Miền Trung, tình người trên đỉnh lũ
Miền Trung những ngày bão lũ dữ dội này là minh chứng đẹp đẽ cho tình người đất Việt. Cả nước bên miền Trung, miền Trung vì cả nước vững lòng trụ vững trong hoạn nạn.
Miền Trung đang gồng sức chịu đựng trận lũ lụt lớn nhất trong lịch sử. Nhắc đến miền Trung, người ta không thể không nghĩ đến một dải đất hẹp thời tiết vô cùng khắc nghiệt, khi nắng chang chang, lúc mưa tầm tã, bão lũ nối nhau hoành hành. Dân nói, miền Trung không bão lũ mới là chuyện lạ nhưng mưa lụt như tháng mười năm nay thì ai cũng phải bàng hoàng, lo ngại. Những ngày vừa qua, tôi ở Quảng Trị tâm lũ, chứng kiến mưa như thác đổ xuống từ trời. Ào ào mưa. Trắng xóa mưa. Nối nhau, không dứt. Mưa dữ dội và dày đặc đến mức người đứng cách nhau dăm mét không nhìn rõ mặt. Lượng mưa trút xuống vượt ngưỡng cơn đại hồng thủy ở miền Trung năm 1999, hơn hẳn những trận lũ lụt kinh hoàng trong lịch sử của vùng đất. Nghe mưa đổ, lòng người như có lửa đốt; cánh đồng vườn tược nhà cửa nhiều vùng đã ngập chìm trong mênh mang nước bạc, lũ ống lũ quét làm lở núi toác đồi, hàng chục con người, dân có, lính có bị vùi chôn trong đó. Danh sách người chết vì lũ lụt cứ nối dài thêm, điều ấy cũng có nghĩa là nước mắt đau thương của dân mình càng đổ xuống nhiều hơn. Miền Trung mặn đắng nước mắt bi thương trong mùa lũ này.
Tôi không cầm được nước mắt khi xem clip đồng đội hú gọi đồng đội ở Rào Trăng. Có ai không? Có ai không? Một khoảnh đất đá bùn nước lổn nhổn lặng im đến rợn người. Không ai trả lời các anh cả; mười ba cán bộ chiến sĩ đi cứu nạn cứu hộ nhân dân bị mất tích tại công trình thủy điện Rào Trăng 3 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế ở đâu trong cảnh tan hoang này. Với tôi, đấy là những đêm trắng, hình ảnh hàng chục con người đang bị mất tích ở Rào Trăng trở thành nỗi ám ảnh âm u. Bật khóc khi viết ra những dòng này gửi lên facebook: Có ai không? Có ai không?/ Lặng im núi, lặng im sông/ Lặng tờ…/ Cứ như ở giữa cơn mơ / Xót lòng / Đồng đội thẫn thờ/ Gọi nhau…Trong lòng đất ướt lạnh nhão nhoét, có lẽ các anh đã thấu nghe lời gọi thống thiết của đồng đội nên đã sớm rủ nhau về, mười ba liệt sĩ của thời bình trở lại trong vòng tay ấm áp của đồng chí, đồng bào. Cuộc đoàn tụ ngập tràn nước mắt, tuôn chảy trong mưa, buồn lắm nhưng vẫn tỏa ấm tình người giữa hoạn nạn. Đi cứu nạn bị gặp nạn, bi kịch ấy được soi chiếu ở nhiều góc cạnh, thiện tâm có, ác ý có nhưng với nhân dân các anh là những chiến sĩ hi sinh anh dũng. Biết nguy hiểm vẫn không nản lòng, xông pha vào nơi nhân dân cần càng sớm càng tốt để nắm thật đúng tình hình đề xuất phương án cứu hộ tốt nhất.
Thêm một tin dữ ập đến, hai mươi hai cán bộ chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu Bốn) đóng ở Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị bị núi lở vùi lấp. Trời ơi, nỗi đau Rào Trăng chưa kịp dịu vơi lại ập vào nỗi đau Hướng Phùng, bàng hoàng, choáng váng. Tang tóc nối tang tóc, giấu sao được lòng người xót xa trĩu nặng. Bao cái chết nối dài cơn lũ lụt / biết nói sao đây, mây cũng trắng màu tang/ mùa thu ơi, lòng ta trĩu nặng / hết Rào Trăng lại đến Hướng Phùng! (Thơ NHQ)…Lại dốc sức cứu nạn, cứu hộ không chỉ một nơi mà nhiều nơi. Bộ đội, công an, dân quân…hợp lực khẩn trương từng phút, từng giờ, quên cả đói rét, mệt mỏi. Nghĩ mà thương bộ đội vô cùng, cả ngày hôm ấy cán bộ chiến sĩ Đoàn 337 đi cứu giúp đồng bào về, mệt quá có chiến sĩ để nguyên quân phục mà ngủ. Ngủ để hồi sức , sáng mai sẽ lại hành quân đến những thôn làng đang bị lũ lụt nặng. Nào ngờ, trời đánh úp các anh, bất ngờ và tàn bạo như thế, núi lở ụp xuống doanh trại chôn vùi hai mươi hai người lính đang đứng chân trên vùng biên cương Tổ quốc. Tôi đã nghe tiếng còi xe cứu thương hú liên hồi trên quốc lộ Chín ở hai chiều ngược xuôi. Những chuyến xe xuôi về thành phố Đông Hà chở thi hài các cán bộ chiến sĩ ta về tập kết tại Nhà thi đấu đa chức năng Quảng Trị. Cứ hình dung ra thân thể các anh không còn nguyên vẹn, những đôi mắt thất thần hoang hoải, những tiếng khóc ai oán của cha mẹ, vợ con, anh em, đồng đội, bè bạn của người ra đi tôi lại rưng rưng. Nghẹn thắt nỗi lòng.
Nói bao nhiêu cũng không hết nỗi đau của dân miền Trung, của cả nước trong mùa lũ năm Canh Tý nhiều bất an và cay nghiệt này. Đại dịch Covid 19 chưa tan, thiên tai lại đè lên trĩu nặng đôi vai miền Trung, nhiều gia đình trắng tay sau bao làm lụng, chắt chiu, dành dụm. Thôi, cứ lo cho mạng sống con người cái đã, người làm ra của, chạy lụt an toàn là may mắn rồi, dân tự an ủi mình. Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây. Minh triết sống của dân miền Trung, của dân Việt Nam là thế. Và còn hơn thế, cái ứng xử truyền thống rất mộc mạc mà sâu sắc này Thương người như thể thương thân. Tôi nhớ lời Phật dạy, yêu thương vô tư rồi sẽ có tất cả. Dân tộc trải qua bao cuộc chiến tranh tàn khốc, bao đận thiên tai khắc nghiệt rất hiểu điều đó, yêu thương là nền tảng đạo đức, luân lý của người Việt Nam. Tư tưởng yêu nước, thương dân như sợi chỉ hồng xuyên suốt hành trình dựng nước, giữ nước của dân tộc này. Thời nào, lúc nào, ở đâu cũng gặp tình cảm cao cả ấy. Trong hoạn nạn càng tỏa sáng, rõ nét.
Những ngày này, ta không thể không cảm động khi ca sỹ Thủy Tiên đã tự nguyện quyên góp được cả trăm tỷ đồng ủng hộ cho nhân dân miền Trung và chính thân gái mảnh mai ấy đã có mặt trên đỉnh lũ, giữa tâm lũ đi trao quà, tiền cho dân. Thủy Tiên đã truyền cảm hứng trong lành cho không ít người khác; sống là biết yêu thương, biết cho đi, biết san sẻ…Rất, rất nhiều người bình thường khác, ở ngay vùng lũ, ở khắp mọi miền Tổ quốc đang hướng về miền Trung. Họ là dân. Họ là lính. Đủ mọi tầng lớp, thành phần. Việc gì có lợi cho dân miền Trung đều hết sức làm, từ việc cứu hộ tàu bè, tìm kiếm người mất tích, nấu cơm mang đến cho bà con vùng ngập nước đến chở hàng cứu trợ cho dân gặp thiên tai. Kể cả những dòng chia sẻ, những bài thơ mang tính thời sự viết vội, công bố vội đậm đà tình nghĩa với miền Trung. Cũng làm cho dân miền đất đòn gánh cũng ấm lòng đấy ạ. Trong mấy ngày qua, nhiều chuyến xe chở hàng cứu trợ đã đến với Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh…
Một cô giáo đã về hưu ở Hà Nội, thân thiết với gia đình tôi, không giàu có gì, bấy lâu nay lặng lẽ làm việc thiện nguyện đã gửi vào tài khoản của tôi 10 triệu đồng nhờ ủng hộ cho một số gia đình nghèo ở Cam Lộ chịu hậu quả nặng nề trong đợt lũ lụt này. Bạn tôi nhắc rằng, anh giữ kín việc này cho em nhé. Có những tấm lòng vàng lặng lẽ tỏa sáng như thế. Cũng muốn nói rằng, tùy hoàn cảnh mà công khai hay bí mật công việc thiện nguyện. Một đồng công đức cũng có giá trị như một tỉ hay nhiều tỉ tiền công đức nếu cái tâm của người ủng hộ trong sáng. Giá trị của quà tặng nằm ở tấm lòng người tặng. Miền Trung những ngày bão lũ dữ dội này là minh chứng đẹp đẽ cho tình người đất Việt. Cả nước bên miền Trung, miền Trung vì cả nước vững lòng trụ vững trong hoạn nạn. Khi chúng ta sở hữu được tình yêu lớn lao sẽ đủ sức lực, đủ trí tuệ để vượt qua gian khó, dù nó lớn đến mấy. Bão đến rồi bão phải đi. Lũ tới rồi lũ phải rút. Chỉ còn tình người ở lại như một dẫn dụ về sức mạnh to lớn của sự đoàn kết dân tộc không gì có thể phá vỡ nổi.
Tôi, một đứa con miền Trung sinh ra ở cuối dòng sông Gianh, Quảng Bình. Miền Trung vừa là xứ sở, vừa là tình yêu bất tận của tôi. Và, đó cũng là lý do tôi tự nhận mình là một phần bé nhỏ của dằng dặc khúc ruột miền Trung, tôi hiểu dải đất này không chỉ ở những di sản nổi tiếng gần xa, ở những danh nhân lừng lẫy, ở khí chất không sợ khổ, chỉ sợ nhục của con người sinh ra và lớn lên ở đây mà cả khi miền Trung sống như không thể mất dẫu lũ tràn qua mặt, bão giật ngang đầu. Khi tôi viết bài này thì một cơn bão lớn đang rập rình ở biển Đông. Nếu nó tấn công vào dải đất này nữa thì sao nhỉ? Mất mát sẽ khó lường đây và tôi nghĩ chắc rất lớn. Miền Trung ơi, thương lắm miền Trung / rơi nước mắt đi qua mùa bão lũ / ai khắc khoải đợi mùa lau nhú / vẫn ân tình mỗi bát cơm chia…(Thơ NHQ)
Quảng Trị, 20/10/2020
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mien-trung-tinh-nguoi-tren-dinh-lu-n181720.html