo; thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về tình hình sạt lở trong khu vực.
Song song với đó theo dõi diễn biến sạt lở, có các phương án sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ người dân di dời khi tình trạng này xảy ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân; thuê tư vấn khảo sát, lập phương án xử lý khẩn cấp đoạn sạt lở nguy hiểm trên.
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL, cần lập ra một bản đồ sạt lở, xác định các "điểm đen" sạt lở giống như "điểm đen" trong lĩnh vực giao thông. Theo đó, những nơi có nguy cơ sạt lở cao dứt khoát không được bố trí khu dân cư, nhà cửa và các công trình trọng điểm.
Còn ở các vùng ven biển, chỗ nào trồng cây được thì trồng, nơi nào xung yếu thì nghĩ tới giải pháp làm đê kè, nhưng phải hết sức hạn chế. Tiếp đến là hạn chế tối đa việc khai thác cát sông đồng thời nghĩ tới giải pháp thay thế cát trong xây dựng.
Còn theo ông Trần An Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, người dân cần thay đổi tập quán sinh sống ven sông hoặc kênh rạch, để hạn chế tải trọng đường bờ, tránh nguy cơ sạt lở. Các địa phương cũng cần quy hoạch lại khu vực dân cư, sắp xếp di dời dân vùng cảnh báo sạt lở vào các khu dân cư mới ở những vị trí có nền đất ổn định để tránh sạt lở. Bên cạnh đó, quản lý chặt hoạt động xây dựng của người dân sống ven sông, kênh rạch, các hoạt động giao thông thủy bộ.
Một số nhà khoa học cho rằng, việc cấp bách hiện nay là sớm hoàn thiện đề án bố trí lại dân cư ven sông, kênh rạch, phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Để giảm thiệt hại không có cách nào tốt hơn là di dời dân và giữ khoảng cách an toàn trước nguy cơ sạt lở.
Hiện ĐBSCL có trên 500 điểm sạt lở ven sông, biển, tổng chiều dài hơn 800km. Mỗi năm, sạt lở làm mất khoảng 300ha đất, rừng ngập mặn ven biển, hơn 19.000 hộ dân ven sông phải di dời khỏi vùng nguy hiểm. 2020 là năm hạn mặn lịch sử và xu hướng xâm nhập mặn, sạt lở ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều hơn đến đời sống người dân. Thêm vào đó, những tác động như khai thác cát bừa bãi, khai thác nước ngầm quá mức, tàu bè đi lại trên sông... đều tạo ra những lực tác động vào bờ khiến sạt lở mạnh hơn.
Việt Nam là một trong 7 nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trong khi đó các khu rừng phòng hộ ở vùng ven biển, rừng đặc dụng, rừng ngập mặn bị suy giảm về diện tích, chất lượng, trong khi đây là lá chắn bảo vệ, hạn chế nước mặn xâm nhập nội đồng, giúp đất chặt chẽ hơn và không bị sạt lở.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/mua-lu-ve-sat-lo-bua-vay_100123.html