Miền Tây - Như mối tình đầu tôi đã đánh rơi...
Mùa hè năm 1993, tôi tốt nghiệp đại học. Làm giám thị 1, tham gia coi thi đại học xong, nguy cơ đầu tiên xuất hiện với tôi ngay: phải rời ký túc xá. Có nấn ná mấy, ngày phải rời ký túc xá cũng đã gần kề. Vậy là tôi lo gõ cửa khắp nơi để đi xin việc, mục đích chính là tìm 'đất dung thân'. Những nơi đã nộp đơn từ trước đều 'chưa có chỉ tiêu'. Bí quá, nghe nói tờ Hoa học trò đang cần người, tôi bèn xin vào thử.
Khi đó, ấn phẩm Hoa Học Trò chưa đầy 2 tuổi, cùng với Hương đầu mùa Sinh viên là phụ bản của tờ Thiếu niên Tiền phong. Phía Nam, trụ sở của Báo đóng tại số 1 Cao Thắng, Quận 3, TP Hồ Chí Minh. Tuy đã có vài bài đăng, nhưng thật sự, tôi tự thấy giữa tôn chỉ các ấn phẩm của báo với trang viết của mình dường như không phù hợp lắm.
Mới rời ghế đại học, với tôi, làm báo chỉ đơn giản là "viết", còn những việc khác, tôi vừa không thạo, vừa chẳng thích. Nhưng mà không sao. Tìm việc lúc đó là để sống, để ở lại thành phố tiếp tục những dự định, không chắc vì quen việc, đúng sở trường hay yêu thích. Có một thời, sinh viên mới ra trường không có nhiều cơ hội để lựa chọn nghề nghiệp.
Anh Lệ Bình (nhà thơ, tác giả "Thành phố mười mùa hoa"), Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam của báo bảo: "Hiện không có chỉ tiêu ở thành phố nhưng ở Đồng bằng Sông Cửu Long thì chưa có ai cả. Thử việc thôi nhé, không lương. Cậu nhận không?".
Buổi "phỏng vấn" có hai anh Phạm Công Luận (nhà văn) và Lê Luynh (nhiếp ảnh) cùng ngồi. Anh Luận gật "nhận đi, từ từ tính sau". Anh Lê Luynh thì nói trống không: "Ở đâu mà chẳng được, nhưng phải có lương chớ sao mà nó sống".
Anh Lệ Bình cười: "Từ từ. Gái có công thì chồng không phụ. Lo gì".
Tôi nghe mừng quá, gật đầu ngay. Hồi đó, việc ít, người nhiều. Sinh viên ngành khoa học xã hội ở lại thành phố rất khó tìm việc làm. Ngoài quê (Ninh Thuận), Chủ tịch huyện và Bí thư Huyện Đoàn đã vào nhà thưa chuyện với bố tôi, muốn gọi tôi về để cơ cấu ngay vào BCH Huyện Đoàn cho kỳ đại hội sắp diễn ra. Về là nhận ngay, vào biên chế. Nhưng tôi không thích, vì biết mình không có nhiều khả năng hoạt động phong trào, từ chối liền không suy nghĩ. Ở lại Sài Gòn, tìm việc khó vô cùng. Cơ quan nào cũng thế, thử việc là không lương. Nhưng nếu làm tốt, được nhận là thì gần như chắc chắn, cũng sẽ sớm vào biên chế. Thời gian thử việc dài hay ngắn còn tùy chỗ.
Ngay hôm sau anh Phạm Công Luận đưa tôi xuống Cần Thơ, vào việc ngay. "Em viết được gì cứ viết, nhưng việc chính là tổ chức phát hành, tổ chức bài vở, tổ chức cộng tác viên trong sinh viên học sinh, từ cấp 2 đến đại học. Cả các anh chị nhà văn, nhà thơ... đã thành danh nữa. Cho cả ba tờ báo". Anh Luận dành ra hai ngày đưa tôi đi khắp nơi, giới thiệu với khá nhiều người. Ở đâu, anh Luận cũng ngỏ lời nhờ họ giúp đỡ thằng em 21 tuổi! Anh Luận chừng mực, hào hoa, quen biết rộng, ai cũng quý. Tôi quen các anh nhà văn, nhà thơ Mường Mán, Lê Đình Bì, Trịnh Bửu Hoài, Ngô Khắc Tài,... từ dạo đó.
Anh Luận để lại cho tôi một tuýp kem đánh răng, một cục xà phòng thơm và 100.000 đồng, thêm 100.000 nữa của anh Lê Luynh gửi. Chẳng rõ là cho hay ứng trước. Anh Luận tỏ ra áy náy: "Lỡ thiếu hay cần gì thì nhờ điện thoại, gọi về cho anh hoặc anh Luynh nhé”.
Anh Luận thương thảo, chị Cẩm Hồng, Bí thư Tỉnh đoàn Cần Thơ đồng ý nhường cho Báo hai phòng trên lầu 3 nhà số 4 Lý Tự Trọng (trụ sở Tỉnh đoàn) làm văn phòng. Tôi và ông đồ trẻ Nguyễn Văn Hoài mới được nhận dạy Hán - Nôm ở ĐH Cần Thơ, sống ở đó. Hoài lấy một tờ A4 viết bằng mực Tàu 4 chữ Hán "Học Trò Hoa Báo" dán lên cửa. Thế là tờ Hoa học trò (cùng với Hương đầu mùa Sinh viên và tờ "mẹ" Thiếu niên Tiền phong) chính thức có "Cơ quan đại diện Tây Nam bộ". Đương nhiên, tôi là Trưởng đại diện hay trưởng văn phòng gì đó, kiêm phóng viên, kiêm phát hành, kiêm phụ trách đối ngoại và tiếp bạn đọc, kiêm chuyên viên tư vấn, kiêm tạp vụ, kiêm tất..., dù không lương.
Tôi sống ở đó gần 6 tháng. Ban ngày, Tỉnh đoàn làm việc, người đông, ra vô không tiện, "Trưởng Cơ quan đại diện" đi lang thang. Ban đêm, tòa nhà 4 tầng vắng hoe, tôi lại quay về... đại diện. Buồn tình thì lai rai chút đỉnh với Hoài và tay Hùng - bảo vệ Tỉnh đoàn. Có điều "chiều qua phà Hậu Giang" rồi là vắng hoe, đêm nào ở Tây Đô mà tôi chẳng... buồn tình!
Trong gần 6 tháng đó, tôi vác ba lô theo ghe bầu, tắc ráng, vỏ lãi lang thang khắp mọi hang cùng ngõ hẻm của miền Tây. Đi tất, lễ hội Ooc - om boc với màn đua ghe ngo đặc sắc ở Sóc Trăng, đua bò ở Bảy Búi, An Giang; sang Trà Vinh xem đoàn Ánh Bình Minh diễn Lakhon Bassac, vừa ăn vừa nhai bánh tét ngũ sắc… Độ mười ngày, nửa tháng, tôi lại tếch về Sài Gòn dăm ba ngày, viết tin bài, soạn văn bản... cho Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố và nhiều tờ báo khác để lấy thù lao làm nguồn đi và sống. Tạm đủ, ít ra là không đến nỗi phải nợ tiền cơm tháng ở cái quán cơm sinh viên trong hẻm Vịt Nấu Chao nằm gần công viên Lưu Hữu Phước, Cần Thơ.
Việc của báo giao, tôi làm khá tốt: xây dựng được một đội ngũ cộng tác viên đông đảo, đều đặn; tăng kha khá lượng phát hành chủ yếu ở 2 tờ Thiếu niên Tiền phong và Hoa học trò, quan trọng là độ phủ rộng; chất đầy trong sổ công tác một loạt địa chỉ của các em học sinh, sinh viên, công nhân, bộ đội trẻ hâm mộ mình. Là họ nói, chứ hâm mộ vì lý do gì, tôi đâu có biết. Thành tựu lớn nhất là những chuyến đi và viết được thêm nửa cuốn truyện ngắn (in trong tập sách thứ tư "Chiếc cầu có đám ma đi qua", xuất bản năm 2001), vài ba chục bài báo nho nhỏ và rất nhiều ý tưởng...
Cạn mùa nước nổi, ngày cuối cùng của tháng 12/1993, tôi quay lại Sài Gòn. Anh Lệ Bình hồ hởi: "Em được nhận, chính thức từ ngày mai 1/1/1994. Đợt này báo chỉ nhận 2 người là em ở Sài Gòn và Lưu Quang Định (em trai ông Lưu Quang Vũ) ở Hà Nội". Tôi bảo: "Em cảm ơn. Nhưng em đến để chào các anh chị. Từ mai, em sẽ làm việc ở NXB Công an Nhân dân". Anh Lệ Bình sửng sốt hỏi sao lại thế. Tôi bảo: "Em cần việc để ở lại Sài Gòn. Em muốn học lên cao học". Anh Lệ Bình bảo: "Làm Hoa học trò - Thiếu niên Tiền phong cũng học cao học, tiến sĩ được chứ sao. Em cứ ở miền Tây vài năm rồi Báo rút về, cho đi học. Em viết tốt, làm tốt, không chờ được à?". Tôi cười: "Em chờ được, giang hồ thì không. Nói thật, em không thạo viết cho thiếu nhi và tuổi mới lớn. Đọc em, tụi nhỏ hư mất".
Khi tất toán công nợ với cơ quan, tôi đề nghị chị Hương kế toán trừ 200.000 đồng tôi đã "ứng trước của báo". Anh Phạm Công Luận xua tay: “Đó là bọn anh hỗ trợ Hồng Lam. Gì mà trừ?". Anh Lê Luynh cũng chạy từ đâu về, quát luôn: "Đừng có bậy bạ!". Tôi cũng cười: "Nếu của cơ quan, để em trả. Nếu của hai anh, cho em cảm ơn và xin nhận".
Anh Lệ Bình bảo: “Tiếc thật, quy định khó quá. Vừa xong thử thách em lại đi. Anh em mình cũng đi kiếm cái gì uống tất niên, chia tay với Hồng Lam chứ nhỉ".
Năm cùng tháng tận phải để cho người cao tuổi về đón giao thừa với vợ con chứ. Chỉ ba người độc thân, anh Phạm Công Luận, anh Lê Luynh và tôi kiếm một góc riêng. Suốt buổi, anh Luận điềm đạm: "Em viết tốt, nhưng không hợp tuổi với các ấn phẩm báo này. Em đi, tìm nơi khác là đúng Lam à". Anh Lê Luynh thì tỏ ra áy náy: "Vào đời chi mà nhọc nhằn rứa thằng em? Mày khá, nhưng ngang. Tiếc quá, không giữ được!".
Tiếc gì đâu anh! Chỉ là đổi nơi êm đềm để đến chỗ hứa hẹn lắm phong trần. Ở Hoa học trò và Thiếu niên Tiền phong chẳng phải tôi đã có những đàn anh trong nghề rất tuyệt, rất chân tình hay sao.
Nhờ làm báo cho tuổi mới lớn mà tôi gắn bó, có chút am hiểu với miền Tây. Nhờ lang thang mà gần 30 năm sau, vẫn biết rằng trong lồng ngực là một con lắc gõ dây, đã có lúc đánh rơi những xao xuyến của mình đâu đó. Nhờ gần 6 tháng lang thang mà tôi biết rằng, một kẻ như mình thì ở đâu cũng có thể là nhà, không nhất thiết cứ phải tìm nơi ẩn trú. Quan trọng không kém, dù không ở lại, không thể là hoa hay nụ, cả đời và với đời, tôi cũng cứ là một gã học trò... miền Tây, với tờ báo Hoa học trò - Thiếu niên Tiền phong, với tôi, đó là cái bến đầu tiên mà con đò không neo lại. Vì sông hồ nhiều sóng gió chắc còn muốn tôi rong ruổi đường dài!
Chẵn ba chục năm rồi!
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/mien-tay-nhu-moi-tinh-dau-toi-da-danh-roi--i718654/