Minh bạch dịch vụ giáo dục: Gỡ vướng khó, chống lạm thu
Ngày 29-3, HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Việc minh bạch các khoản thu với mức trần cụ thể để áp dụng thống nhất toàn thành phố là tin vui với các nhà trường và gia đình học sinh với kỳ vọng "cởi trói" những bất cập, khó khăn đã tồn tại hơn chục năm qua, đồng thời góp phần ngăn chặn tình trạng lạm thu.
Danh mục 6 khoản thu dịch vụ hỗ trợ
Từ ngày 8-4, các trường mầm non, phổ thông công lập (trừ các trường được UBND thành phố công nhận là trường chất lượng cao) trên địa bàn Hà Nội thực hiện mức thu mới đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục học sinh. Nội dung này được nêu rõ tại Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND. Theo đó, các nhà trường được phép áp dụng 6 khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục học sinh, gồm: Bán trú; học 2 buổi/ngày; nước uống; giáo dục ngoài giờ (chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục ngoài giờ chính khóa); đưa, đón học sinh; tiền ở của học sinh nội trú tại một số trường có khu nội trú (không bao gồm Trường Phổ thông dân tộc Nội trú tại huyện Ba Vì).
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu nhận định, với danh mục này, các nhà trường có hành lang pháp lý để triển khai các dịch vụ hỗ trợ giáo dục học sinh căn cứ theo nguyện vọng của phụ huynh. Nghị quyết cũng gỡ khó cho các trường khi trước đây vẫn phải thực hiện các khoản thu hợp lý do đáp ứng nhu cầu của phụ huynh (để phục vụ học sinh) nhưng không hợp pháp (do không có trong quy định nào).
Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND quy định rõ mức trần của từng khoản thu của từng dịch vụ trong trường học. Ví dụ, dịch vụ tiền ăn của học sinh có mức trần là 35.000 đồng/học sinh/ngày đối với bữa trưa, 20.000 đồng/học sinh/ngày đối với bữa sáng; dịch vụ chăm sóc bán trú là 235.000 đồng/học sinh/tháng; dịch vụ học 2 buổi/ngày là 235.000 đồng/tháng; dịch vụ nước uống là 16.000 đồng/học sinh/tháng...
Đáng lưu ý, đây là lần đầu tiên Hà Nội đưa một số danh mục dịch vụ mới vào nghị quyết. Thực tế, những dịch vụ này đều đã được các nhà trường triển khai từ vài năm nay nhưng mức thu thường theo nguyên tắc thỏa thuận. Ông Lê Tuấn Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) cho rằng, việc không có mức trần khiến cho việc thỏa thuận gặp khó khăn. Thậm chí, có trường lợi dụng việc này để đưa ra mức thu quá cao, khiến phụ huynh bức xúc nhưng cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không dám ý kiến vì sợ con mình bị ảnh hưởng.
Các dịch vụ lần đầu tiên có trong danh mục được thành phố quy định tại Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND gồm dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô có mức thu là 10.000 đồng/học sinh/km; dịch vụ tiền ở của học sinh nội trú (400.000 đồng/học sinh/tháng); dịch vụ hoạt động giáo dục kỹ năng sống (15.000 đồng/giờ dạy); dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ, bao gồm dịch vụ trông giữ trước và sau giờ học chính khóa, không bao gồm tiền ăn (12.000 đồng/học sinh/giờ); dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ, bao gồm dịch vụ trông giữ trong các ngày nghỉ, không bao gồm tiền ăn (96.000 đồng/học sinh/ngày)...
Gỡ khó cho nhà trường, thuận lợi cho phụ huynh
Câu chuyện về các khoản thu trong trường học luôn là vấn đề nóng ở nhiều diễn đàn của phụ huynh học sinh, nhất là vào dịp đầu năm học. Điều đáng nói, những bức xúc của phụ huynh tập trung ở việc trường này tự ý đặt ra khoản thu. Thậm chí, có tình trạng cùng là tên một khoản thu nhưng mức thu ở các trường lại có sự chênh lệch đáng kể.
Đại diện một số trường cho biết, trước yêu cầu nhiệm vụ, trường học triển khai khá nhiều hoạt động, trong đó có nhiều dịch vụ do cha mẹ học sinh đề nghị hỗ trợ học sinh (như dịch vụ tổ chức xe đưa đón, ăn trưa, chăm sóc ngoài giờ, giáo dục kỹ năng sống...). Tuy nhiên, do không thuộc chuyên môn được đào tạo, lại chưa có quy định cụ thể nên việc thực hiện ở một số nơi còn lúng túng hoặc để xảy ra sai sót khiến phụ huynh bức xúc.
Để thực hiện các dịch vụ này, thông thường các nhà trường (hoặc đại diện phụ huynh) tìm đơn vị cùng phối hợp thực hiện. “Mức thu với gia đình học sinh dù được thỏa thuận nhưng đôi khi không ổn định do tác động của nhiều yếu tố. Vì vậy, có tình trạng cùng tổ chức dịch vụ dạy kỹ năng sống nhưng lại có sự chênh lệnh rõ ở các địa bàn, học sinh trường A đóng mức này; học sinh trường B lại đóng ở mức khác. Nhiều phụ huynh học sinh muốn phản hồi cũng thiếu cơ sở pháp lý. Nghị quyết vừa ban hành với mức trần cụ thể của từng dịch vụ là cần thiết, tạo thuận lợi cho cả nhà trường và gia đình học sinh”, bà Nguyễn Thị Cúc, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) chia sẻ.
Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND vừa ban hành được thay thế cho Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND do UBND thành phố Hà Nội ban hành từ ngày 22-11-2013. Hơn mười năm thực hiện Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND tại các nhà trường đã bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều khoản thu, mức thu quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế. Đại diện ban giám hiệu các trường học trên địa bàn Thủ đô đều bày tỏ sự vui mừng, ủng hộ việc ban hành nghị quyết một cách kịp thời, phù hợp, tạo hành lang pháp lý cho cả nhà trường và gia đình học sinh trong việc tổ chức các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, góp phần chấm dứt tình trạng lạm thu.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương:
Khẩn trương xây dựng hướng dẫn thực hiện
Ngay sau khi HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo hướng dẫn tổ chức thực hiện, sớm trình UBND thành phố ban hành, làm căn cứ để thực hiện thống nhất tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Mức thu tại Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND là mức trần (mức cao nhất) của từng khoản thu. Căn cứ mức trần và tình hình thực tế về đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ hướng dẫn các đơn vị, trường học công lập xây dựng dự toán chi phí để xác định mức thu từng khoản với cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường, cơ quan quản lý cấp trên. Việc thỏa thuận này phải được thực hiện bằng văn bản, sau khi được cấp quản lý trực tiếp phê duyệt mới được ban hành và bảo đảm các khoản thu đều có trong danh mục quy định.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương Nguyễn Thị Vân Hồng:
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà trường
Thực tế hơn mười năm triển khai Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND cho thấy, mức thu của nhiều nội dung đã lạc hậu. So với năm 2013, mức lương cơ bản đã tăng tới hơn 50% nhưng mức thu các dịch vụ hỗ trợ giáo dục vẫn không thay đổi, khiến các trường gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các dịch vụ giáo dục. Yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo cùng nhu cầu của phụ huynh đặt ra nhiều nội dung mới với các nhà trường, trong đó có nhiều dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục học sinh chưa có trong quy định.
Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND đã quy định rõ danh mục và mức trần của từng dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục với mức thu đã có sự thay đổi, phù hợp tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Nghị quyết tạo hành lang pháp lý thuận lợi để nhà trường thực hiện các dịch vụ giáo dục trên tinh thần thỏa thuận với phụ huynh một cách minh bạch. Tuy nhiên, để nhận được sự đồng thuận, nhà trường cần xây dựng kế hoạch rõ ràng, chi tiết và tổ chức thực hiện đúng quy định.
Bà Phạm Phương Thảo, phụ huynh Trường Mầm non Hoa Anh Đào:
Cần giám sát chặt chẽ quy trình thỏa thuận
Đối với cấp học mầm non, do đặc thù công việc một số phụ huynh phải đi làm sớm, về muộn hoặc làm việc cả ngày thứ bảy nên cần được gửi con tại trường ngoài giờ chính khóa. Việc gửi con ở trường mầm non trong thời gian nghỉ hè cũng là nguyện vọng của nhiều gia đình. Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND đã nắm bắt nhu cầu thực tế ấy và đưa vào danh mục dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ với mức trần 96.000 đồng/học sinh/ngày (không bao gồm tiền ăn). Đây là mức thu phù hợp với đa số phụ huynh.
Tôi đồng tình với việc ban hành mức trần cụ thể cho từng dịch vụ hỗ trợ giáo dục, làm căn cứ để từng trường xây dựng mức thu phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, mức thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn. Để việc thực hiện bảo đảm đúng nguyên tắc thỏa thuận, tránh tình trạng phụ huynh “buộc phải tự nguyện”, cơ quan quản lý cần thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình thỏa thuận với phụ huynh và việc quản lý các khoản thu này.
Minh Khang ghi