Trong một cuộc phỏng vấn công khai với giới truyền thông mới đây, Chủ tịch công ty quân sự tư nhân Wagner (Wagner PMV) của Nga, ông Prigozhin cho biết, sẽ mất khoảng 10 ngày nữa (tức là vào đầu tháng Năm), để bề mặt đất của khu vực Bakhmut khô ráo. Có khả năng khi đó Quân đội Ukraine mới phản công.
Đoạn video của truyền thông Ukraine cho thấy, quân đội Ukraine đã tập hợp một số lực lượng ở ngoại ô phía tây thành phố Bakhmut với ý định phản công. Các khu vực, kể cả biên giới Nga ở khu vực Bryansk-Kursk, theo truyền thông Ukraine, họ đã sẵn sàng tấn công.
Thực hư tình hình chiến trường thế nào, liệu có dễ dàng như vậy không? Những khu vực này cũng là hướng tấn công trước đó của Nga, Quân đội Ukraine đã phòng thủ một cách bị động. Khi đó, để kìm hãm tốc độ tiến quân của các binh đoàn tăng thiết giáp của Nga, việc đầu tiên là Ukraine triển khai các bãi mìn chống tăng.
Thế tiến công của các đơn vị cơ giới Nga bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các loại mìn chống tăng mà Quân đội Ukraine đã bố trí. Vậy quân đội Ukraine có cách nào để xuyên qua những bãi mìn rộng lớn?
Trên thực tế, trở ngại đầu tiên cho cuộc phản công của Ukraine không phải là thời tiết, mà chính là những bãi mìn chống tăng mà họ đã bố trí. Những quả mìn này không nhận ra người, các phương tiện cơ giới của Nga sẽ phát nổ nếu chẳng may đè vào chúng. Và xe cơ giới của quân đội Ukraine chắc chắn sẽ nổ tung, nếu cũng chẳng may đè vào mìn.
Theo điều lệnh chiến đấu công binh của bất kỳ một quân đội nào đều chỉ rõ, cách bố trí mìn cần được ghi lại và có sơ đồ cụ thể. Tuy nhiên do chiến tuyến quá dài và trong điều kiện thời gian chiến đấu quá gấp rút, việc bố trí mìn đã không được ghi chép cụ thể. Với việc nhiều cựu binh của Ukraine đã bị hy sinh trong cuộc chiến, thì các bãi mìn trên càng trở nên “vô danh”.
Ukraine có một diện tích đất đen rộng lớn và tơi xốp; sau mùa đông, khi tuyết tan, mặt đất trở nên lầy lội; đến mùa xuân cỏ tái sinh, giúp giấu nhiều mìn chống tăng tốt hơn; nhưng điều này làm tăng độ khó khi rà phá. Đây là những gì quân đội Ukraine cần phải đối mặt trong cuộc phản công của mình.
Chẳng hạn, khi tấn công Vugleda, quân đội Nga sử dụng xe rà phá mìn chống tăng trong những cánh đồng đất đen và bộ đội thiết giáp di chuyển theo hướng đã rà phá bom mìn, khiến không gian cơ động bị hẹp lại. Điều này đã tạo cơ hội cho pháo binh Ukraine bắn cháy nhiều xe tăng của quân Nga.
Trong cuộc phản công sắp tới, quân đội Ukraine không chỉ phải đối mặt với những bãi mìn họ tự bố trí, mà chính đối thủ của họ là quân đội Nga, còn có nhiều pháo và mìn chống tăng tối tân hơn.
Quân đội Nga không cần xây dựng công sự vật cản quá nhiều tốn kém, mà chỉ cần rải mìn chống tăng, thì quân đội Ukraine muốn phản công cũng sẽ khó khăn. Thậm chí trực thăng và bệ phóng tên lửa của Nga, đều có thể tiến hành rải mìn cấp tốc.
Hiện trên chiến tuyến Nga-Ukraine kéo dài hàng nghìn km, đâu đâu cũng là ruộng bùn lớn; nếu Quân đội Ukraine dám mở cuộc tấn công bằng lực lượng thiết giáp quy mô lớn trên toàn tuyến (hoặc trên một vài hướng chiến dịch), việc đầu tiên là họ phải khắc phục là các bãi mìn.
Tiếp theo là các đơn vị cơ giới này của Ukraine phải đối mặt với các bệ phóng pháo phản lực phóng loạt BM-30 của Nga bắn các loại đạn có điều khiển, trực thăng vũ trang Ka-52 và máy bay ném bom Su-34 sử dụng các loại bom lượn có điều khiển.
Một khi Quân đội Ukraine phát động tấn công bằng các phương tiện thiết giáp hạng nặng, toàn bộ đơn vị sẽ sal lầy xuống ruộng bùn khổng lồ, và có thể tất cả đều là mục tiêu hỏa lực chính xác của quân đội Nga.
Chúng ta hãy nhớ lại lực lượng thiết giáp của Đức trong “vũng bùn” Ukraine trong Thế chiến II đã như thế nào. Nhà sử học người Đức Rudolf Hoffmann đã ghi lại trong “Trận đánh quyết định trong Thế chiến thứ hai”: “Những con đường lầy lội đã gây ra vô số sự chậm trễ và hỏng hóc của thiết giáp và phương tiện vận tải.
Trên chiến trường, những vùng lãnh thổ rộng lớn trở thành đầm lầy dính bùn. Tất cả các con đường, nhanh chóng trở nên gần giống như vùng đất nông nghiệp xung quanh, gần như bị mất hút trong đó. Nó biến thành những con đường lầy lội, đầy bùn dính như keo vào các phương tiện cố vượt qua.
Các binh sĩ phải vật lộn để tiến lên phía trước, thường ngập trong bùn đến đầu gối và thường dẫn đến kiệt sức. Bùn lầy cũng khiến các đơn vị cơ giới hóa cũng hoạt động kém. Phương tiện của họ bị mắc kẹt trong bùn, xuống tận trục và không thể di chuyển.
Những thứ duy nhất di chuyển là những chiếc xe có bánh xích rộng, kéo những chiếc xe khác hoặc pháo binh dọc theo con đường một cách chậm chạp và vất vả cho đến khi chúng hết nhiên liệu. Tất nhiên, kết quả là thiếu nguồn cung cấp và nguồn cung cấp không thể đến đúng giờ.
Chỉ có một số lượng hạn chế các nguồn cung cấp đã được chuyển đến. Một số lượng lớn máy kéo và xe đẩy được thu thập từ các vùng nông thôn xung quanh đã được sử dụng rộng rãi để làm mọi cách có thể để vận chuyển những nguồn cung cấp tối thiểu cần thiết cho quân đội tiền tuyến".
Xe tăng T-72M của Ba Lan viện trợ cho Ukraine, bị trúng mìn chống tăng của Nga ở chiến trường Donbass.
Tiến Minh