Miền Trung khẩn cấp ứng phó bão, lũ
Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, ảnh hưởng trực tiếp đến miền Trung với lượng mưa phổ biến từ 200-300 mm, có nơi trên 600 mm
Bộ NN-PTNT vào chiều 18-9 tổ chức họp trực tuyến với 11 tỉnh, thành phố ven biển từ Ninh Bình đến Bình Định để ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4.
Dự báo ngập lụt, lũ quét
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết điều đáng ngại nhất của cơn áp thấp nhiệt đới này không phải là gió mạnh mà là mưa lớn do hoàn lưu bão. Từ ngày 19-9, vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.
Trọng tâm mưa lớn sẽ là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và một phần của tỉnh Quảng Ngãi. Lượng mưa phổ biến sẽ từ 200-300 mm, có nơi trên 600 mm và kéo dài từ nay đến 20-9. Các khu vực khác của Bắc và Trung Trung Bộ mưa phổ biến 100-300 mm, có nơi trên 500 mm.
Quảng Bình, Hà Tĩnh mưa phổ biến 150-300 mm, có nơi trên 500 mm. Do mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở, tập trung tại vùng núi, trung du các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên, đặc biệt các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Ngoài ra, mưa lớn sẽ khiến các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Nam xuất hiện lũ với biên độ 3-7 m. Thượng nguồn sông Mã, sông Bưởi ở Thanh Hóa, sông Cả ở Nghệ An lên báo động 2 và trên báo động 2. Đỉnh lũ trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) ở mức báo động 2, 3. Hạ lưu sông Mã ở Thanh Hóa, sông La ở Hà Tĩnh báo động 1.
Rút kinh nghiệm từ bão số 3, đại tá Phạm Hải Châu, Cục phó Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), đề nghị các địa phương rà soát tất cả điểm có nguy cơ sạt lở, thông báo nhanh nhất đến từng hộ dân khi xảy ra tình huống báo động và chuẩn bị nơi an toàn để người dân di chuyển đến. Ông đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng kiên quyết yêu cầu 75 tàu với 618 ngư dân đang ở khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa về nơi an toàn.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung các giải pháp ứng phó. Ông Hiệp cũng rất lo lắng hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn, tập trung vào Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, một phần Quảng Ngãi. "Không loại trừ khả năng sẽ xảy ra ngập lụt, lũ quét như năm 2020" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Mưa ngập tại nhiều tỉnh, thành
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão số 4, trên địa bàn các tỉnh miền Trung trong ngày 18-9 có mưa rất lớn trên diện rộng, nhiều nơi bị ngập và gió lớn cũng khiến nhiều nhà tốc mái.
Theo ghi nhận tại TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), mưa lớn liên tục và kéo dài khiến một số tuyến đường trên địa bàn TP bị ngập nặng, giao thông đi lại gặp một số khó khăn. Tại Đà Nẵng, trong ngày 18-9, trời đổ mưa tầm tã kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trong thành phố bị ngập cục bộ. Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng thông báo cho trẻ mầm non, học sinh, học viên trên toàn TP nghỉ học chiều ngày 18-9 và cả ngày 19-9.
Tại Quảng Trị, đến hiện tại các hồ chứa đang vận hành bảo đảm an toàn, trong đó tổng dung tích các hồ chứa thủy lợi do Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi Quảng Trị quản lý còn khoảng 30,43% so với dung tích thiết kế, hồ chứa thủy lợi - thủy điện còn khoảng 28,65% so với dung tích thiết kế.
Ngày 18-9, một trận lốc xoáy đã quét qua địa bàn xã Phú Xuân và xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế làm ít nhất 11 ngôi nhà của người dân bị tốc mái, hư hỏng cùng 1 người bị thương. Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã có công điện khẩn gửi các sở, ban, ngành, địa phương về công tác ứng phó bão và người đứng đầu các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn đến sự cố công trình, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Tại Quảng Bình, trong ngày 18-9, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương để rà soát công tác chuẩn bị, sẵn sàng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Theo báo cáo sơ bộ, Quảng Bình còn 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở ở khu vực núi, khu dân cư, bờ sông, bờ biển, trong đó 10 điểm có nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt nguy hiểm.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mien-trung-khan-cap-ung-pho-bao-lu-196240918211900042.htm