Miền trung: Nước lũ dâng cao, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập
Sáng nay, nhiều nơi ở miền Trung vẫn chìm trong tình trạng ngập lụt, mực nước trên các sông vẫn dâng cao và lũ vẫn đang lên. Người dân dù chủ động nhưng cũng đối phó vất vả bởi nước lên cao, gây nhiều thiệt hại về con người và tài sản. Hiện đã có năm người chết, tám người bị mất tích do lũ.
Sáng nay, nhiều nơi ở miền Trung vẫn chìm trong tình trạng ngập lụt, mực nước trên các sông vẫn dâng cao và lũ vẫn đang lên. Người dân dù chủ động nhưng cũng đối phó vất vả bởi nước lên cao, gây nhiều thiệt hại về con người và tài sản. Hiện đã có năm người chết, tám người bị mất tích do lũ.
* Huế di dời khẩn cấp hơn 130 người ra khỏi vùng ngập sâu nguy hiểm
Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua khiến nhiều khu vực thấp trũng, nhiều tuyến đường tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) ngập lụt nặng.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, các ban, ngành, đặc biệt lực lượng Công an TP Huế cùng các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp ứng phó; tổ chức di dời hơn 130 dân sống trong vùng nguy hiểm mưa lụt chuyển đến nơi an toàn.
Do mưa lớn liên tục nhiều ngày qua, trên địa bàn TP Huế hiện có trên 30 tuyến đường bị ngập lụt, một số tuyến đường ngập sâu từ 0,3 đến 0,6 mét, nổi bật như đường Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Chí Thanh, Nhật Lệ, Hàn Thuyên, Lê Thánh Tôn, Ngô Đức Kế… Đặc biệt, khu vực xóm Gióng thuộc tổ 1 - khu vực 1, phường An Tây có nơi ngập hơn một mét, nước chảy xiết.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, lực lượng Công an TP Huế triển khai lực lượng di dời 32 hộ dân, sáu dãy trọ với hơn 130 người ra khỏi khu vực ngập lụt đến nơi an toàn.
Hiện đơn vị đang tiếp tục khảo sát, kiểm tra các khu vực nguy hiểm có khả năng xảy ra lũ quét, lụt cục bộ, ngập sâu để tiếp tục triển khai lực lượng di dời dân đến nơi an toàn, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho bà con.
Đối với các tuyến đường bị ngập lụt và đoạn qua Đập Đá, lực lượng Cảnh sát giao thông trật tự, Công an các phường tiến hành chốt chặn, tuần tra kiểm soát nhắc nhở người dân đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Lực lượng công an TP Huế cũng tổ chức tuần tra trên sông Hương để kiểm tra, nhắc nhở tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn. Đồng thời, phối hợp với Công ty công viên Cây xanh Huế kịp thời dọn dẹp các cây bị ngã đổ, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
* Đà Nẵng tiếp tục cho học sinh nghỉ học vì lũ
Chiều tối 9-10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP Đà Nẵng có thông báo khẩn lần 3, tiếp tục cho học sinh nghỉ học ngày 10-10 và đi học lại ngày 12-10.
Cụ thể, do tình hình thời tiết mưa lớn diện rộng trên địa bàn TP Đà Nẵng, nhiều vùng trên địa bàn huyện Hòa Vang và một số khu vực trên địa bàn thành phố đã xảy ra ngập úng cục bộ. Để bảo đảm an toàn và nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, Sở GDĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học triển khai thông báo cho học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học ngày 10-10 và đi học trở lại vào ngày 12-10. Nhanh chóng tổ chức dọn vệ sinh trường, lớp, khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của mưa lũ gây ra để chuẩn bị cho học sinh đi học lại. Đồng thời theo dõi, nắm bắt tình hình gia đình giáo viên, người lao động, học sinh, học viên, sinh viên bị thiệt hại do mưa lũ gây ra để có biện pháp hỗ trợ.
Mưa lớn trên diện rộng liên tục trong ba ngày qua đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân nhiều xã trên địa bàn huyện Hòa Vang và các vùng ven TP Đà Nẵng. Công tác phòng, chống mưa lớn, lũ, sạt lở đất trên toàn địa bàn thành phố được các ngành, các cấp và từng địa phương thực hiện quyết liệt, kịp thời.
Ngày 9-10, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã trực tiếp kiểm tra tình hình khắc phục ngập lụt, sạt lở đất tại bàn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang và một số điểm trên địa bàn Hòa Vang. Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã trực tiếp động viên người dân trong khu vực ngập lụt lớn tại thôn Trung Sơn.
Hiện, mưa vẫn rất lớn và nước rút chậm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu địa phương tập trung công tác bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân; tiếp nhận kiến nghị của người dân thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên về xử lý tình trạng ngập úng cục bộ tại đây.
Đồng chí Nguyễn Văn Quảng yêu cầu địa phương tiếp tục theo dõi các khu vực ngập úng, ngập lũ, kiểm tra và khắc phục các điểm sạt lở đất, lũ quét. Căng dây, lập rào chắn tại các đoạn đường bị ngập, nước chảy xiết và cử người túc trực để chốt chặn, không cho người và phương tiện đi qua, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Theo báo cáo nhanh, mưa lũ đã gây ngập 8/11 xã của huyện Hòa Vang bị ngập, trong đó, tại xã Hòa Liên, xã Hòa Bắc, nhiều khu vực nước dâng cao, cô lập người dân, với hơn 42,4 ha hoa màu bị ngập úng, hơn 9.000 cây hoa cúc trồng phục vụ dịp Tết đã bị hư hại nặng nề. Toàn huyện Hòa Vang đã di dời, sơ tán 203 hộ dân với 731 người ra khởi khu vực ngập lũ. Nhiều điểm trên đường ĐT 601, đường ADB5, sạt lở nặng đoạn đường bê tông tại Cầu Quang (thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang).
* Quảng Trị hứng chịu đợt mưa lũ lớn nhất trong mấy chục năm nay
Bà Nguyễn Thị Khoan, 89 tuổi ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cho biết, đợt mưa lũ này nước về đột ngột và lớn nhất trong mấy chục năm nay.
Theo Cơ quan Khí tượng thủy văn Quảng Trị, trong bốn ngày, từ 5 đến 9-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, lượng mưa đo được nơi cao nhất như Hướng Linh đến 1.335 mm, Đakrông 1.163 mm, tại Vĩnh Ô 1.152 mm, tại Nam Thạch Hãn 1.065 mm, nhấn chìm hầu khắp khu dân cư thuộc các huyện, thị trong tỉnh.
Dưới mưa lũ Quảng Trị đã kịp thời di dời, sơ tán 4.547 hộ dân với hơn 15 nghìn người đến các khu vực an toàn. Đến chiều 9-10, nước trên các sông lớn bắt đầu rút nhưng vẫn mênh mang. Người dân sau thời gian di tản đã trở về làng, tập trung vệ sinh dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường. Nhưng nước lũ rút đi, nỗi đau để lại trong mỗi ánh mắt của người dân. Các tuyến đường liên xã A Bung - A Ngo; đường nội thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp, nội thôn Húc Nghì, xã Húc Nghì, nội thôn Ly Tôn, xã Tà Long bị chia cắt, hư hỏng do ngập sâu trong lũ từ 1-2m. Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh đông nhiều điểm sạt lở với khối lượng lớn. Đường Hướng Linh-Hướng Tân; Hướng Phùng-Hướng Sơn; đường Quốc lộ 9… sạt lở mái taluy nhiều điểm.
Ông Lê Quang Lam, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, bão lũ đi qua nỗi khổ người dân chồng chất hơn, bao nhiêu vốn liếng nông dân dồn vào chăn nuôi giờ đổ theo sông, theo biển. Theo thống kê, địa phương này có hơn 200 con trâu, bò bị trôi theo dòng lũ; gần 33 nghìn con gà bị chết; gia súc các loại bị nước cuốn trôi hơn 22 nghìn con; hơn 730 ha nuôi trồng thủy sản như tôm, cá bị ngập, trôi. Thiệt hại không kể hết.
Hiện tại, toàn tỉnh Quảng Trị đang gượng dậy, dồn sức khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, mưa lũ đã gây ngập sâu, chia cắt nhiều địa phương, thiệt hại quá nặng nề. Ngay từ đầu đợt mưa lũ, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, lực lượng, chính quyền địa phương tập trung ứng phó để hạn chế thiệt hại một cách thấp nhất. Trong những ngày qua các lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Quân sự tỉnh, Công an tỉnh Quảng Trị đã phối hợp chính quyền địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện ứng cứu, di dời người dân và tài sản, đồng thời tổ chức tìm kiếm cứu nạn.
Để người dân không chủ quan trong ứng phó với mưa lũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, huy động lực lượng tại chỗ di dời khẩn cấp người dân ở khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, nhất là vùng thấp trũng, ven sông suối đến nơi an toàn vì có nguy cơ lũ chồng lũ.
Với những vùng lũ bắt đầu rút, người dân chủ động dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, trường học, môi trường, sớm ổn định cuộc sống. Chính quyền địa phương sớm thống kê thiệt hại để tỉnh có hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại do thiên tai mưa lũ gây ra.
* 88 xã ở miền trung bị ngập
Theo báo cáo nhanh của Ủy ban Phòng chống thiên tai, tính đến 6 giờ sáng 9-10, mưa lũ làm năm người chết và tám người mất tích. Trong đó, Quảng Trị có hai người chết, sáu người mất tích; Quảng Ngãi một người chết; Gia Lai một người chết, một người mất tích; Đắk Lắk một người chết; Thừa Thiên Huế một người mất tích.
Có tổng cộng 88 xã bị ngập. Tại Quảng Bình, có 25 thôn, bản thuộc bảy xã của các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy bị chia cắt cục bộ; 50 hộ dân tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa bị ngập sâu 0,5m; các Quốc lộ 15, Quốc lộ 12, 9B, 12A bị ngập với độ sâu từ 0,5 - 1m; tỉnh lộ: 562, 559B bị ngập 1,5 - 2m gây cản trở giao thông. Hiện nước đã rút.
Tại Quảng Trị, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra ngập lụt trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, bao gồm 71 xã, phường, trong đó đặc biệt tại các huyện Hải Lăng và Triệu Phong hầu hết các xã đều bị ngập.
Tại Thừa Thiên Huế, QL49B đoạn qua huyện Phong Điền bị ngập, chia cắt nhiều đoạn, sâu nhất 0,8 - 1m; nhiều tuyến Tỉnh lộ tại các huyện Phong Điền, Nam Đông, Phú Vang, Phú Lộc ngập sâu 0,2 - 0,5m; các thôn Tam Lanh xã Lâm Đớt và Thôn A Hưa, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới bị ngập nước, cô lập.
Tại Đà Nẵng, tại huyện Hòa Vang có 8/11 xã có thôn bị ngập lũ, chủ yếu ở các vùng trũng thấp, dọc các tuyến sông; hiện nước đã xuống, còn ngập cục bộ một số điểm ở vùng trũng thấp.
Về nông nghiệp, thủy sản: 772 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (Quảng Trị 538 ha; Thừa Thiên Huế 225 ha); 32.500 gia cầm bị chết, cuốn trôi (Quảng Trị).
Về giao thông, có khoảng 30 khu vực bị sạt lở, ách tắc; một cầu tại Quảng Trị bị hỏng, 100 m đường bị sạt lở. Có 9 km bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở.
* Quảng Bình: Gần 13 nghìn ngôi nhà chìm trong nước, quốc lộ 1A bị chia cắt
Trong ba ngày qua, ở nhiều nơi tại Quảng Bình có mưa rất to; trong đó, huyện Minh Hóa là 742mm, tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh) là 618mm và xã Kiến Giang (Lệ Thủy) là 468mm. Do vậy, vùng trũng thấp của các huyện Minh Hóa, Lệ Thủy và Quảng Ninh ngập sâu. Quốc lộ 1A đoạn qua hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh ngập nhiều đoạn.
Sáng nay, nước lũ ở phía nam Quảng Bình vẫn còn lên.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN Quảng Bình, đến 9 giờ trưa nay, tỉnh Quảng Bình có 12.616 ngôi nhà bị ngập; trong đó, huyện Lệ Thủy có 7.650 hộ bị ngập nước tại các xã: Liên Thủy, Xuân Thủy, An Thủy, thị trấn Kiến Giang, Lộc Thủy, Phú Thủy, Mỹ Thủy và Hồng Thủy.
Huyện Quảng Ninh có 4.338 nhà tại 13 xã, thị trấn, trụ sở chính quyền xã Trường Sơn ngập hơn một nửa chiều cao. Tại huyện Minh Hóa, ở “rốn lũ” Tân Hóa có 550 nhà ngập sâu tới 2,5m, nhiều nhà chỉ còn nóc. Người dân chuyển sang tránh lũ trên các nhà phao.
UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo di dời khẩn cấp hàng nghìn nhân khẩu khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Trong đó, huyện Lệ Thủy đã di dời khẩn cấp 59 hộ/236 người, Tuyên Hóa di dời 148 hộ/515 người, Quảng Ninh di dời 54 hộ/95 người.
Quốc lộ 1A đoạn qua nhiều xã phía nam tỉnh Quảng Bình bị ngập, nhiều phương tiện không di chuyển được, phải vòng qua tuyến đường tránh lũ trên cát. Việc ngập Quốc lộ 1A sau khi nâng cấp cho thấy, trận lũ năm nay lớn so nhiều năm gần đây ở Quảng Bình.
Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, Trương Thanh Duẫn cho biết, dù toàn xã có hơn 500 ngôi nhà bị lũ nhấn chìm, song với kinh nghiệm “sống chung với lũ” và nhờ những nhà nổi bằng phao khá vững chãi nên bà con và tài sản có giá trị được bảo vệ an toàn. Dù nhà ở ngập sâu nhưng nước dâng tới đâu, nhà phao dâng lên đó và được cố định bằng một chiếc cọc sắt nên không bị lũ cuốn đi.
Sáng nay, nước lũ trên sông Gianh ở phía bắc Quảng Bình xuống chậm nhưng ở phía nam tỉnh, lũ vẫn đang lên. Người dân dù chủ động nhưng cũng đối phó vất vả bởi nước lên cao, gây nhiều thiệt hại về tài sản.