Miền Trung sạt lở, cô lập khắp nơi
Sau 2 ngày mưa lớn liên tục, nhiều khu vực tại các tỉnh miền Trung chìm trong biển nước, nhiều nơi sạt lở nặng.
Chiều 11-10, ông Trần Văn Sương - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết lực lượng chức năng vẫn tích cực tìm anh Nguyễn Văn Nam - nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở Nhà máy Thủy điện Kà Tinh (huyện Trà Bồng) xảy ra chiều tối 10-10.
Khu vực này vẫn mưa rất lớn, nguy cơ tiếp tục sạt lở. Vụ lở núi này làm 1 tổ máy bị vùi lấp, phá hỏng mố cầu Kà Tinh và cô lập hoàn toàn 6 xã khu Tây huyện Trà Bồng, với hơn 20.000 dân.
Cũng chiều 11-10, một vụ sạt lở khác xảy ra tại xã Trà Tây, huyện Trà Bồng gây ách tắc giao thông, cô lập nhiều thôn của xã Trà Tây. Tuyến giao thông 622 và đường Di Lăng - Trà Trung có hàng chục điểm sạt lở. Hiện khu vực này tiếp tục mưa lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở núi. Nước cũng cô lập hàng ngàn người dân ở huyện Nghĩa Hành, thị xã Đức Phổ, huyện Bình Sơn của Quảng Ngãi.
Tại TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), nhiều khu dân cư ngập nặng. Đặc biệt, tại TP Hội An, mực nước lũ lúc 10 giờ sáng 11-10 ở mức 2,25 m, trên báo động III 25 cm. Rất nhiều tuyến đường trong khu phố cổ bị ngập nặng. Quốc lộ 1 qua các huyện Thăng Bình, Phú Ninh bị ngập nặng, xe máy không thể lưu thông. Các địa phương ở Quảng Nam đã chủ động di dời, sơ tán 1.237 hộ/4.276 nhân khẩu ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Tính tới chiều 11-10, Quảng Nam có 2 người chết và 1 người mất tích do mưa lũ.
Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng lực lượng dân quân, người dân xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế khẩn trương sử dụng bao đựng cát gia cố đoạn bờ biển sát múi kè An Dương 1 do sóng biển lớn gây sạt lở, xâm thực vào đất liền khoảng 10-15 m, kéo dài khoảng 500 m, đánh sập hàng phi lao phòng hộ ở bên trong. Sạt lở ăn sâu từ bờ biển vào tạo "hàm ếch" khiến rừng cây phòng hộ sụp đổ, bị nước cuốn ra phía bờ. Ông Trương Văn Giang, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, chủ đầu tư dự án kè chống sạt lở biển An Dương 1, cho biết trước mắt tại các điểm sạt lở, đơn vị phối hợp với các địa phương thực hiện phương án gia cố tạm thời.
Tại tỉnh Quảng Trị, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đoạn qua xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa) bị chia cắt vì sạt lở dài khoảng 60 m, rộng 20 m, gây tắc đường từ xã Hướng Lập nối tỉnh Quảng Bình.
Ông Đỗ Tùng Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, tỉnh Bình Định - cho biết địa phương đang tập trung lực lượng khắc phục các điểm sạt lở, bảo đảm an toàn cho người dân đi lại. Tuyến đường liên thôn ở các xã An Hòa, An Nghĩa và An Quang ngập sâu. Đặc biệt có 2 điểm sạt lở nghiêm trọng tại xã An Quang và tuyến liên thôn ở xã An Nghĩa với khối lượng đất đá sạt lở ước 500 m3.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/mien-trung-sat-lo-co-lap-khap-noi-20221011210508999.htm