Minh bạch, chặt chẽ, hiệu quả và thiết thực!

Đó là những tiêu chí mà Bộ Chính trị đề nghị Chính phủ lưu ý khi ban hành một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trong năm 2021.

Minh bạch

Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19 trong năm 2020 và năm 2021. Hiện nay, đại dịch đang diễn biến rất phức tạp, tác động lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động và doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Năm trước, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ngay từ khi dịch mới bắt đầu bùng phát trong năm 2020 có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng, góp phần hỗ trợ người dân, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, nhờ đó hạn chế những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân, tiếp tục nâng cao niềm tin trong nhân dân về các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, thể hiện tính ưu việt của chế độ.

Trong cuộc họp mới đây, Bộ Chính trị đã cho ý kiến về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mặc dù đã đạt được một số thành tựu, kết quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, vì thế không được chủ quan. Đối với những người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, chúng ta có chủ trương hỗ trợ để tiếp tục bảo đảm sản xuất, vừa chống dịch vừa phải bảo đảm sản xuất kinh doanh, đấy là thực hiện mục tiêu kép.

Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 07 ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ và các biện pháp hỗ trợ của các nước để tập trung rà soát, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ một cách cụ thể, xây dựng định mức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực.

Bộ Chính trị đã giao cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, sớm ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng được hưởng. Trong đó, Bộ Chính trị đã lưu ý Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về việc này, bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện, tránh thủ tục phiền hà.

Khi chính sách cụ thể được ban hành, đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan cần bám sát tình hình thực tiễn và diễn biến dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời; tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện chính sách của Chính phủ.

Huỳnh Thanh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/minh-bach-chat-che-hieu-qua-va-thiet-thuc-138858.html