Miền Trung sắp đón bão lớn: Khổ chi khổ rứa...!

Miền Trung những ngày qua đã xảy ra lũ, lụt nghiêm trọng, làm nhiều người chết, bị thương và mất tích, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Rạng sang 18/10, một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại khu nhà ăn, nghỉ của công nhân Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (thuộc Quân khu 4, đóng tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) khiến 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp. 14 thi thể đã được lực lượng cứu hộ tìm thấy vào chiều cùng ngày.

Tang thương chồng tang thương bởi mới sáng cùng ngày, tại thành phố Huế mới diễn ra lễ truy điệu 13 cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong khi đi cứu hộ hàng chục công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Hiện mới tìm thấy thi thể 2 công nhân còn 15 người vẫn đang mất tích trong đống đất đá.

Tại một cuộc họp sáng 18/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nói rằng, chưa bao giờ cùng lúc chúng ta mất cùng lúc hai tướng, nhiều sĩ quan cấp cao trong quân đội, lãnh đạo chính quyền địa phương, nhà báo trong thiên tai.

Nước lũ dâng cao đã khiến cuộc sống người dân vô cùng khó khăn.

Nước lũ dâng cao đã khiến cuộc sống người dân vô cùng khó khăn.

Nhưng những đau thương, mất mát lớn trong hai vụ việc nghiêm trọng trên chỉ là một phần thiệt hại của đợt lũ lụt miền Trung lịch sử này.

Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho thấy, từ ngày 6/10 đến ngày 17/10, mưa lũ miền Trung đã khiến 64 người chết, 5 người mất tích, hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập, nhiều ha hoa màu, vật nuôi của người dân bị thiệt hại nặng nề.

Mất mát chồng lên mất mát khi ngày 18/10 mới đây, tại huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị cũng xảy ra vụ sạt lở đất ở thôn Tà Rùng, xã Húc khiến 6 người trong một gia đình bị thiệt mạng. 7 người dân ở xã Hướng Việt đi làm rẫy chưa thấy về, đoàn cán bộ, quân nhân của xã gồm 7 người tổ chức đi tìm kiếm cũng gặp nạn khiến một công an viên hi sinh, bốn người hiện chưa tìm thấy.

Đó chỉ là một số vụ điển hình mất mát to lớn về người do lũ bão. Để nói đến những thiệt hại, đau thương của người dân miền Trung trong trận lũ lụt lịch sử này có lẽ không một từ ngữ nào có thể diễn tả hết.

Đêm 17/10, rạng sáng 18/10, nước lũ dâng cao tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Có những gia đình cuộc sống đang êm ấm bỗng dưng lâm cảnh nhà tan cửa nát, sinh ly, tử biệt chỉ sau một đêm. Có những gia đình đang yên bình, chỉ sau một đêm lâm cảnh khốn cùng khi nước lũ đã cuốn trôi đi tất cả. Để bảo toàn mạng sống, người dân chỉ còn cách phá bỏ nóc nhà, tìm đường thoát thân để chờ cứu hộ.

Ngay đêm đó, trên mạng xã hội tại Quảng Trị và Quảng Bình ngập những tiếng kêu cứu của người dân khiến cả nước bồn chồn không ngủ, hướng về người dân vùng ngập lụt, cầu mong sự yên bình đến với họ. Trong những tiếng kêu cứu ấy, nhiều người không khỏi xót nhà vì nhiều gia đình nước đã ngập đến tận nóc, trong khi nhà có nhiều người già và trẻ em, tính mạng rất mong manh.

Cũng đêm qua, lực lượng chức năng các địa phương không ngủ gồng mình cứu trợ, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Lũ về quá nhanh, việc triển khai các biện pháp ứng phó “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản của Nhân dân là vô cùng cấp thiết.

Cách đây hơn một tuần lễ, bất kỳ ai cũng bị ám ảnh bởi hình ảnh một người chồng gục đầu, quỳ gối khóc gào tuyệt vọng bên dòng nước lũ cuốn trôi người vợ đang trên đường đi sinh tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thi thể người vợ ấy được tìm thấy khiến nỗi đau không thể tả xiết.

Ngày 18/10, trên mạng xã hội cùng với những lời kêu cứu là những hình ảnh ám ảnh về cuộc sống của người dân vùng lũ. Đó là hình ảnh những đứa trẻ nằm ngủ trên bè chuối, là những hình ảnh người phụ nữ cho con bú trên chiếc ghế được kê trên giường giữa mênh mông nước dù đang ở trong nhà, đó là hình ảnh cả một không gian mênh mông toàn là biển nước, chỉ lốm đốm vài nóc nhà, nước lũ đã phủ trùm lên tất cả…

Mất mát đau thương quá lớn, thiệt hại không thể kể xiết nhưng chưa dừng lại khi mới đây, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, ở ngoài khơi phía Đông Philippines đang hình thành nhiễu động, có khả năng sẽ hình hành áp thấp nhiệt đới/bão và hướng về khu vực miền Trung trong tuần tới.

Ông Khiêm quan ngại, đáng ngại nhất trong những ngày tới vẫn là tình trạng mưa lũ ở miền Trung, bởi ở các tỉnh Trung Bộ giai đoạn từ ngày 6 đến 13/10 đã xảy ra mưa rất lớn, các hồ tích thêm nước, đất đã bão hòa. Vì vậy cảnh báo nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, nguy cơ đặc biệt cao về tình trạng lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung, kèm theo đó là tình trạng ngập úng diện rộng có khả năng xuất hiện.

Bộtrưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thống thiên tai cũng cảnh báo, khả năng sẽ có áp thấp nhiệt đới/bão trong tuần tới. “Cơn bão này nếu không có gì thay đổi thì cường độ kinh khủng hơn, thậm chí hoàn lưu gây mưa lớn hơn. Hướng tuyến nếu không không thay đổi theo dự báo thì sẽ đi thẳng vào khu vực miền Trung. Đây là vấn đề hết sức quan ngại” – Bộ trưởng Cường nói.

Họa chồng lên họa, nạn chồng lên nạn, tang thương chồng tang thương, chưa bao giờ miền Trung “Khổ chi khổ rứa...!” như thế.

Việc cấp bách nhất là cứu hộ người dân để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Ảnh: Quảng trị 24h

Việc cấp bách nhất là cứu hộ người dân để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Ảnh: Quảng trị 24h

Lúc này, việc cứu hộ người dân là quan trọng nhất. Cứu hộ người dân không chỉ cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân mà phải có biện pháp sơ tán ngay người dân, tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, ngập sâu, có nguy cơ sạt lở để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Hỗ trợ người dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa; dọn vệ sinh môi trường; tiêu độc khử trùng, không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ…

Lúc này cần rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị tại những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở để đảm bảo tính mạng của người dân, cán bộ chiến sĩ, tránh để xảy ra những thiệt hại về người như đã từng trải qua.

Cả nước đang hướng về miền Trung chia sẻ những đau thương mất mát, hỗ trợ tinh thần vật chất để người dân vùng lũ với tinh thần tương thân, tương ái, lực lượng chức năng cũng đang nỗ lực hết mình triển khai những giải pháp hỗ trợ người dân vùng lũ. Đau thương mất mát của miền Trung không gì có thể diễn tả hết nhưng sự chung tay của nhân dân cả nước cùng hướng về miền Trung sẽ giúp họ vơi bớt khó khăn, khắc phục những tổn thất do thiên tai, ổn định cuộc sống.

Mời độc giả xem thêm video Bão chồng bão, lũ chồng lũ, miền Trung oằn mình

Nguồn: VTV 1

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/mien-trung-sap-don-bao-lon-kho-chi-kho-rua-1449354.html