Miền Trung tiếp tục có mưa rất to, chuẩn bị đón lũ
Mưa lũ từ ngày 11-10 đến nay đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân tại khu vực miền Trung. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, vài ngày tới, mưa lớn tại khu vực này còn diễn biến phức tạp.
Các chuyên gia dự báo, đêm 17-10, khu vực từ nam Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Đêm 17-10, mưa lớn ở khu vực Quảng Bình, Quảng Trị có xu hướng gia tăng; riêng khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-350mm, có nơi trên 500mm.
Ngày và đêm 18-10, khu vực từ nam Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa lớn 50-100mm, có nơi trên 150mm. Độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam ở cấp 3; nam Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định cấp 1.
Từ ngày 19 đến 25-10, mưa lớn và dông ở Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ giảm dần; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Ngoài ra, từ ngày 16 đến 18-10, trên các sông ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-8m, hạ lưu từ 1-4m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị lên mức báo động 1-2, có sông trên mức báo động 2. Các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mức báo động 2-3; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi; độ rủi ro thiên tai do lũ ở cấp 2.
Trước tình hình trên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tiếp tục triển khai Công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12-10-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó mưa lũ khu vực miền Trung; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, để chủ động, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời.
Cùng với đó, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến vùng áp thấp và mưa dông, lốc xoáy, gió giật mạnh, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, từ ngày 13 đến 16-10, mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại lớn về người và tài sản tại các địa phương.
Tính đến 8 giờ ngày 16-10, mưa lũ đã làm 2 người chết (Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế), 1 người bị thương tại Quảng Trị. Địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế ngập cục bộ một số tuyến giao thông như: Quốc lộ 49 B; Tỉnh lộ 1, 2, 4, 8A, 10A. Tỉnh Quảng Nam cũng ngập một số tuyến giao thông thuộc Quốc lộ 14 H, ĐT.615 với mức từ 0,4-1m; hiện nước đang rút chậm. Bên cạnh đó, mưa lũ đã làm ngập 146,9 ha lúa, hoa màu tại Đà Nẵng (28,1 ha), Quảng Nam (118,8 ha); thiệt hại 2,73 ha thủy sản tại Đà Nẵng. Hiện nay, các địa phương đang tổ chức ứng phó, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả và tiếp tục thống kê thiệt hại.
TTXVN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.