Miền Trung cao điểm mưa lớn diễn biến phức tạp, miền Bắc giảm dần
Đồng bằng Bắc Bộ mưa trong khoảng ngày 12-13/10 sau đó giảm. Riêng miền Trung bước vào cao điểm mưa lớn và khả năng còn kéo dài; cần khẩn trương phòng chống lũ lụt.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều 12-13/10 ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa bắt đầu có mưa vừa, mưa to và giông.
Nhưng khoảng 14-15/10 cường độ giảm dần, chỉ còn mưa rào rải rác và có nơi có giông. Cho đến 18-20/10, ở phía Đông Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa rào và giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Trong khi đó, miền Trung còn mưa lớn liên tiếp. Cụ thể, từ chiều 12 đến 14/10, ở khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-400mm, có nơi trên 700mm; ở phía Bắc Nghệ An và Quảng Ngãi lượng mưa giảm hơn, với 50-100mm, có nơi trên 180mm.
Ngoài ra, ở từ Bình Định đến Bình Thuận; Tây Nguyên và Nam Bộ cũng xảy ra mưa rào và giông, cục bộ có mưa to, với 10-30mm, có nơi trên 60mm (thời gian mưa giông tập trung vào chiều và tối).
Cơ quan khí tượng cảnh báo, giai đoạn từ 15-16/10, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa lớn 150-300mm, có nơi trên 500mm.
Sau 17/10, mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và có diễn biến phức tạp.
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyen), chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai, từ hôm nay đến 15/10 là cao điểm của đợt mưa này. Sau đó, mưa vẫn duy trì và kéo dài tới 20/10, thậm chí lâu hơn.
TS. Huy lưu ý, ban đầu mưa chủ yếu tập trung ở vùng ven biển sau lan dần lên núi. Khi mưa lan lên núi kéo dài sẽ làm đầy các hồ chứa, khiến việc vận hành chống lũ sẽ khó hơn. Do đó, người dân cần có đánh giá, nhận định tình hình để có hành động khẩn trương trong công tác phòng, chống lũ lụt ở cấp độ hộ gia đình và khu dân cư.
Ngoài ra, cơ quan khí tượng thông tin, từ hôm nay đến 16/10, trên các sông ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 4-8m, hạ lưu từ 1-4m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; trên các sông suối nhỏ có khả năng lên mức BĐ3; hạ lưu sông Cả, sông La dao động ở mức BĐ1.
Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh trên.
Có 1-2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông
Nhận định xa hơn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa phát đi bản tin dự báo khí hậu thời hạn tháng. Theo đó, trong thời kỳ từ 11/10-10/11/2023, có khả năng xuất hiện khoảng từ 1-2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Cũng thời kỳ này, không khí lạnh tiếp tục có xu hướng hoạt động gia tăng dần về tần suất và cường độ.
Riêng về xu thế mưa, đây cũng là thời kỳ mưa vừa, mưa to tiếp tục có khả năng xảy ra và tập trung tại khu vực Trung Bộ; Tây Nguyên và Nam Bộ có nhiều ngày mưa rào và giông, trong đó cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Cơ quan khí tượng lưu ý, các đợt mưa lớn do ảnh hưởng của các hình thế thời tiết như không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới và nhiễu động gió Đông trên cao sẽ gây các đợt mưa lớn trên khu vực Trung Bộ. Do vậy, đề phòng nguy cơ cao lũ quét và sạt lở đất đá trên khu vực.
Khẩn cấp triển khai các biện pháp ứng phó
Trong 24 giờ qua (từ 14h ngày 11/10 đến 14h chiều nay) tại khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa to, có nơi mưa rất to như: Lưu vực Thủy điện Rào Trăng 4 là 206,2mm (Thừa Thiên Huế); Hương Vinh 127,2mm (Hà Tĩnh); Tiên Phước 97,6mm (Quảng Nam); Ba Long 95mm (Quảng Trị);...
Đồng thời, mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 90%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Theo cơ quan khí tượng, trong những giờ tới, khu vực các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến 20-50mm, có nơi trên 80mm.
Do đó, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện của các tỉnh trên.
Để ứng phó với đợt mưa lớn kéo dài ở miền Trung, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có công điện yêu cầu các bộ, ban, ngành và các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam triển khai ngay lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, thu hoạch sớm sản phẩm đến kỳ thu hoạch, đặc biệt là đối với nuôi trồng thủy sản nước ngọt và khu vực ven biển và phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp...