Miễn trừng phạt Nord Stream 2 AG: Món quà của Tổng thống Biden cho Tổng thống Putin?
Chuyến đi thăm châu Âu đầu tiên của Tổng thống Mỹ Biden, trong đó có cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga, được dư luận hết sức quan tâm, bình luận từ góc độ cạnh tranh địa chiến lược. Để góp phần cung cấp góc nhìn đa chiều, xin giới thiệu bài bình luận về Nord Stream 2 trong quan hệ Mỹ-Nga của tác giả Rebeccah Heinrichs, ngày 18/6 cho rằng việc Tổng thống Biden miễn trừng phạt Nord Stream 2 AG là 'một món quà' cho Tổng thống Nga Putin, trong đó có hai lập luận chính như sau:
Thượng đỉnh Mỹ - Nga: Cuộc gặp được trông đợi nhất trên bình diện địa chính trị năm 2021
Chính sách của Mỹ với Nga là “một phần không thể tách rời” trong một thách thức chiến lược to lớn hơn.
Hiện nay, Mỹ coi Trung Quốc là “kẻ thù địa chính trị số 1” của Mỹ, cho rằng mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là thay thế Mỹ làm cường quốc hàng đầu thế giới. Quân đội Mỹ đang tái định hướng lại các chiến lược quân sự, ưu tiên mục tiêu “ngăn chặn” Trung Quốc và chuẩn bị để thắng cuộc chiến tranh, nếu như chiến lược ngăn chặn thất bại, ở Thái Bình Dương.
Mặc dù Nga không có được quy mô quân sự, kinh tế, và ảnh hưởng ngoại giao như Trung Quốc, Nga vẫn là một cường quốc có lực lượng vũ khí hạt nhân lớn nhất, đa dạng nhất thế giới, sở hữu những tên lửa hiện đại, khả năng vũ trụ và mạng tiên tiến. Nga có thể sử dụng những khả năng đó để làm yếu, chia rẽ NATO và gây phương hại cho Mỹ. Các chiến lược gia quốc phòng Mỹ, từ tất cả các góc độ quan điểm chính trị, đều nhất trí rằng, cách lý tưởng nhất là Mỹ tìm cách “kiềm chế” hoạt động “thù địch” của Nga, thậm chí có một số hình thức hợp tác để có thể “làm yếu đi” sự tiến triển của Trung Quốc. Chính sách của Mỹ với Nga là “một phần không thể tách rời” trong một thách thức chiến lược to lớn hơn để “ngăn chặn” việc Trung Quốc “tiếm quyền” vị thế “lãnh đạo thế giới”.
Việc miễn áp dụng trừng phạt Nord Stream 2 AG là vì lợi ích quan hệ với đồng minh, trong đó có Đức.
Tổng thống Mỹ Biden cho biết việc miễn áp dụng trừng phạt công ty Nord Stream 2 AG và CEO Matthias Warnig là vì lợi ích của việc “xây dựng quan hệ với các đồng minh và đối tác ở châu Âu”.
Phát biểu tại G7, Tổng thống Biden cho rằng: Mỹ và đồng minh "đang trong cuộc cạnh tranh, không chỉ với Trung Quốc”, mà là “cuộc cạnh tranh” giữa các nền dân chủ với các chính quyền “chuyên quyền” trong thế kỷ 21 đang thay đổi nhanh chóng. Tổng thống Biden cho rằng Mỹ đang trong cuộc cạnh tranh “với Trung Quốc do Đảng Cộng sản lãnh đạo”, và với “nước Nga của Tổng thống Putin”; Mỹ sẽ “thể hiện ưu thế” của mình thông qua hợp tác với các nước ủng hộ vai trò lãnh đạo của Mỹ, tăng cường liên minh của Mỹ với châu Âu, trong đó liên minh với Đức, để giúp “ngăn chặn”, “chiến đấu nếu cần và chiến thắng” cuộc cạnh tranh. Tăng cường liên minh với châu Âu, Tổng thống Biden cần dựa nhiều vào Đức.
Hiện nay, sự chia rẽ trong liên minh Mỹ-Đức là một thực tế, trong đó có một phần nguyên nhân là giới tinh hoa Đức có chiều hướng ngả về phía Đông (phía Nga), làm rạn nứt trong NATO. Một ví dụ về ảnh hưởng của Nga với giới tinh hoa Đức là việc cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder tham gia Hội đồng Quản trị Gazprom ngay sau khi rời nhiệm sở; và hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nord Stream 2 AG. Gazprom có 51% cổ phần trong Nord Stream 2 AG. Không chỉ cựu lãnh đạo Đức. Cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon cũng tham gia Hội đồng Quản trị Zarubezneft.
Miễn áp dụng biện pháp trừng phạt Nord Steam 2 AG là “một món quà” cho Putin.
Tác giả kết luận rằng Thượng đỉnh Mỹ-Nga là một thắng lợi đối với Tổng thống Nga Putin. Tổng thống Biden không dùng từ ngữ gay gắt về Tổng thống Putin như khi mới nhậm chức, thay vào đó gọi Tổng thống Putin là “đối thủ xứng tầm”, coi nước Nga, cũng như nước Mỹ, là “cường quốc lớn”. Tổng thống Biden đã “nhượng bộ” Tổng thống Nga Putin trong vấn đề Nord Stream 2, việc miễn áp dụng các biện pháp trừng phạt Nord Stream 2 AG là “món quà” cho Tổng thống Putin./.
* Rebeccah Heinrichs là Nghiên cứu viên cao cấp Đại học Hudson, Giáo sư thỉnh giảng Đại học Chính trị thế giới (Institut of World Politics).