Miếu Tây Đà Phố - di tích có bề dày lịch sử
Căn cứ vào các tài liệu và thư tịch cổ thần tích, bia ký, sắc phong, miếu Tây là nơi thờ hai vị tướng Trương Uy và Trương Diệu, có công đánh giặc Lương vào thế kỷ VI, thời tiền Lý.
Địa danh Đà Phố (nay thuộc xã Hồng Phúc, huyện Ninh Giang) là nơi diễn ra nhiều sự kiện cách mạng quan trọng. Nơi đây còn là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với những di tích lịch sử như miếu Tây, miếu Đông, đình Đà Phố, chùa Khánh Linh… Tiêu biểu trong số đó là miếu Tây - một di tích lịch sử văn hóa gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử cách mạng.
Căn cứ vào các tài liệu và thư tịch cổ thần tích, bia ký, sắc phong, miếu Tây là nơi thờ hai vị tướng Trương Uy và Trương Diệu, có công đánh giặc Lương vào thế kỷ VI, thời tiền Lý. Trương Uy và Trương Diệu là hai người con trai của Trương Quang Công và Hồng Nương, quê tại xã Tiên Tích, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Được cha mẹ nuôi dưỡng chu đáo và cho đi học, khi 5 tuổi, Trương Uy và Trương Diệu đã hiểu âm luật. Đến tuổi trưởng thành, Trương Uy và Trương Diệu càng chăm chỉ đèn sách học hành, gắng sức lập công danh, anh thì văn chương quán triệt, em thì võ nghệ tinh thông. Khi Nhà Lương đem quân sang xâm chiếm, nghe tin Triệu Việt Vương phát hịch chiêu dụ anh tài hào kiệt khắp nơi ra trận đánh giặc, cứu nước, hai anh em liền về triều ứng thí. Thấy hai anh em đều tài giỏi, Việt Vương phong cho Trương Uy làm Tả đô đốc Uy tướng quân, Trương Diệu làm Hữu đô đốc Diệu tướng quân. Anh em chia đường cùng đánh quân Lương, chém được tướng giặc là Dương Sàn, quân Lương đại bại. Trở về, Triệu Việt Vương ban cho hai anh em hưởng thực ấp tại xã Vũ Xá (nay là thôn Đà Phố, xã Hồng Phúc), miễn binh lương, thuế khóa cho hương Vũ Xá, cho hai anh em khi sống thì hưởng lộc, hóa (mất) làm miếu thờ tự tại đây.
Để tưởng nhớ công ơn của Trương Uy và Trương Diệu, lễ hội truyền thống tổ chức vào ngày 15.11 (âm lịch) hằng năm. Trước đây di tích thuộc thôn Đà Phố, tổng Đà Phố, huyện Ninh Giang. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), do điều chỉnh địa giới nên Đà Phố trở thành một bộ phận của xã Hồng Phúc. Xã này ngày nay gồm 3 thôn: Đà Phố, An Lãng và Phụ Dực. Do thôn Đà Phố có hai ngôi miếu, một ở phía tây, một ở phía đông của làng nên để phân biệt, di tích ở phía tây nhân dân gọi là miếu Tây, di tích ở phía đông gọi là miếu Đông.
Miếu Tây là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân thôn Đà Phố. Di tích xưa được khởi dựng từ khá sớm, trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX), tọa lạc trên một gò đất cao giữa cánh đồng của làng. Theo thuyết phong thủy, di tích nằm trên thế đất hình con rồng, đầu rồng là gò đất gần miếu Đông. Tháng 3.1950, thực dân Pháp càn vào làng đã đốt toàn bộ miếu. Năm 1975, miếu Tây được nhân dân địa phương khôi phục lại trên cơ sở kế thừa kết cấu khung vì của ngôi miếu Đông. Hiện nay, công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 3 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Cách miếu một khoảng sân rộng về phía trước là ao lớn. Phía bắc và phía nam giáp cánh đồng của thôn, phía đông giáp đường.
Từ xa nhìn lại, ngôi miếu cổ kính, ẩn hiện dưới tán lá xanh của hai cây đa cổ thụ. Tòa tiền tế xây bít đốc bổ trụ, kết cấu khung vì được thiết kế theo kiểu kẻ chuyền chồng chóp xen lẫn giá chiêng. Lòng mái mở rộng theo thức thượng tứ, hạ ngũ. Toàn bộ ngôi miếu được trụ vững bởi 8 cây cột cái (đường kính 27cm) và 8 cây cột quân (đường kính 20cm). Liên kết ngang là hệ thống xà, hoành được bào soi vỏ măng chu đáo. Hệ thống bẩy hiên chạm nổi đề tài lá lật, lá hóa long, riêng hai bẩy trung tâm chạm nổi đôi rồng thời Nguyễn với tư thế đầu ngẩng cao theo kiểu bong kênh khá đẹp.
Bài trí thờ tự tại miếu Tây thể hiện sự cân đối, trang trọng và tập trung tại hậu cung. Chính giữa có khám và tượng thờ thành hoàng Trương Uy, Trương Diệu. Tượng chất liệu gỗ do nhân dân mới cung tiến năm 2000. Tượng Trương Uy tạc kiểu chân dung thể khối ở tư ngồi trong ngai, phỏng theo phong cách tượng thời Nguyễn. Hai chân để xuôi, tay phải đặt trên đùi, lòng bàn tay úp xuống. Khuôn mặt sáng quắc thước, mắt nhìn thẳng, miệng hơi mỉm cười. Tượng Trương Diệu cũng được tạc giống tượng Trương Uy, chỉ khác tay phải cầm bút, phía trước là bộ tam sự gồm đỉnh hương và hạc thờ.
Tọa lạc trên quê hương Đà Phố, di tích miếu Tây còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng của địa phương và huyện Ninh Giang anh hùng. Năm 1944, miếu Tây là nơi liên lạc và hoạt động của Việt Minh, tuyên truyền vận động nhân dân chống Nhật. Ngày 15.11.1945, đồng chí Nguyễn Khoái được Tỉnh ủy Hải Dương phái về miếu Tây, tổ chức kết nạp vào Đảng 3 đồng chí Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Duy Thân, Hoàng Văn Bật, chi bộ này là tiền thân của Đảng bộ xã Hồng Phúc, chi bộ được thành lập sớm nhất huyện Ninh Giang. Ngày 15.10.1946, Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Giang lần thứ nhất được tổ chức tại miếu Tây với 30 đại biểu tham dự. Đại hội được đón đồng chí Nguyễn Chương, Xứ ủy Bắc Kỳ về dự và chỉ đạo.
Năm 2000, Huyện ủy, UBND huyện Ninh Giang xây dựng nhà bia lưu niệm tại miếu Tây về các sự kiện nói trên, để thế hệ đời sau học tập và giữ gìn. Căn cứ vào giá trị lịch sử của di tích, năm 2005, miếu Tây Đà Phố đã được xếp hạng cấp tỉnh.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/mieu-tay-da-pho---di-tich-co-be-day-lich-su-166571