Miền trung du Cẩm Khê đổi thay từ vốn chính sách
Trong các giải pháp thực hiện triển khai mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 thì không gì sánh bằng việc tập trung đầu tư mọi nguồn lực trong đó có nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thiết thực và hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%/năm.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư huyện ủy Cẩm Khê (Phú Thọ) tại Hội nghị triển khai công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới vào đầu mùa xuân năm nay của địa phương.
Thực tế chứng minh nguồn vốn chính sách đã tác động mạnh mẽ, tạo sức sống mới trên khắp miền đất trung du Cẩm Khê rộng gần 24 nghìn km2. Hầu hết hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở 24 xã, thị trấn ở vùng phía Tây Bắc Phú Thọ này được tiếp cận đầy đủ, thuận lợi các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Riêng 3 tháng đầu năm 2022, gần 40 tỷ đồng vốn chính sách được giải ngân đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp họ xuống đồng, lên rừng kịp thời vào vụ sản xuất kinh doanh.
Theo Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Cẩm Khê, ông Nguyễn Văn Xuân, Cẩm Khê là huyện đất rộng, người đông, khoảng 5,6 năm trước đó, kết cấu hạ tầng nông thôn còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn địa bàn 27% nên nhu cầu vay vốn của đồng bào các dân tộc rất lớn. Để thực hiện chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và địa phương, đơn vị đã tập trung huy động nguồn lực, chuyển tải kịp thời mọi đồng vốn về các thôn bản khó khăn, đến tận nơi ở của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ngay trong giữa đại dịch COVID-19 bùng phát gây bao trở ngại đến tình hình sản xuất của địa phương và đời sống của nhân dân, những cán bộ tín dụng chính sách Cẩm Khê đã vượt qua khó khăn, thử thách, vừa phòng chống dịch tốt, vừa huy động vốn nhanh. Tính đến nay, toàn huyện có 17 chương trình với tổng nguồn vốn 545 tỷ đồng, tăng trưởng 48 tỷ đồng so với 31/3/2021.
Hết thẩy nguồn vốn do huy động tạo lập được, kể cả nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân hàng huyện và chủ đầu tư khác chuyển sang 1.837 triệu đồng, đã được NHCSXH Cẩm Khê truyền tải kịp thời, an toàn thông qua mạng lưới 22 Điểm giao dịch xã và hệ thống 387 Tổ TK&VV tại thôn bản. Dòng vốn chính sách được khơi thông, chảy đều đặn về khắp địa bàn, kể cả các xã thuộc vùng 3 - vùng đặc biệt khó khăn và thôn bản xa xôi, hẻo lánh.
Lợi ích từ việc tăng trưởng nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã tạo thêm năng lực hoạt động cho NHCSXH. Các biện pháp phát triển kinh tế, khai thác thế mạnh nông, lâm nghiệp ở Cẩm Khê được lựa chọn phù hợp. Nhiều mô hình và điển hình sản xuất kinh doanh của đồng bào các dân tộc xuất hiện. Đơn cử về Tùng Khê là xã 135, cách đây không lâu điều kiện kinh tế xã còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân chủ yếu từ nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20%, Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã đã được kiện toàn, nhiều biện pháp đồng bộ được triển khai trong đó chú trọng khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi những chân ruộng làm lúa năng suất thấp thành vườn cây ăn quả đặc sản, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chăn nuôi gia súc gia cầm thương phẩm.
Đó là anh Nguyễn Xuân Hòa ở khu Quyết Thắng xã Tùng Khê đã sử dụng 100 triệu đồng vốn vay chương trình giải quyết việc làm, đầu tư nuôi hơn 2.000 con thỏ, mang lại nguồn thu nhập ngót nửa tỷ đồng/năm. Hay như, chị Bùi Thị Nam ngụ khu Quyết Thắng vay 40 triệu đồng vốn của NHCSXH huyện Cẩm Khê nuôi 1 cặp bò vỗ béo, đến xuân này thoát cảnh nghèo khó, trả hết nợ vay cho ngân hàng.
Vốn chính sách còn góp phần đáng kể xóa bỏ tư tưởng chờ ỷ lại đã ăn sâu vào nhận thức của người dân. Ví như tại xã Sơn Nga, huyện Cẩm Khê trước kia, nhiều hộ dân chỉ muốn vào danh sách hộ nghèo để được thụ hưởng chính sách “cho không, cấp không” của Nhà nước, nhưng lại ngại vay vốn chính sách. Để xóa bỏ tư tưởng không muốn thoát nghèo, khơi dậy tinh thần vươn lên làm giàu, xã vừa niêm yết danh sách hộ được xét hộ nghèo, hộ cận nghèo tại nhà văn hóa cộng đồng để người dân biết công khai, tự đánh giá, nếu thấy hộ nào không phù hợp thì có ý kiến với xã để xã có phương án giải quyết, đồng thời phát động phong trào thi đua vay vốn, sử dụng vốn vay chính sách hiệu quả vào chăn nuôi, trồng trọt. Trong vòng 3 năm qua, 21 tỷ đồng vốn của NHCSXH đã góp sức, chung lòng thúc đẩy xã Sơn Nga phát triển đàn trâu bò lên 1.700 con, trồng rừng mới 195 ha.
Cách làm này đã tác động đến lòng tự trọng và tinh thần lao động hăng say của người dân, nhiều người đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo sau khi sử dụng vốn chính sách thâm canh ruộng vườn năng suất cao, vỗ béo trâu bò. Điển hình là anh Nguyễn Ngọc Đức khu Chùa Bộ, đã bàn bạc với vợ con vay 50 triệu đồng vốn chính sách đầu tư nuôi trâu sinh sản, mua máy bừa về để làm thuê, có thêm việc làm và nâng cao thu nhập. Đến nay, kinh tế gia đình khấm khá hơn trước, anh Đức quyết định viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo của xã để những sự hỗ trợ cho các hộ khó khăn hơn.
Miền đất trung du Cẩm Khê đang đổi thay từng ngày, rộng mở thêm. Đời sống người dân cũng sáng tươi, no đủ hơn. Các cấp lãnh đạo và đồng bào các dân tộc địa phương ghi nhận tinh thần vượt khó, tận tâm thực thi nhiệm vụ của những cán bộ tín dụng chính sách nơi đây đã huy động tạo lập được nguồn vốn gần 550 tỷ đồng vốn và chuyển tải kịp thời, an toàn lớn đó đến tận hộ nghèo và các đối tượng chính sách, mở lối thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Để công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ổn định bền vững, NHCSXH huyện Cẩm Khê nỗ lực cùng các ban ngành đoàn thể trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh chuyển tải nhanh chóng, đầy đủ nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp họ có điều kiện chủ động phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và khẳng định được vai trò chủ thể trong xã hội.