Miễn visa ở khu kinh tế ven biển, lo an ninh quốc gia

Khoảng trống pháp lý trong các quy định về quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ không chỉ ảnh hưởng đến an toàn xã hội mà còn có thể bị các phần tử phản động lợi dụng

Sáng 14-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Không miễn vô điều kiện

Nêu ý kiến về Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, đề nghị cân nhắc quy định giao Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển miễn thị thực (visa) cho người nước ngoài nhập cảnh nếu đáp ứng đủ các điều kiện là có sân bay quốc tế, không gian riêng biệt, ranh giới địa lý xác định được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Theo nữ ĐB đến từ Đà Nẵng, dù dự luật có điều kiện ràng buộc là không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội nhưng quy định này không có ý nghĩa thực tiễn. Trong bối cảnh vùng biển nước ta đang bị xâm phạm nghiêm trọng thì quy định như dự thảo có thể dẫn đến nguy cơ cao hơn về sự xâm nhập của người nước ngoài núp dưới danh nghĩa du lịch.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị cân nhắc quy định miễn visa cho người nước ngoài nhập cảnh các khu kinh tế biển - Ảnh: QUANG VINH

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị cân nhắc quy định miễn visa cho người nước ngoài nhập cảnh các khu kinh tế biển - Ảnh: QUANG VINH

"Nguyên tắc tối thượng là không vì tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và các lý do kinh tế mà làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Quy định miễn thị thực cho người nước ngoài ở các khu kinh tế ven biển có thể làm tăng nguy cơ đối với quốc phòng, an ninh khi mà việc kiểm soát lưu trú và xuất cảnh còn lỏng lẻo" - ĐB Thúy cảnh báo và dẫn chứng hàng loạt hành vi sai phạm của người nước ngoài tại Việt Nam như tổ chức đánh bạc, lao động không phép, làm hướng dẫn viên cho khách nước ngoài để tuyên truyền xuyên tạc lịch sử Việt Nam...

Đồng quan điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nhận xét quy định như dự thảo là quá lỏng lẻo. Ông đề nghị đối với những người nước ngoài vào các khu kinh tế ven biển mà chứng minh được mục đích là đầu tư, lao động thì có thể miễn thị thực. Những đối tượng còn lại thì theo quy định bình thường. "Không nên miễn thị thực một cách vô điều kiện đối với những người vào các khu kinh tế ven biển" - ĐB Nghĩa nêu quan điểm.

Tránh kẽ hở cho đối tượng phản động

Tham gia thảo luận tại hội trường về Luật Sửa đổi, bổ sung điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu thực trạng có nhiều vụ sử dụng súng hoa cải, súng săn gây thương tích hoặc chết người như vũ khí quân dụng nhưng không xử lý được do chưa có quy định cụ thể. Ngoài ra, ông đề nghị cần xem xét lại điều 304 Bộ Luật Hình sự quy định về tội "Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự".

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận đang có một khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí có tính năng tương tự vũ khí quân dụng nên không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với các đối tượng có hành vi trên.

Ông Tô Lâm cho biết đây là loại tội phạm nghiêm trọng, vũ khí các đối tượng sử dụng có tính sát thương cao như súng ổ xoay, súng bút, súng tự chế bắn đạn hoa cải… Việc không thể truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.

"Không loại trừ các đối tượng phản động sẽ lợi dụng sơ hở pháp luật để chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng để hoạt động khủng bố, lật đổ chính quyền... Do đó, việc sửa điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là phù hợp, thống nhất với Bộ Luật Hình sự" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Hôm nay, 15-11, QH thảo luận ở tổ về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Năm 2020 chi ngân sách trung ương hơn 1 triệu tỉ đồng

Sáng 14-11, với 437/441 ĐB có mặt tán thành (90,48%), QH đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Theo đó, tổng thu ngân sách trung ương là 851.768.636 tỉ đồng. Tổng thu ngân sách địa phương là 660.531,364 tỉ đồng. Tổng chi ngân sách trung ương là 1.069.568.636 triệu đồng.

Đáng chú ý, chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế đã giảm so với năm trước, còn 14.600 tỉ đồng (năm 2019 là 16.200 tỉ đồng). QH cũng quyết định năm 2020 chi trả nợ lãi 115.400 tỉ đồng; chi thường xuyên 479.787.222 tỉ đồng; chi đầu tư phát triển 220.000 tỉ đồng; chi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể 55.066 tỉ đồng...

Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải cho biết có ý kiến của ĐBQH cho rằng QH và Chính phủ nên tính toán lại cân đối ngân sách, tỉ lệ để lại cho một số địa phương trong cân đối chung (đặc biệt là TP HCM).

"Đề nghị Chính phủ sớm đánh giá, tổng kết tỉ lệ điều tiết của các địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 và dự kiến xây dựng tỉ lệ điều tiết cho thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo 2021-2025, trình QH xem xét, quyết định" - ông Nguyễn Đức Hải nói.

Hà Nội sẽ không còn chính quyền cấp phường

Chiều 14-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội.

Theo dự thảo, từ ngày 1-6-2021, nhiệm kỳ 2021-2026, 177 phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây sẽ không tổ chức HĐND phường.

Cho rằng chủ trương thí điểm ở Hà Nội là hợp lý, đại biểu (ĐB) Phan Thị Bình Thuận (TP HCM) dẫn chứng việc thí điểm không tổ chức HĐND ở một số cấp tại 10 tỉnh, TP trước đây được đánh giá mang lại nhiều kết quả tốt. Do đó, Quốc hội nên cho phép thí điểm mô hình không tổ chức HĐND cấp phường, xã ở một số địa phương khác để có cơ sở so sánh, đánh giá tính hiệu quả, từ đó hoàn thiện mô hình.

Góp ý về dự thảo Nghị quyết, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) băn khoăn trong cách gọi của nghị quyết khiến người dân chưa thể hiểu rõ bản chất của mô hình thí điểm này. "Chúng ta cần nhìn thẳng vấn đề là không tổ chức cấp chính quyền phường nữa thì sẽ dễ hiểu hơn là thí điểm bỏ HĐND phường" - ĐB Hùng góp ý.

Đồng quan điểm, ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) đề nghị điều chỉnh tên của nghị quyết là Thí điểm không tổ chức cấp chính quyền địa phương tại các phường thuộc quận, thị xã tại TP Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết việc tổ chức lại mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội là có 2 cấp: TP và quận. "Theo dự thảo, phường sẽ không phải là cấp chính quyền chứ không phải bỏ HĐND. Như vậy, cấp phường không phải là cấp chính quyền mà là đơn vị hành chính trực thuộc cơ quan hành chính cấp trên là quận" - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân giải thích.

Thảo luận về dự thảo nghị quyết, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề xuất khi thực hiện mô hình thí điểm, phải tiếp tục đề cao hoạt động giám sát, thanh kiểm tra của cấp ủy cũng như công tác giám sát của MTTQ, đoàn thể. "Chính phủ và MTTQ nên có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với công tác giám sát, phản biện ở những nơi không có tổ chức HĐND phường để đáp ứng yêu cầu của nhân dân trong việc giám sát, kiểm sát quyền lực của nhà nước" - ông Hiểu kiến nghị.

Minh Chiến

VĂN DUẨN - NGUYỄN HƯỞNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/mien-visa-o-khu-kinh-te-ven-bien-lo-an-ninh-quoc-gia-20191114214945915.htm