Minh bạch để quản chặt sách tham khảo

Lâu nay, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có những quy định cụ thể yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc.

Tuy nhiên, “đến hẹn lại lên”, vào đầu các năm học mới, tình trạng sách tham khảo bán kèm sách giáo khoa trong một số cơ sở giáo dục lại tiếp diễn, gây bức xúc trong dư luận. Vấn đề này đã được đưa ra tại nhiều diễn đàn, hội thảo... nhưng vẫn chưa thực sự được giải quyết triệt để. Nguyên nhân tình trạng này có nhiều nhưng lý do được nhiều người nhắc đến chính là sự nhập nhèm giữa sách giáo khoa và sách tham khảo tại các nhà trường.

Bộ GD-ĐT quy định rõ: Sách giáo khoa là tài liệu dạy học chính thức trong nhà trường, được bộ thẩm định chặt chẽ, qua nhiều khâu, bước. Sách tham khảo do các nhà xuất bản xuất bản theo luật, phát hành ngoài thị trường, không bắt buộc học sinh sử dụng. Hầu hết sách tham khảo được xuất bản theo quy định của nhà xuất bản, nhưng không được Bộ GD-ĐT thẩm định về mặt nội dung. Bộ chỉ chịu trách nhiệm hướng dẫn, quản lý các trường sử dụng sách tham khảo trong nhà trường. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng biết rõ đâu là sách giáo khoa, đâu là sách tham khảo, nhất là khi hai loại sách này được bán chung với nhau. Chính sự không phân biệt được hai loại sách này khiến cho nhiều người phải bỏ tiền oan để mua những loại sách không cần thiết.

Đáng bàn hơn, điều này còn ảnh hưởng đến chủ trương chung của ngành giáo dục. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cũng đã nhận định rằng: “Nếu không quản lý chặt chẽ sách tham khảo thì sẽ đi ngược lại mục đích giảm tải chương trình giáo dục”. Bên cạnh đó, định hướng giáo dục của chúng ta hiện nay là phát triển kỹ năng cho học sinh thay vì đặt nặng quá vào kiến thức. Nhiều sách tham khảo hiện nay lại mang tính chất bổ sung kiến thức. Rõ ràng không phải học sinh nào cũng cần sử dụng sách tham khảo. Loại sách này chỉ nên được sử dụng như tài liệu bổ trợ trong trường hợp phụ huynh, học sinh có nhu cầu thực sự và họ cần được sự tư vấn cụ thể của nhà trường, giáo viên.

Để giải quyết tình trạng nhập nhèm giữa sách giáo khoa và sách tham khảo, nhiều người cho rằng cần những biện pháp mạnh tay hơn. Chẳng hạn, cần có quy định cấm hoàn toàn việc đưa sách tham khảo vào trường học. Ý kiến này vẫn còn nhiều điểm phải xem xét. Điều chúng ta cần là những cách làm sáng tạo để hạn chế tận gốc tình trạng “loạn sách” như hiện nay. Chẳng hạn, bên cạnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc sử dụng sách tham khảo không đúng quy định, cần đổi mới phương cách kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng từng bước độc lập với dạy học để hạn chế việc dạy tủ, học tủ. Trước mắt, tuân thủ quy định cấm sử dụng nội dung trong sách tham khảo đưa vào đề kiểm tra.

HUY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/minh-bach-de-quan-chat-sach-tham-khao-640532