MiG 21 số hiệu 4324 - huyền thoại bầu trời ám ảnh phi công Mỹ
Từ khi được biên chế vào lực lượng Không quân Việt Nam, máy bay tiêm kích MiG 21, số hiệu 4324 đã trải qua quyền điều khiển của 9 phi công, bắn rơi 14 máy bay địch.
Đây có thể nói là chiếc máy bay may mắn và anh hùng. Từ khi vào Việt Nam, MiG 21, số hiệu 4324 đã được 9 phi công lái chiến đấu, bắn rơi 14 máy bay địch. 8/9 phi công được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi lái chiếc máy bay này. Với thành tích đó, nhiều phi công Mỹ gọi chiếc máy bay này là “thần chết” của bầu trời, hình thành huyền thoại về một nỗi khiếp sợ của không quân Mỹ trong mỗi trận không chiến khi đối mặt với MiG trên bầu trời Việt Nam.
Nguồn gốc 14 ngôi sao trên mũi máy bay
Nói về chiếc may bay Mig 21, số hiệu 4324, một cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tự hào, đây là chiếc máy bay nhiều sao nhất của Không quân Nhân dân Việt Nam. 14 sao là biểu tượng cho 14 chiến công oanh liệt bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời Việt Nam.
Về nguồn ngốc của biểu tượng ngôi sao in trên mũi máy bay, phải kể đến thời gian khoảng 1966 – 1967 khi Bác Hồ thăm một đơn vị không quân. Trong buổi gặp gỡ thời gian đó, Bác đề nghị mỗi phi công nếu bắn rơi được 1 máy bay Mỹ thì được tặng một huy hiệu của Người và gắn 1 ngôi sao trên mũi của chiếc máy bay đó, nếu bắn rơi 2 máy bay địch thì được in 2 sao...
Kể từ đó, những chiếc én bạc của không quân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, lập công oanh liệt đều được in hình ngôi sao trên mũi máy bay.
Chiếc MiG 21, số hiệu 4324 màu bạc, kiểu F94, 1 động cơ phản lực P11 – 300, kiểu máy bay chiến đấu 1 chỗ ngồi có trần bay thực tế 22km, trọng lượng cất cánh lớn nhất 9,8 tấn, được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam năm 1967. So với các máy bay cùng thời như F4, F105 của Mỹ thì Mig 21 thua kém hơn về vũ khí, rada, tầm hoạt động... chỉ nhỉnh hơn đối phương ở tốc độ bay.
Nhưng theo đánh giá của một số thợ chuyên sửa chữa máy bay Mig thì chiếc Mig 21, số hiệu 4324 có máy móc thuộc loại tốt trong không quân Việt Nam thời đó. Nhờ thế mà nó có thể xuất hiện giữa đội hình địch, tấn công bất ngờ và thoát ly trong nháy mắt như bóng ma.
16 lần xạ kích, 14 lần hạ máy bay Mỹ
Theo Hồ sơ hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thì chiếc Mig 21, số hiệu 4324 đã lập nhiều chiến công, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bẻ gãy nhiều đợt không kích của máy bay Mỹ khi quân đội Mỹ sử dụng không quân và không quân Hải quân đánh phá miền Bắc lần thứ nhất.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc , Không quân Việt Nam đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, thuộc 19 chủng loại gồm cả pháo đài bay B52, trong đó có chiến công của chiếc MiG 21, số hiệu 4324. Chỉ trong năm 1967, 9 phi công thuộc Trung đoàn không quân số 921 lần lượt thay nhau lái chiếc 4324 tham gia không chiến, bắn rơi 14 máy bay Mỹ các loại.
Hồ sơ bay của chiếc Mig 21, số hiệu 4324 ghi: “Ngày 30.04.1967, phi công Lê Trọng Huyên lái máy bay 4324 bình tĩnh, dũng cảm bắn rơi 1 chiếc F105, mệnh danh “Thần sấm” trên bầu trời tỉnh Bắc Thái, mang về ngôi sao đỏ đầu tiên cho máy bay Mig 4324...
Đến ngày 17/12/1967, đánh dấu chiến thắng oanh liệt nhất của MiG 4324 do phi công Vũ Ngọc Đỉnh và Nguyễn Đăng Kính thay nhau lái lần lượt đối mặt với 32 chiếc F105 và F4 của địch trên hành trình tiếp cận ném bom Hà Nội và bắn rơi 2 chiếc “thần sấm” F105. Hai ngày sau, 19.12.1967, phi công Nguyễn Đăng Kính tiếp tục đối đầu với biên đội F4 và F105 trên bầu trời Tam Đảo, bắn rơi 1 chiếc F4, đánh dấu ngôi sao thứ 14 trên mũi”.
Đáng nói là xác suất tiêu diệt mục tiêu của chiếc Mig 21, số hiệu 4324 cao nhất lực lượng không quân tiêm kích Viêth Nam thời điểm đó. Cụ thể, trong năm 1967, chiếc 4324 đã gặp địch 22 lần, xạ kích 16 lần và tiêu diệt 14 máy bay Mỹ. Có 8/9 phi công lái chiếc 4324 được phong Anh hùng. Có người đã 2 lần bắn rơi máy bay địch gồm có phi công Lê Trọng Huyên, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Đăng Kính.
Hiện, phi công Nguyễn Văn Lý, người đã lập công xuất sắc bắn rơi máy bay Mỹ trên chiến đấu cơ 4324 cũng đang được đề nghị Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Nếu đề nghị này được chấp thuận thì cả 9 phi công đã lái chiếc 4324 năm 1967 đều là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Kể lại sự kiện bắn rơi máy bay Mỹ trong “Chiến tranh cục bộ” trong hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân cho biết: “Ngày 4.05.1967, tôi được lệnh điều khiển MiG 21, số hiệu 4324 xuất kích nhiều lần và bắn rơi 1 chiếc F105 của Mỹ trên bầu trời Tuyên Quang, hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Đến ngày 18.11.1967, tôi và anh Cốc xuất kích, đối mặt với biên đội gồm 4 tiêm kích F4 và 12 chiếc F105 của Mỹ ở phía Tây Phúc Thọ.
Nhận mệnh lênh chiến đấu, biên đội MiG của ta phối hợp chia tách đội hình địch, chiếc 4324 của tôi lại bắn cháy thêm một máy bay Mỹ”.
Đây là biểu tượng của tinh thần bách chiến bách thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau những chiến công oanh liệt, ngày 07.12.1974, máy bay Mig 21, số hiệu 4324 đã được Trung đoàn không quân số 921 bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để làm hiện vật trưng bày,
Biểu tượng giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí anh hùng cách mạng đối với các thế hệ người Việt Nam.
Ngày 14.01.2015, máy bay này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia.
“Cách đây vài năm, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã mời những nhân chứng lịch sử đến đây để họp mặt. Trong số đó, nhiều người đã trực tiếp lái máy bay Mig 21 số hiệu 4324 và kể lại những thời khắc cam go khi đối mặt với quân địch. Đây là những tư liệu quý giá, chứng minh cho tinh thần chiến đấu bất tử của quân và dân ta”. Thiếu tá Hoàng Trung Hiếu, người trực tiếp thu thập hồ sơ hiện vật, phòng Kiểm kê Bảo quản hiện vật cho biết.
Theo: VTC New