Miệt thị ngoại hình: Phản cảm hay vạ miệng?

'Hành động vạ miệng mang tính miệt thị ngoại hình thì khó có thể chấp nhận và hành động ấy sẽ tạo nên làn sóng tẩy chay từ công chúng', Thạc sỹ Ngô Hương Giang nhìn nhận.

Thạc sỹ Ngô Hương Giang đưa ra quan điểm về những sự việc miệt thị ngoại hình diễn ra gần đây.

Thạc sỹ Ngô Hương Giang đưa ra quan điểm về những sự việc miệt thị ngoại hình diễn ra gần đây.

Một thực trạng đáng buồn vẫn đang tồn tại trong cuộc sống đời thường ở mọi quốc gia trên thế giới, đó là nạn miệt thị ngoại hình - body shaming. Trước những hành vi miệt thị công khai xuất hiện tràn lan, mới đây, PV Báo Đại Đoàn Kết đã liên hệ với Thạc sỹ Ngô Hương Giang - một người chuyên nghiên cứu về văn hóa nghe anh giải đáp về những khía cạnh của những sự việc xoay quanh vấn đề này.

PV: Mới đây, phát ngôn của ông Nawat Itsaragrisil, Chủ tịch Miss Grand International (Hoa hậu Hoa bình Quốc tế) về nhược điểm hình thể của Hoa hậu Đoàn Thiên Ân khiến đông đảo khán giả Việt bức xúc. Nhiều người cho rằng, đây là hành động "body shaming" đáng lên án. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?

Hành động công khai miệt thị ngoại hình của Chủ tịch Miss Grand cũng đáng bị lên án. Ảnh: MXH.

Hành động công khai miệt thị ngoại hình của Chủ tịch Miss Grand cũng đáng bị lên án. Ảnh: MXH.

Thạc sỹ Ngô Hương Giang: "Body shaming" hay còn được hiểu là “miệt thị ngoại hình” - một khía cạnh của “sự phân biệt chủng tộc” đáng bị lên án từ bất cứ ai và ở bất cứ nơi đâu, nhất là hành động đó lại được phát xuất từ một người có tầm ảnh hưởng như Chủ tịch Miss Grand International.

“Miệt thị ngoại hình” thường chỉ xuất hiện trong xã hội “man dã” (hoặc trong xã hội chiếm hữu nô lệ), nơi mà một người da trắng từng đối xử với người da màu trong thời kỳ trung đại chứ không thể tồn tại trong xã hội hiện đại khi mà con người đạt đến đỉnh cao của bình quyền cũng như trí tuệ nhân văn.

Một cuộc thi sắc đẹp có ảnh hưởng lớn với thế giới như Miss Grand International – nơi không chỉ tôn vinh các giá trị thẩm mỹ mà còn tôn vinh giá trị nhân bản thì bất cứ sự “kỳ thị” nào cũng đều không phù hợp và không thể chấp nhận.

Trấn Thành mới đây cũng gây tranh cãi vì miệt thị công khai ngoại hình của Đức Phúc.

Trấn Thành mới đây cũng gây tranh cãi vì miệt thị công khai ngoại hình của Đức Phúc.

Không chỉ đến Thiên Ân, nạn body shaming vốn đã xuất hiện từ lâu, Trấn Thành mới đây cũng miệt thị công khai ngoại hình của Đức Phúc. Anh nghĩ sao về việc này?

Một nghệ sĩ nổi tiếng, có ảnh hưởng xã hội như Trấn Thành lại có những phát ngôn mang tính miệt thị đồng nghiệp của mình thì khán giả khó có thể chấp nhận. Việc Trấn Thành thường xuyên “vạ miệng” trên báo chí truyền thông không phải là chuyện hiếm gặp, nhưng vạ miệng mang tính miệt thị thì khó có thể chấp nhận và hành động ấy sẽ tạo nên làn sóng tẩy chay từ công chúng.

Vậy nguồn cơn của body shaming – miệt thị ngoại hình từ đâu mà có?

Tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính xuất hiện nạn “miệt thị ngoại hình”:

Thứ nhất, tư tưởng “xem mình là trung tâm thế giới” của những quốc gia thuộc Tây Âu, châu Mỹ đã khiến “sự phân biệt chủng tộc” đối với các nước “ngoại vi” trở nên gay gắt và thường xuyên. Trong sự phân biệt nói chung ấy thì sự phân biệt về màu da, chủng tộc và trí tuệ là sự phân biệt kinh khủng nhất.

Thứ hai, do hậu quả của lịch sử để lại. Những quốc gia ở Âu – Mỹ thường trải qua giai đoạn “chiếm hữu nô lệ”, ở đó đẳng cấp, vị thế của những người “da trắng” chiếm vị trí thượng phong trong xã hội với người “da màu”. Mặc dù các quốc gia thuộc vị trí địa lý này đã ban hành cả bộ luật về “chống phân biệt chủng tộc”, kèm với đó là sự tuyên truyền sâu rộng của chính quyền. Tuy nhiên những tàn dư của lịch sử ấy vẫn còn ảnh hưởng nặng nề trong nếp nghĩ, lối sống văn hóa của những người thuộc các quốc gia trên. Do đó chỉ cần khi có điều kiện thì những nếp nghĩ, lối sống ấy sẽ vô thức chuyển hóa thành hành động.

Hành động miệt thị ngoại hình của Mr. Nawat khiến công chúng phẫn nộ. Ảnh: MXH.

Hành động miệt thị ngoại hình của Mr. Nawat khiến công chúng phẫn nộ. Ảnh: MXH.

Mang ngoại hình ra để miệt thị lẫn nhau, liệu có khi nào những lời nói chỉ là sự bông đùa?

Tôi cho rằng miệt thị là một thái độ thuộc về nhận thức. Khi trong nhận thức của một hoặc một nhóm người đã xác lập đẳng cấp của mình so với người khác hoặc nhóm người khác thì sự biểu hiện ra bên ngoài không chỉ là lời nói, mà nhiều khi còn là hành động. Gần đây nhiều tờ báo, kênh truyền thông đã phản ánh sự việc người dùng Facebook có thái độ miệt thị gay gắt về ngoại hình của một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội chỉ vì bạn nữ này trước đó đã giải phẫu thẩm mỹ. Những bức hình trước khi giải phẫu và sau khi giải phẫu thẩm mỹ của bạn nữ ấy đã trở thành tâm điểm bình luận, kèm theo thái độ gay gắt là những comment phản cảm, tục tĩu. Tất cả đều xuất phát từ sự chủ quan, cảm tính trong phán xét mang tính “kỳ thị”.

Theo anh, những phát ngôn miệt thị ngoại hình sẽ gây tổn thất ra sao cho người lắng nghe?

Tôi cho rằng chắc chắn sẽ để lại sự tổn thương tâm lý kéo dài đối với người bị miệt thị và tạo ra sự phản cảm, bức xúc đối với những người nghe có lương tri. Người khiếm khuyết về ngoại hình vốn đã rất khó để hòa nhập với cuộc sống, nhất là những người có ý chí vượt qua khiếm khuyết cơ thể, biến mặc cảm tự ti trở thành động lực sống, làm việc cống hiến cho xã hội thì sự “miệt thị” ác ý của ai đó có thể sẽ khiến cánh cửa tương lai của họ bị đóng lại, thậm chí nhiều vụ việc quyên sinh đau lòng đã xảy ra cũng chỉ bởi vì miệt thị ngoại hình.

Thực tế, đã đến lúc, mỗi người cần chung tay để dẹp nạn miệt thị ngoại hình - body shaming.

Thực tế, đã đến lúc, mỗi người cần chung tay để dẹp nạn miệt thị ngoại hình - body shaming.

Theo anh, muốn dẹp nạn body shaming trong Showbiz nói riêng và ở xã hội nói chung, chúng ta cần làm gì?

Thứ nhất, các cơ quan chức năng cần phải luật hóa kèm theo các chế tài thật nặng đối với các hành vi “phân biệt chủng tộc” nói chung, miệt thị ngoại hình nói riêng.

Thứ hai, các đơn vị báo chí truyền thông cần có tiếng nói gay gắt lên án vấn nạn miệt thị ngoại hình này.

Thứ ba cần nâng cao giáo dục nhận thức về ảnh hưởng tiêu cực của việc phân biệt chủng tộc nói chung và vấn nạn miệt thị ngoại hình nói riêng trong nhà trường và xã hội.

Thứ tư rất cần thiết có những diễn đàn công khai, hoặc hội nhóm công khai cùng nhau thảo luận, phát hiện các hành vi miệt thị ngoại hình, để từ đó lên án, tẩy chay đối với những phát ngôn hay hành động body shaming của các nghệ sĩ.

Martin Luther King - Người đã chiến đấu không mệt mỏi chống lại chế độ phân biệt chủng tộc ở Mỹ đã từng có một “giấc mơ giản đơn” là: “Tôi mơ rằng sẽ có một ngày bốn đứa con của mình được sống trong một quốc gia, nơi chúng không bị đánh giá bởi màu da, mà được công nhận bởi phẩm cách của chúng”. Vì vậy, giá trị của một con người nằm ở phẩm cách, đạo đức của họ chứ không nằm trên màu da và mái tóc. Và giá trị của một nghệ sĩ là “sống cần có một tấm lòng” chứ không phải là ánh hào quang lung linh của lớp trang điểm. Cũng tương tự như vậy, giá trị của một cuộc thi sắc đẹp là tìm ra người truyền cảm hứng sống tích cực, nhân văn cho xã hội.

Vân Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/miet-thi-ngoai-hinh-phan-cam-hay-va-mieng-5701053.html