Miền Trung lại sắp mưa lớn dài ngày

Giai đoạn từ 20/10 đến cuối tháng 10 và đầu tháng 11 khả năng cao sẽ có mưa lớn ở miền Trung. Mưa lớn ở khu vực Trung Bộ tập trung chính vào tháng 10-11.

Miền Trung có thể mưa dồn dập những ngày cuối tháng 10

Trong bản tin dự báo mùa mới nhất, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính. Dự báo, từ tháng 10 - tháng 12, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 - 70%. Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đáng kể đến thời tiết khu vực Biển Đông, mang lại nhiều thách thức trong việc dự báo và ứng phó với thiên tai.

Trong điều kiện La Nina, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Cụ thể, từ tháng 10 - tháng 12, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trung bình khoảng 4 - 5 cơn; trong đó, số cơn đổ bộ vào đất liền trung bình là 1,9 cơn.

Cuối tháng 10 miền Trung có thể mưa lớn dài ngày.

Cuối tháng 10 miền Trung có thể mưa lớn dài ngày.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, qua quan sát ảnh mây vệ tinh có thể nhận định, giai đoạn từ 20/10 đến cuối tháng 10 và đầu tháng 11 khả năng cao sẽ có mưa lớn ở miền Trung. Bước vào cao điểm mùa mưa bão, tình hình mưa, bão, lũ sẽ phức tạp khó lường ở miền Trung. Cùng với đó, biến đổi khí hậu cũng là điều kiện thuận lợi để các cơn bão phát triển, khi chúng có xu hướng hấp thụ nước biển ấm lên giống như một "miếng bọt biển" và dần gia tăng về kích thước.

Dự báo từ nay đến cuối năm 2024 hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm có khoảng 5-6 cơn). Trong đó, số cơn đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ, các tỉnh phía nam.

Với kịch bản xuất hiện của La Nina thì khả năng bão/áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng xuất hiện ngay trên khu vực Biển Đông sẽ cao hơn bình thường. Mưa lớn ở khu vực Trung Bộ tập trung chính vào tháng 10-11. Mùa mưa ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có thể kết thúc muộn hơn bình thường (khoảng nửa cuối tháng 11 ở Tây Nguyên và Nam Bộ và khoảng nửa cuối tháng 12 ở Trung Bộ).

Chủ động ứng phó

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay, từ nay đến cuối tháng 10, các đợt không khí lạnh sẽ có xu hướng hoạt động mạnh hơn về tần suất và cường độ, gây ảnh hưởng đến thời tiết tại miền Bắc, đặc biệt là những đợt mưa rào và dông. Khu vực Trung bộ được cảnh báo có thể xảy ra các đợt mưa lớn diện rộng, nguy cơ gây ngập lụt và sạt lở đất.

Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể đi kèm theo các đợt mưa dông trên phạm vi cả nước, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất và giao thông. Dự báo, tình trạng gió mạnh và sóng lớn trên Biển Đông có thể tác động tiêu cực đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt cá.

Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, dông, lốc xoáy trên biển có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông. Mưa lớn, dông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết La Nina xuất hiện đúng vào mùa mưa bão ở miền Trung nên tình hình mưa, bão ở khu vực này khả năng diễn biến sẽ có nhiều phức tạp.

Đặc biệt, nguy cơ lượng mưa nhiều, lớn hơn bình thường ở ven biển Trung bộ, làm tăng nguy cơ lũ lụt và ngập lụt đô thị. Với lượng mưa gia tăng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng, nhất là ở các vùng núi cao, nơi có tính chất đất không ổn định.

Trước các hình thái thời tiết trên, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực, đồng thời cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.

Chính quyền và các đơn vị chức năng cần cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân, vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá... Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương.

Để giảm thiệt hại do thiên tai, phải có sự phối hợp đồng bộ. Các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn rất quan trọng nhưng chưa phải là yếu tố quyết định tất cả. Khi có thông tin cảnh báo sớm, chúng ta phải có hành động sớm. Đây cũng là khẩu hiệu của phòng chống thiên tai hiện tại - cảnh báo sớm để hành động sớm.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mien-trung-lai-sap-mua-lon-dai-ngay-169241014151341381.htm