Miền thượng du trong trái tim Người
Sau ngày đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20-2-1947), Bác Hồ định lên thăm đồng bào thượng du, nhưng Bác có việc gấp phải trở về ngay, chưa lên được. Vì vậy, Bác đã viết thư gửi đồng bào thượng du, trong thư Bác viết: '...Tôi lấy làm tiếc. Lần sau có dịp, tôi sẽ lên thăm các đồng bào... Lúc này, toàn thể quốc dân đang ra sức chống giặc cứu nước. Tôi chắc đồng bào thượng du đều ra sức đoàn kết, chuẩn bị tham gia giết giặc cứu nước để giữ vững quyền thống nhất, độc lập của Tổ quốc. Việc dìu dắt đồng bào thượng du, tôi trông cậy lòng ái quốc và sự hăng hái của các vị lang đạo...'.
Thị trấn Cành Nàng (Bá Thước).
Xuất phát từ vị thế chiến lược quan trọng của các huyện miền núi, không chỉ với tỉnh Thanh Hóa mà còn đối với cả nước và trước tình hình chung của cuộc kháng chiến kiến quốc, ngày 4-4-1947, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 41-SL về việc thành lập Ủy ban hành chính đặc biệt miền thượng du Thanh Hóa (tiền thân của Ban Dân tộc tỉnh ngày nay), để thực hiện các nhiệm vụ: “Giúp Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa giải quyết các công việc ở 6 châu miền thượng du tỉnh Thanh Hóa, động viên dân chúng để chuẩn bị kháng chiến, đốc suất việc tăng gia sản xuất, phát triển bình dân học vụ”.
Người căn dặn: “Thượng du thắng là Thanh Hóa thắng”. Đây cũng là khẩu hiệu của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ nhất (tháng 2-1948) tại làng Thuần Hậu, xã Xuân Minh (Thọ Xuân) nhằm tập trung chỉ đạo, xây dựng và bảo vệ miền Tây Thanh Hóa - địa bàn chiến lược quan trọng của cách mạng Thanh Hóa và cách mạng Lào lúc bấy giờ.
Hơn 7 thập kỷ qua, thực hiện ý nguyện của Người, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa luôn được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, địa phương và các cấp, ngành trong tỉnh, trong cả nước. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa có tổng diện tích tự nhiên chiếm khoảng ¾ diện tích toàn tỉnh; có 11 huyện miền núi và 7 huyện, thị xã giáp ranh có xã, phường miền núi. Vùng có 7 dân tộc chủ yếu là Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao và Khơ Mú, với tổng số dân hơn 1,2 triệu người, trong đó có gần 680.000 người dân tộc thiểu số, chiếm hơn 58% dân số miền núi và hơn 18% dân số toàn tỉnh. Nhiều chương trình, dự án giải quyết việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là chính sách vay vốn phát triển sản xuất, Chương trình 134, Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020”... Cùng với các chương trình, dự án của Trung ương và tỉnh, các chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng tác động mạnh mẽ, thiết thực và trực tiếp đến cuộc sống của từng người dân trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi. Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển khá toàn diện. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và tích cực theo hướng sản xuất gắn với thị trường. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt; an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Người nghèo đã được tiếp cận thuận lợi và đầy đủ hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường và củng cố; vấn đề về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc làm cho lao động được quan tâm giải quyết. Sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực. Hệ thống chính trị được củng cố, an ninh trật tự trên vùng dân tộc và miền núi được giữ vững. Đội ngũ cán bộ là người dân tộc được quan tâm đào tạo bồi dưỡng. Đến nay, 1 trong 7 huyện (Như Xuân) đã thoát khỏi diện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; có 17,4% xã đặc biệt khó khăn và 8,12% thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn theo tiêu chí quy định; có 33 xã và 35 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người ở vùng dân tộc và miền núi đạt 18 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm còn 12,13% và 15,58% (bình quân giảm trên 5%/năm).
Thác Mây (xã Thạch Lâm, Thạch Thành) được khai thác đưa vào phát triển du lịch, tạo thu nhập cho đồng bào nơi đây.
Dựa vào lợi thế về lâm nghiệp, bà con đã biết khai thác, khoanh nuôi, sản xuất từ rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng. Mô hình này đảm bảo được 3 yếu tố về kinh tế - xã hội và môi trường, vừa giữ được “kho vàng xanh”, giữ hệ sinh thái đầu nguồn và tăng độ che phủ rừng, vừa góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc và miền núi.
Dù đã có nhiều cố gắng trong công tác dân tộc, song đây vẫn là vùng khó khăn nhất tỉnh, với nhiều vấn đề nan giải như: Chất lượng tăng trưởng chưa thực sự bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Sản xuất nông nghiệp tuy đạt được một số kết quả nhưng còn nhỏ lẻ, chưa vững chắc. Chăn nuôi là thế mạnh của miền núi nhưng chưa được phát huy, chưa có nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu. Sản xuất công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, sản phẩm còn hạn chế về chủng loại và sức cạnh tranh trên thị trường. Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn còn nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu, chưa hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào các dân tộc còn thấp; tỷ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao. Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; một số tập quán lạc hậu, di dân tự do; tình hình vận chuyển, buôn bán ma túy trái phép; thiên tai lũ lụt, thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu nước sạch... vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Đồng chí Lương Văn Tưởng, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trồng rừng gỗ lớn, phát triển chăn nuôi dưới tán rừng, chế biến lâm sản cho khu vực miền núi. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp may mặc, các dịch vụ du lịch cộng đồng. Lựa chọn đầu tư những dự án có hiệu quả cho người nghèo và khuyến khích trực tiếp cho phát triển kinh doanh. Triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi, huy động xã hội hóa có trọng tâm, trọng điểm. Bổ sung nguồn lực cho chương trình giảm nghèo ở miền núi, tăng vốn cho ngân hàng chính sách xã hội giải quyết việc làm cho lao động. Xây dựng đề án di dân tái định cư phòng chống lũ ống, lũ quét, đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Tăng cường cán bộ cho vùng dân tộc và miền núi. Bố trí đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách do Trung ương ban hành. Tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Đồng bào dân tộc và miền núi tỉnh Thanh chưa một lần được gặp Bác, nhưng trong tâm tưởng đồng bào, lời dạy của Bác vẫn luôn có giá trị sức sống lâu bền. “Thượng du thắng là Thanh Hóa thắng” - Thắng ở đây không chỉ là thắng giặc ngoại xâm lúc bấy giờ, mà còn phải thắng toàn diện trên mọi mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, đồng bào dân tộc và miền núi hơn lúc nào hết cũng cần được sự quan tâm sẻ chia, đùm bọc của đồng bào miền xuôi. Đó cũng chính là mục tiêu để Thanh Hóa trở thành một tỉnh khá của cả nước, một tỉnh kiểu mẫu và hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.