Tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 Foxhound của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga gần đây đã được nhìn thấy mang theo một loại tên lửa rất lạ mắt, chưa từng được nhìn thấy trước đây.
Dựa trên những hình ảnh từ lần thử nghiệm đầu tiên, có nhiều dự đoán cho rằng đây là một loại tên lửa đạo đạo chống vệ tinh được Nga khôi phục lại từ tên lửa 79M6 thuộc chương trình Ishim ra đời từ thời Liên Xô.
Đáng tiếc là do phát sinh khó khăn liên quan đến kinh phí, dự án chế tạo vũ khí chống vệ tinh Ishim với tên lửa 79M6 bị hủy bỏ trước khi bước vào giai đoạn thử nghiệm ban đầu, cho dù Liên Xô khi đó đã hoán cải 2 chiếc MiG-31D làm phương tiện mang phóng.
Tuy nhiên trong năm 2009, Tướng Alexander Nikolayevich Zelin - Tư lệnh Không quân Nga xác nhận họ đang hồi sinh chương trình vũ khí không gian mới dựa trên tên lửa 79M6 và vẫn dùng nền tảng tiêm kích đánh chặn MiG-31.
Một số nguồn tin giấu tên thậm chí còn cho biết, trong giai đoạn 2009 - 2010, quân đội Nga đã phân bổ kinh phí cho chương trình và dự án có thể đã bí mật tái khởi động vào năm 2012 và thành phẩm chính là quả tên lửa bí ẩn nói trên.
Mặc dù vậy, lại có một nhận định khác mang đầy tính táo bạo, đó là quả tên lửa này không phải vũ khí chống vệ tinh 79M6 mà thực chất là một quả tên lửa đạn đạo tầm trung phiên bản phóng từ trên không.
Xét đến thực tế khi Nga đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) thì việc tiến hành chế tạo một loại tên lửa đạn đạo không đối đất mới nhằm vươn xa hơn tầm bắn 2.000 km của Kh-47M2 Kinzhal cũng là điều hợp lý.
Ngoài ra hiện tại Nga còn triển khai được cả một phi đội tiêm kích MiG-31K đã gia cố khung thân để mang theo tên lửa hạng nặng, cho nên điều kiện để đánh giá thử nghiệm vũ khí mới vào lúc này có nhiều thuận lợi hơn so với thời Liên Xô.
Theo giới chuyên gia, nếu như đây không phải tên lửa chống vệ tinh mà thực sự là tên lửa đạn đạo không đối đất tầm trung thì nó có thể vươn tới cự ly trên 5.000 km, tức là gấp hơn 2 lần Kh-47M2 Kinzhal.
Nhưng để đạt được cự ly tác chiến này thì gần như chắc chắn vận tốc của tên lửa sẽ không thể cao tới Mach 10 như Kh-47M2 Kinzhal mà phải hạ xuống còn khoảng một nửa để giảm tiêu hao nhiên liệu.
Bên cạnh đó, điều kiện phóng của tên lửa mới có lẽ cũng không phức tạp như khi tiêm kích MiG-31K triển khai Kh-47M2 đó là duy trì độ cao 20 km và vận tốc giữ ở mức Mach 2.
Trong lúc này Nga chưa đưa ra tuyên bố chính thức về những suy đoán trên, theo “truyền thống” của Moskva thì có thể vũ khí này vẫn chưa hoàn thiện chứ không phải họ tránh “đánh động” tới phương Tây.
Một ý kiến khác cũng cần được xem xét, đó là quả tên lửa bí ẩn trên chính là tên lửa hành trình siêu thanh thế hệ mới Kh-95 vừa được giới chức quân sự Nga tiết lộ.
Nếu thực sự như vậy thì vũ khí mới sẽ được trang bị cho cả tiêm kích chiến thuật chứ không chỉ dành cho máy bay ném bom chiến lược như suy đoán ban đầu.
Bạch Dương