Miền Trung khẩn cấp chống hạn cuối đông

Hạn hán, xâm nhập mặn tại Trung Trung bộ đến sớm hơn mọi năm và dự báo trong năm 2020 là rất nghiêm trọng (hơn cả hạn hán lịch sử năm 2019). Hàng vạn hécta đất trồng lúa tại khu vực này nguy cơ thiếu nước tưới hoặc buộc phải chuyển đổi sang trồng hoa màu thay thế.

Vừa kết thúc mùa mưa lũ năm 2019 nhưng mực nước tại nhiều hồ đập ở Thừa Thiên - Huế chỉ đạt 50% so với dung tích thiết kế

Vừa kết thúc mùa mưa lũ năm 2019 nhưng mực nước tại nhiều hồ đập ở Thừa Thiên - Huế chỉ đạt 50% so với dung tích thiết kế

Nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn nặng

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo, khả năng ENSO (chỉ cả 2 hiện tượng El Nino và La Nina) ở trạng thái trung tính nhưng vẫn nghiêng về pha nóng kéo dài cho đến đầu năm 2020. Lượng mưa cuối năm 2019 đến tháng 4-2020 sẽ ít, nguy cơ thiếu nước cao, hạn hán sẽ diễn biến phức tạp trên diện rộng của cả nước. Do lượng mưa vào cuối năm 2019 rất ít, khiến cho hầu hết các hồ đập ở khu vực Trung Trung bộ đến nay vẫn chưa tích đủ nước, đang trong tình trạng “đói” nước. Ngành chức năng các địa phương dự báo, nếu lượng mưa vẫn không cải thiện thì năm 2020 tiếp tục xảy ra hạn nặng. Dù đang trong mùa đông năm 2019, nhưng hầu hết các địa phương buộc phải lên phương án, kịch bản để chống hạn cho các mùa vụ năm 2020.

Tại Bình Định, tổng số 156 hồ chứa nước hiện mới chỉ tích được khoảng 40%-60% dung tích thiết kế. Điều này đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2020. Ngoài ra, Bình Định còn khoảng 13.000 hộ dân vẫn thiếu nước sinh hoạt thường xuyên vào mùa khô. Sở NN-PTNT Bình Định đã họp khẩn, đề ra các giải pháp chống hạn. Trong đó, kêu gọi địa phương, ngành chức năng, người dân cần áp dụng các biện pháp khoa học, truyền thống để hạn chế sử dụng nước trong vụ đông xuân (2019 - 2020). Đồng thời đề ra nhiều giải pháp chống hạn lâu dài, tập trung đầu tư, nâng cấp để khai thác hiệu quả các công trình cấp nước cho người dân vùng lõi hạn.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết: “Chúng tôi đang chờ cơn bão số 7 và đợt mưa tiểu mãn, khoảng tháng 1, tháng 2-2020, hy vọng lượng mưa sẽ cải thiện hơn. Trong tháng 2-2020, chúng tôi sẽ khoanh vùng điểm hạn, vùng lõi hạn để lên kịch bản, phương án chống hạn cụ thể hơn. Trước mắt, địa phương duy trì tích trữ nước ở các hồ đập, hạn chế tối đa xả hồ để sản xuất vụ đông xuân; tuyên truyền người dân sử dụng nguồn nước tại chỗ để sản xuất, không để thất thoát nước”.

Tương tự, theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, hạn hán lịch sử năm 2019 đã gây ảnh hưởng rất nặng nề cho tỉnh Phú Yên. Địa phương vừa thống nhất tạm ứng ngân sách 120 tỷ đồng để hỗ trợ người dân khắc phục hạn. Tuy nhiên, lượng mưa năm 2019 khan hiếm đang đẩy địa phương đứng trước nguy cơ bị hạn nặng năm 2020, đặc biệt tình trạng xâm nhập mặn tại các vùng cửa sông, ven biển. UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương cần chủ động tiết kiệm nước tối đa để ứng phó khi hạn xảy ra; đảm bảo tưới tiêu, sản xuất trong vụ đông xuân. Đồng thời, quán triệt đến Công ty Điện lực Phú Yên và Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam cùng các nhà máy thủy điện sông Ba Hạ, sông Hinh, KrôngH’năng lên phương án điều tiết nước chống hạn; chỉ đạo các địa phương huy động kinh phí, nguồn lực để chống hạn mặn.

Yêu cầu thủy lợi phải tiết kiệm nước

Về vùng nông thôn Thừa Thiên - Huế những ngày này, không khó để nghe người dân phàn nàn về sự bất thường của thời tiết khi họ chuẩn bị xuống giống cho hơn 32.000ha lúa và hoa màu vụ đông xuân. Trong đó, tại các vùng thấp trũng, thuộc các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền mọi năm thường bị ngập, kéo dài cả tháng, nhưng năm nay ở đây chưa có cơn lũ nào mang phù sa về cho ruộng đồng. Lão nông Vũ Quang Hà (xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, nắng vẫn rát mặt, cánh đồng chỉ xăm xắp nước. “Mưa lũ ngoài việc bồi đắp phù sa còn diệt chuột bọ, nay đã tháng 12 âm lịch rồi mà lũ vẫn chưa xuất hiện”, ông Hà âu lo.

Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, hồ thủy lợi Tả Trạch là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung mới chỉ đạt 75,3% dung tích; hồ thủy điện Hương Điền đạt 53,7%, hồ thủy điện Bình Điền đạt 25%, dưới mức nước dâng bình thường hơn 20m. Dự báo lượng mưa trong 3 tháng đầu năm 2020 sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm 30% và nắng nóng xuất hiện cục bộ.

Trước diễn biến thời tiết bất thường, ngày 26-12, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phải triệu tập lãnh đạo các sở ban ngành, huyện thị để bàn và khẩn cấp triển khai các giải pháp chống hạn. Theo ông Thọ, năm 2020, lần đầu tiên địa phương phải vận hành liên hồ chứa trong mùa khô. Đầu tháng 11 vừa qua, ngay cao điểm mùa lũ mà UBND tỉnh đã phải ban hành chỉ thị tăng cường chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, yêu cầu thủy lợi phải tiết kiệm nước. Trước mắt, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ tiền điện và dầu cũng như sửa chữa công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước với kinh phí 76,3 tỷ đồng.

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, cần tập trung cấy giống lúa ngắn ngày, chậm nhất là cuối tháng 1-2020 phải kết thúc gieo sạ. Đối với hoa màu thì xuống giống càng sớm càng tốt. Những chân ruộng cao phải chuyển đổi sang trồng hoa màu hoặc bỏ hoang, chứ không trồng lúa.

VĂN THẮNG - NGỌC OAI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/mien-trung-khan-cap-chong-han-cuoi-dong-637354.html