Miền Trung có thể hứng bão trong 2 ngày tới
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có xu hướng mạnh lên thành bão vào sáng 23/9, gây ra đợt mưa lớn diện rộng cho các tỉnh Trung Bộ.
Thông tin trên được ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết tối 22/9. Theo đó, xác suất áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão là trên 50%.
Chuyên gia nhận định với đặc điểm hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới, hoàn lưu gây mưa rộng và di chuyển nhanh, áp thấp nhiệt đới hoặc bão sẽ tác động sớm tới đất liền Trung Trung Bộ và vùng biển ven bờ từ chiều 23/9.
“Khả năng áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão tương đối cao. Chúng tôi cảnh báo toàn bộ vùng biển từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Với cường độ gió này, tàu thuyền hoạt động trên biển sẽ gặp nguy hiểm”, ông Năng nói.
Ngoài ra, đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định cũng có thể có gió giật mạnh cấp 6-7 khi bão vào gần bờ trong đêm 23/9.
Chuyên gia cảnh báo dù bão gây gió không quá mạnh cho đất liền nhưng nhiều khả năng gây ra đợt mưa lớn diện rộng cho các tỉnh miền Trung từ chiều 23/9 đến hết ngày 24/9.
Cụ thể, vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão trải dọc từ Bắc Trung Bộ xuống khu vực Tây Nguyên. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định khả năng ghi nhận lượng mưa lớn 150-250 mm, có nơi trên 300 mm chỉ trong vòng gần 2 ngày.
Chuyên gia lo ngại nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét vùng núi và ngập úng vùng trũng ở các địa phương trên, do đây cũng là khu vực vừa trải qua đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 5.
Tại Thanh Hóa và Nghệ An, mưa dông xuất hiện nhưng với lượng nhỏ hơn, dao động 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Trong khi đó, khu vực Kon Tum và Gia Lai tiếp diễn mưa lớn trong hai ngày tới. Lượng mưa dự báo 100-200 mm/đợt, có nơi trên 250 mm.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 19h tối 22/9, tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển Khánh Hòa khoảng 500 km, cách bờ biển Bình Định 520 km và bờ biển Đà Nẵng 700 km. Sức gió mạnh nhất cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão. Sau đó, hình thái này di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc với vận tốc 15-20 km/h. Tối 23/9, tâm bão cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 270 km và bờ biển Quảng Ngãi 160 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.
Ngày 24/9, bão giữ hướng di chuyển và vận tốc, đi vào khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới rồi thành vùng áp thấp trên khu vực trung và nam Lào.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới nằm từ vĩ tuyến 11,5 đến 16,5 độ vĩ bắc và phía tây kinh tuyến 115 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong khu vực này nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn.
Ở giữa Biển Đông, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10. Sóng biển cao 2-4 m.
Từ chiều mai (23/9), vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm các huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và Cù Lao Chàm) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10. Sóng cao 2-4 m.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mien-trung-co-the-hung-bao-trong-2-ngay-toi-post1265464.html