Miền Trung hứng chịu mưa lớn, nhiều nơi sạt lở, ngập nặng

Chiều tối 13-10, TP Đà Nẵng hứng chịu trận mưa 'tối mặt tối mũi'. Nước dâng cao trên mặt đường. Hầu hết các cửa tiệm phải đóng cửa. Mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… cũng xảy ra ở hầu khắp các địa phương miền Trung.

Một trong số các điểm sạt lở trên đèo Hải Vân.

Một trong số các điểm sạt lở trên đèo Hải Vân.

Đèo Hải Vân sạt lở lớn

Trưa 13-10, đèo Hải Vân tại km 905 trên địa bàn Đà Nẵng sạt lở, hàng trăm khối đất đá tràn xuống đường đèo, ách tắc giao thông. Theo Xí nghiệp quản lý vận hành và Hạt Quản lý đường bộ Hải Vân, ngay khi nắm thông tin, đơn vị đã báo cho lực lượng Cảnh sát giao thông 2 đầu đèo thuộc Thừa Thiên- Huế và Đà Nẵng thông báo, ngăn chặn các phương tiện không cho lưu thông qua đèo. Hiện tại, đơn vị đã huy động máy múc, máy ủi, nhân lực tiến hành dọn dẹp mặt bằng để sớm thông tuyến. Tại km 905 vào mùa mưa năm trước cũng từng xảy ra sạt lở, do lượng nước từ khu vực đỉnh đèo khá lớn. Giải pháp khắc phục bước 1: Dùng bao cát nắn dòng, ngăn nước từ mặt đường đỉnh taluy không chảy vào taluy bị sạt trượt; xác định thời tiết còn mưa kéo dài, ưu tiên phủ bạt taluy bị sạt, không để nước mưa ngấm thêm vào taluy. Sau khi kiểm tra an toàn, ổn định mái taluy thì tổ chức dọn dẹp mặt đường bên dưới và đặt các biển cảnh báo cho các phương tiện lưu thông.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh kiểm tra tình hình mưa lụt ở Khe Cạn.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh kiểm tra tình hình mưa lụt ở Khe Cạn.

Tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), Ban chỉ đạo phòng chống bão lũ UBND huyện cũng chỉ đạo các xã vùng trũng thấp, gần sông như Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Nhơn, Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước… khẩn trương kiểm tra tình hình mưa lũ, ngập úng tại các địa bàn. Lực lượng chức năng như Công an, Quân đội triển khai lực lượng, nhất là trên các tuyến giao thông liên xã, liên thôn đặt biển cảnh báo cho người dân, các phương tiện giao thông đi lại, hỗ trợ phao cứu sinh cho người dân ở các vùng trũng, các khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Do mưa lớn, nhiều tuyến đường ngập nước, nên ngày 13-10, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng đã có công văn chỉ đạo cho học sinh, học viên THPT, THCS và tiểu học không học bán trú trên địa bàn trên toàn TP nghỉ học. Đối với trường có học bán trú, trẻ em mầm non và học sinh vẫn học buổi chiều, nhà trường chủ động sắp xếp thời gian, thông báo phụ huynh đón con vào cuối buổi chiều nay đảm bảo an toàn.

Tối 13-10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cùng lãnh đạo UBND quận Thanh Khê đã đến trực tiếp kiểm tra tình hình ngập lụt do mưa lớn gây ra tại khu vực Khe Cạn (P. Thanh Khê Tây, Q. Thanh Khê). Trước thời điểm xảy ra mưa lớn, chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán 29 hộ dân thuộc tổ 26 và tổ 27 khu vực Khe Cạn bị ngập úng cục bộ để bố trí vào ở tạm tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám, đồng thời chuẩn bị đầy đủ tất cả các nhu yếu phẩm để người dân yên tâm trong thời gian lưu trú. Được biết, trong trận mưa ngày 13-10, khu vực Khe Cạn bị ngập cục bộ, chủ yếu ở 2 tổ dân phố 26 và 27, có nơi ngập từ 1,2-1,3 mét. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu, địa phương cần tập trung vận động sơ tán người dân ở khu vực ngập lụt đến nơi an toàn; đồng thời huy động lực lượng bảo vệ tốt tài sản của người dân. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị UBND quận và phường xử lý tốt tất cả các tình huống trong công tác đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai, lũ lụt, đặc biệt trong thời điểm thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Lực lượng Công an, Quân đội chuyển áo phao, phao cứu sinh đến vùng thấp trũng tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Lực lượng Công an, Quân đội chuyển áo phao, phao cứu sinh đến vùng thấp trũng tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Nhiều địa phương miền núi cảnh báo nguy cơ sạt lở cao

Tại Quảng Nam, mưa liên tục từ 12 đến 13-10 khiến nhiều địa phương, nhất là các huyện miền núi được phát đi cảnh báo sạt lở. Lượng mưa đo được ở Đại Hiệp (Đại Lộc) là 158.6mm, Cù Lao Chàm 150.0mm, Hồ Phú Lộc 149.6mm, Duy Trung 147.6mm, đập Hà Thanh 145.6mm, Cầu Vĩnh Điện 134.6mm, Hội An 134.6mm, Điện Ngọc 133.8mm...

Cảnh báo mưa to tiếp tục trong đêm 13-10, nguy cơ xảy ra lũ quét các sông, suối nhỏ, sạt lở đất ở sườn dốc các huyện Đông Giang, Tây Giang, Đại Lộc, Duy Xuyên, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn, TP Hội An... Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã công bố 46 xã, thị trấn nằm trong danh sách nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, tập trung ở Đông Giang (7 xã), Tây Giang (10 xã), Phước Sơn (9 xã)…

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam đã có công điện gửi các ngành, địa phương về chủ động ứng phó, có phương án phòng chống sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét và sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm.

Thu dọn đất đá trên tuyến Quốc lộ 49B qua xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thu dọn đất đá trên tuyến Quốc lộ 49B qua xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tại Thừa Thiên - Huế, lượng mưa đo được tại các trạm phổ biến từ 100-300mm, một số trạm cao hơn như Quảng Phú (huyện Quảng Điền) 587mm; hồ Hòa Mỹ (huyện Phong Điền) 442mm; Rào Trăng 4 (Phong Điền) 413mm. Từ 19 giờ ngày 12 đến 7 giờ sáng ngày 13-10 tại các trạm phổ biến từ 80-110mm, có nơi cao hơn như Quảng Thành (huyện Quảng Điền) 140mm; thị trấn Phong Điền (Phong Điền) 130mm. Do mưa lớn cộng với địa hình dốc, nước chảy xiết đã gây sạt trượt tại Km95-Km96 trên tuyến Quốc lộ 49B qua xã Lộc Bình, gây ách tắc giao thông. Đơn vị quản lý đường bộ cùng với chính quyền địa phương đã tổ chức rào chắn, cấm đường, bố trí lực lượng trực đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.

Do mưa lũ, đến sáng 13-10 tại huyện Phong Điền có 2.960 học sinh tại 13 trường học phải nghỉ học. Riêng các trường học thuộc các xã, thị trấn Phú An, Phú Mỹ, Phú Xuân, Phú Hồ, Phú Lương, Phú Đa, Vinh Hà (huyện Phú Vang) học sinh nghỉ học từ chiều 13-10.

Nhiều địa phương ở Quảng Trị ngập lụt do mưa lũ.

Nhiều địa phương ở Quảng Trị ngập lụt do mưa lũ.

Trên địa bàn Quảng Trị, trong ngày 13-10 tiếp tục có mưa to, cảnh báo trên các sông xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông đạt từ 3.0 m đến 5.0 m; hạ lưu đạt từ mức 1.5-3.0 m. Đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 1 đến báo động 2. Ghi nhận trong ngày 13-10, trên sông Ô Lâu tại Hải Tân (H. Hải Lăng) lũ lên trở lại ở mức trên báo động 2. Vùng trũng huyện Hải Lăng chịu tác động ngập diện rộng đầu tiên. Người dân các xã “rốn lũ” đã khẩn trương ứng phó, di dời tài sản, thóc lúa đến nơi khô ráo. Ngày 13-10, hơn 2.000 học sinh tại nhiều trường học mầm non, Tiểu học và THCS tại địa bàn H.Hải Lăng đã được nghỉ học.

Tại khu vực miền núi, tuyến đường tuần tra biên giới Sa Trầm (xã Ba Nang) đi Pa Lin (xã A Vao) thuộc H. Đakrông bị sạt lở, đất đá đổ xuống đường khối lượng lớn làm giao thông bị chia cắt tạm thời.

Tại Hà Tĩnh, hàng trăm mét khối đất đá, cây cối bị sạt lở xuống mặt đường gây ách tắc, chia cắt trên tuyến Tỉnh lộ 551, đoạn qua địa bàn thôn Nam Phong, xã Kỳ Phong, giáp ranh với thôn Đất Đỏ, xã Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh). Đất đá, cây cối chiếm hết mặt đường và lề đường rộng khoảng 12m, kéo dài khoảng 50m, gây chia cắt, ách tắc giao thông khiến người dân và các phương tiện không thể lưu thông qua lại.

Mưa lớn trong nhiều giờ cũng khiến nước ở các sông lên cao, làm ngập một số tuyến đường và 7 cầu trên địa bàn huyện Kỳ Anh, bao gồm cầu Lạc Trung, cầu Xuân Tiến, cầu cây Ổi (Kỳ Lạc); cầu Khe Nhơi, cầu Cao Su (Kỳ Sơn); cầu Khe Nhạ, cầu Nhà Cộ (Kỳ Thượng) và 5 tràn bị ngập là Lòi Tròn, Đất đỏ, Trại Cộ (Kỳ Trung); Khe Nhạ, Khe Rửa (Kỳ Tây). Hiện, tất cả cầu cống bị ngập đã có biển cảnh báo, sào chắn, có người canh gác.

NHÓM PV THỜI SỰ

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/mien-trung-hung-chiu-mua-lon-nhieu-noi-sat-lo-ngap-nang-post284911.html