Miễn viện phí - giấc mơ dần thành hiện thực

Cam kết miễn viện phí toàn dân khởi đầu kỷ nguyên vì hạnh phúc con người, dựa trên nền tảng cải cách hành chính và an sinh đột phá

Phát biểu hướng tới miễn viện phí toàn dân của Tổng Bí thư Tô Lâm là tín hiệu khởi đầu mạnh mẽ cho kỷ nguyên lấy con người làm trung tâm. Cam kết này càng thêm ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh cải cách hành chính quyết liệt, cho thấy quyết tâm xây dựng nhà nước kiến tạo với an sinh là nền tảng cốt lõi của hạnh phúc và tiến bộ.

Giai đoạn phát triển mới

Tổng Bí thư khẳng định con người luôn là trung tâm của mọi chính sách, và không ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển của đất nước.

Sức nặng của phát biểu ấy càng được nhấn mạnh bởi bối cảnh được đưa ra. Đó là phía sau lời hứa về một nền y tế miễn phí là một cuộc cách mạng thầm lặng nhưng sâu rộng đang diễn ra với việc tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và tái cấu trúc nền hành chính quốc gia. Mục tiêu tối thượng là giải phóng nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản trị, tập trung vào mục tiêu cao cả nhất là chăm lo đời sống người dân.

Nếu như trước đây, giấc mơ về một nền an sinh xã hội toàn diện - nơi không ai phải lo lắng về viện phí, trẻ em được đến trường không bị bỏ lại phía sau, người già được chăm sóc khi về hưu - vẫn còn là điều xa vời thì nay, giấc mơ ấy đang dần thành hình, được xây dựng bằng những bước đi vững chãi trên con đường cải cách và cống hiến không ngừng nghỉ.

Phát biểu của Tổng Bí thư còn là biểu tượng của một giai đoạn phát triển mới - nơi an sinh trở thành trọng tâm và thước đo cao nhất của một nhà nước kiến tạo, một chính quyền vì dân. Tầm nhìn này vượt xa việc giảm nghèo hay hỗ trợ khó khăn, hướng tới hành trình nâng đỡ nhân phẩm, bảo vệ nhân sinh và thúc đẩy phát triển bền vững.

Chăm sóc sức khỏe cho toàn dân, đặc biệt là miễn viện phí, chính là trung tâm của hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm quyền tiếp cận y tế bình đẳng cho mọi người dân, không phân biệt giàu nghèo hay vùng miền. Hãy hình dung một tương lai nơi người nông dân, bà mẹ đơn thân vùng cao hay cụ già neo đơn đều được chăm sóc sức khỏe đầy đủ mà không còn gánh nặng chi phí - đó chính là đạo lý, nhân cách và tình thương được thể chế hóa.

Giấc mơ này đang đến gần hơn với Việt Nam, không phải vì sự giàu có vượt bậc, mà nhờ vào việc phân bổ lại nguồn lực hợp lý, cải cách bộ máy và quan trọng nhất là sự thay đổi tư duy điều hành quốc gia, từ quản lý sang phục vụ, từ bảo trợ sang đồng hành.

Người dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội)Ảnh: NGỌC DUNG

Người dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội)Ảnh: NGỌC DUNG

Hành động cụ thể, chiến lược rõ ràng

Những năm gần đây, Việt Nam đã có hàng loạt chính sách an sinh có tính đột phá như: BHYT toàn dân đạt hơn 93%, Quỹ BHXH ngày càng mở rộng độ bao phủ, mạng lưới y tế cơ sở được củng cố. Hàng ngàn trạm y tế xã được cải tạo, đầu tư mới, cùng chương trình "thầy thuốc trẻ tình nguyện" đưa y - bác sĩ về vùng khó khăn, tất cả tạo nền móng cho hệ thống y tế công bằng, hiện đại và vì dân.

Trong bối cảnh đó, chính sách miễn viện phí không phải là một cú nhảy "đột ngột", mà là kết quả được chuẩn bị kỹ lưỡng, có cơ sở thực tiễn và nền tảng tài chính rõ ràng, đơm hoa kết trái từ mảnh đất cải cách bộ máy hành chính hiệu quả, quản lý ngân sách minh bạch, tiết kiệm và sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhìn nhận khát vọng an sinh như một cam kết đạo đức, một lời hứa với tương lai đang được thực hiện bằng quyết sách thực tiễn, lòng tin của nhân dân và quyết tâm của toàn hệ thống. Sự phát triển không chỉ đo bằng GDP, mà còn bằng nụ cười của người bệnh, bằng sự bình an của người dân. Chúng ta đang sống trong giai đoạn lịch sử mà những giấc mơ an sinh đang dần thành hiện thực thông qua hành động cụ thể, chiến lược rõ ràng và tình yêu nước chân thành, với mỗi bước cải cách bộ máy, sắp xếp trụ sở, chọn lựa cán bộ đúng người đúng việc đều góp phần đưa giấc mơ ấy đến gần hơn.

Khi giấc mơ thành hiện thực, Việt Nam có thể tự hào là quốc gia vươn mình bằng hạnh phúc của nhân dân, bước vào kỷ nguyên mới bằng trái tim và thực thi công bằng trong từng chính sách, từng cuộc đời. Đây là thời khắc chuyển mình của quốc gia, bước vào kỷ nguyên vì hạnh phúc con người - nơi con người là trung tâm, là động lực cốt lõi của phát triển.

Phát biểu của Tổng Bí thư chính là tuyên ngôn khởi đầu cho kỷ nguyên này, đánh dấu bước ngoặt tư duy từ phát triển dựa trên đại số học sang đạo lý và lòng người. Phát triển là biết chia sẻ của cải để không ai bị bỏ lại, không để người yếu thế phải chờ đợi sự thương hại hay người lao động mất tất cả vì bệnh tật. Hành trình này không dễ dàng, song Việt Nam có lợi thế là sự đồng lòng, quyết tâm chính trị mạnh mẽ và lòng tin của nhân dân.

Kỷ nguyên vì con người đang hiện hữu qua những thay đổi cụ thể, từ thủ tục hành chính qua điện thoại đến tiêm phòng miễn phí, chăm sóc sức khỏe định kỳ cho người già... Tất cả là thành quả của chặng đường kiên trì cải cách, tinh gọn bộ máy, số hóa dịch vụ công, giải phóng nguồn lực cho những điều thực sự ý nghĩa.

Một nhà nước bản lĩnh là nhà nước biết cách cải cách để dành nguồn lực cho những ưu tiên hàng đầu. Kỷ nguyên này không chỉ là công nghệ 4.0 mà còn là kỷ nguyên của lòng nhân ái, chủ nghĩa nhân văn hành động, nơi con người là mục đích, là khởi nguồn sáng tạo và bền vững.

Điều đó đang trở thành hiện thực trên từng nẻo đường Việt Nam, nuôi dưỡng khát vọng lớn hơn về một đất nước mà mỗi người dân được sống tử tế, an lành, có tương lai, với chính sách miễn viện phí là điểm khởi đầu cho hàng loạt chính sách xã hội, giáo dục, nhà ở, môi trường... được đặt lại trọng tâm một cách căn cơ và nhân bản hơn.

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về miễn viện phí toàn dân không chỉ là lời hứa chính trị mà còn là cam kết đạo đức sâu sắc, đặt con người vào trung tâm mọi chính sách.

PGS-TS BÙI HOÀI SƠN - đại biểu chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mien-vien-phi-giac-mo-dan-thanh-hien-thuc-196250413194801202.htm