MiG-17 ra đời đầu thập niên 1950 dựa trên biến thể MiG-15 đã thành công trước đó. .
Tiêm kích MiG-17 được phát triển và trang bị hàng loạt từ năm 1951. Trong khi sản xuất, máy bay được cải tiến và sửa đổi nhiều lần.
Điểm mới là ứng dụng cánh cụp xuôi về phía sau với hình dạng 45 độ gần cánh chính và 42 độ so với phần bên ngoài cánh.
Nhờ những tiến bộ kỹ thuật mới nên vận tốc của MiG-17 cao hơn MiG-15 gần 50 km/h, tốc độ leo cao và bổ nhào cũng tốt hơn hẳn MiG-15.
MiG-17 căn bản có nhiệm vụ chiến đấu ban ngày và sử dụng hiệu quả nhất trong hoạt động chống lại máy bay địch.
Loại máy bay này cũng có thể được dùng làm máy bay chiến đấu-ném bom, nhưng trọng lượng bom bị coi là nhỏ so với những loại máy bay chiến đấu khác cùng thời.
Ngoài Liên Xô, MiG-17 cũng được chế tạo theo giấy phép tại Ba Lan và Trung Quốc
Với mục đích được thiết kế để bắn hạ máy bay ném bom của Mỹ, tuy nhiên việc Mỹ liên tục đưa vào biên chế các loại máy bay ném bom có tốc độ siêu âm khiến nhiệm vụ của MiG-17 trở nên khó khăn.
Tuy thế, những chiếc MiG-17 khi được trang bị cho Việt Nam lại gây bất ngờ lớn.
MiG-17 có mặt trong biên chế của Không quân Việt Nam từ năm 1965.
Với khả năng bẻ ngoặt còn nhỉnh hơn cả MiG-21, những chiếc MiG-17 đã làm người Mỹ bàng hoàng khi chúng có thể hạ máy bay tiêm kích bom F-105 vốn nổi trội hơn nó rất nhiều.
Theo thống kê, từ năm 1965 đến 1972 những chiếc MiG-17 đã bắn rơi 11 chiếc F-8, 16 chiếc F-105, 32 chiếc F-4, 2 chiếc A-4, 7 chiếc A-1, 1 chiếc C-47, và cả trực thăng lẫn máy bay không người lái.
Đây là kết quả đáng ngưỡng mộ cho một chiếc tiêm kích chỉ trang bị có 3 khẩu pháo làm vũ khí chính, với cơ số đạn hết sức hạn chế.
So với các máy bay thế hệ mới của Mỹ thì MiG-17 thua kém về tất cả mọi mặt, từ tầm bay, trần bay, vận tốc, khả năng trang bị vũ khí, cho tới radar điều khiển hỏa lực.
Tốc độ tối đa của MiG-17 là 1.120km/h, trần bay là 15,8km, một tốc độ khá chậm nếu so với các máy bay chiến đấu đa năng hiện đại của Mỹ thời đó như F-4 hay F-105
Máy bay chỉ được trang bị 3 pháo 23mm, 2 trái bom và không có tên lửa không đối không, trong khi đối thủ là những máy bay Mỹ cùng thời đã được trang bị tên lửa.
Thế nhưng bằng sự quả cảm cùng mưu trí, những phi công MiG-17 Việt Nam đã làm nên huyền thoại cho dòng máy bay này.
Với bản lĩnh của phi công Việt Nam, tiêm kích MiG-17 tưởng như lạc hậu đã diệt gọn những chiến đấu cơ hiện đại nhất của Mỹ thập niên 1970.
Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy, người từng điều khiển tiêm kích MiG-17 bắn rơi 7 máy bay Mỹ.
Ông là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp Ace, danh hiệu có từ Thế chiến II dành cho những phi công quân sự hạ từ 5 máy bay đối phương trở lên, cũng là một trong ba người đạt đẳng cấp Ace chỉ với tiêm kích MiG-17.
Trong một bài viết trên trang History Net, Carl O. Schuster, cựu sĩ quan hải quân Mỹ, kể về cuộc chạm trán giữa biên đội máy bay của không quân và hải quân Mỹ với biên đội tiêm kích MiG-17 của Không quân Nhân dân Việt Nam ngày 3/4/1965.
"Không ai phát hiện hai chiếc MiG-17 bay thấp tiếp cận các tốp máy bay Mỹ đang chuẩn bị tập kích cầu Hàm Rồng vào ngày 3/4/1965 cho đến khi chiếc F-8E của thiếu tá hải quân Spence Thomas bị trúng đạn pháo 23 mm của phi công Phạm Ngọc Lan khai hỏa ở khoảng cách 200 m", Schuster viết.
Việt Nam nhận bàn giao khoảng hơn 90 tiêm kích MiG-17 trong chiến tranh, 30 máy bay vẫn được sử dụng tới năm 1980 mới chính thức loại biên.
Dù những chiếc Mig-17 của Không quân Việt Nam đã được nghỉ hưu từ lâu, một số yên vị trong bảo tàng nhưng những chiến công oanh liệt sẽ còn lưu danh mãi mãi.