Minh bạch thị trường kinh doanh đa cấp

Mặc dù đã có quy định quản lý, nhưng trên thực tế, hiện tượng núp bóng hoạt động bán hàng đa cấp để lừa đảo, lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia nhằm chiếm đoạt tài sản, thu lợi bất chính vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, chưa thể ngăn chặn triệt để.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Sơn La kiểm tra sản phẩm thực phẩm chức năng tại cơ sở hoạt động kinh doanh đa cấp. (Ảnh THỦY NGÂN)

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Sơn La kiểm tra sản phẩm thực phẩm chức năng tại cơ sở hoạt động kinh doanh đa cấp. (Ảnh THỦY NGÂN)

Hoạt động này gây bức xúc trong dư luận, làm tổn hại không nhỏ đến người tiêu dùng, ảnh hưởng đến các nhà kinh doanh đa cấp chân chính.

Nhiều vụ án lừa đảo bán hàng đa cấp bị khởi tố, không ít đường dây bị cơ quan chức năng phát hiện và triệt phá, thế nhưng hằng ngày vẫn có thêm những nạn nhân mới. Điều này đặt ra yêu cầu cần tăng cường hiệu quả quản lý, kịp thời theo dõi để chấn chỉnh, nhận diện, từ đó bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định, văn bản pháp luật có liên quan, nhằm từng bước cải thiện niềm tin và chất lượng hoạt động của loại hình kinh doanh đa cấp.

Khó khăn trong nhận diện

Có thời điểm hoạt động kinh doanh đa cấp nở rộ, tăng trưởng tốt, góp phần đa dạng hóa loại hình mua bán và thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều đơn vị, cá nhân. Tuy nhiên, lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý, nhiều đối tượng đã phát triển và biến tướng loại hình kinh doanh đa cấp theo chiều hướng xấu, lôi kéo hoặc cố tình lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người tham gia.

Ban đầu chỉ thu phí tham gia mạng lưới, sau đó chuyển sang thu các loại phí khác như: Phí đào tạo bán hàng, phí quản lý, mua hồ sơ tài liệu về kỹ năng bán hàng,… Cùng với đó là các chiêu trò hứa hẹn với người tham gia hệ thống về mức thu nhập hấp dẫn từ chục triệu đến vài chục triệu đồng mỗi tháng nếu đạt doanh số nhất định hoặc sẽ chi trả hoa hồng rất cao từ 20% đến 45% trên mỗi sản phẩm bán được.

Trên thị trường, các sản phẩm như hồng sâm, đệm nano, kem đánh răng than tre, đá muối, các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe khác,… thường có giá bán cao bất thường, có thể lên tới cả trăm triệu đồng, nhưng lại khó kiểm tra được giá trị thật, cũng như hiệu quả sử dụng do đều là hàng không rõ nguồn gốc, đơn vị sản xuất, trên bao bì sản phẩm chằng chịt chữ nước ngoài và không hề có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Công dụng cũng được “tâng bốc” là có thể giúp an thần, ngủ ngon, trẻ hóa, điều hòa huyết áp hay thậm chí là “chữa bách bệnh” dù hiệu quả thực tế chưa hề được các cơ quan chức năng kiểm chứng, có chăng hiệu quả xuất phát chỉ từ niềm tin của người dùng, nhất là người cao tuổi.

Lợi dụng điều này, các đối tượng, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm đa cấp đã tung chiêu trò, biến tướng hình thức từ bán hàng sang huy động vốn, dùng tiền của người sau trả cho người trước. Lợi nhuận của người đến trước có được là từ vận động người tham gia sau đóng góp chứ không phải là do thu được từ việc bán sản phẩm được doanh nghiệp trả hoa hồng.

Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, quyền lợi của doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính, mà còn gây bức xúc trong dư luận, làm mất lòng tin của người tiêu dùng, từ đó làm xấu môi trường kinh doanh cũng như gây ra nhiều định kiến xã hội không tốt về ngành kinh doanh đa cấp.

Ông Tô Đức Nhật, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh đa cấp ngậm ngùi chia sẻ: “Hiện nay, ngay cả những quy định thế nào là đa cấp và thế nào không phải là đa cấp vẫn còn đang rất mập mờ và rất ít người biết, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Cứ chỗ nào mua bán đông người, lừa đảo, gây mất trật tự an ninh xã hội, giới thiệu, mời chào mua bán sản phẩm, người ta đều cho rằng đấy là bán hàng đa cấp. Đây cũng chính là nguyên nhân mà thời gian qua các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính bị tai tiếng, người dân và dư luận tẩy chay”.

Trưởng phòng Nghiệp vụ 3, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) Phạm Minh Tuân cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bán hàng đa cấp còn rất yếu và thiếu, ngay cả với các cơ quan thực thi pháp luật đôi lúc cũng rất lúng túng. Khi nhận được tin báo của người dân để đến kiểm tra, việc xác định đây có phải là hoạt động bán hàng đa cấp hoặc doanh nghiệp tổ chức giới thiệu sản phẩm, bán hàng có được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp hay không cũng hết sức khó khăn.

Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng khẳng định, mặc dù được pháp luật công nhận nhưng do một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp không phép, làm ăn chụp giật, lừa đảo, gây mất lòng tin trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh đa cấp và các doanh nghiệp chân chính, dẫn đến tình hình kinh doanh đa cấp tại Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn.

Là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, VCCI phản đối những hoạt động kinh doanh trái phép, những hành vi lừa đảo chụp giật hòng lừa dối người tiêu dùng và luôn đề cao việc kinh doanh lành mạnh, có văn hóa và thượng tôn pháp luật,…

Vì vậy, để chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, tạo sự minh bạch và bình đẳng, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, các cơ quan quản lý cần sớm có biện pháp để cần nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính, cũng như giúp thị trường kinh doanh đa cấp phát triển lành mạnh, minh bạch và hiệu quả.

Trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông cần có sự phối hợp hiệu quả để thay đổi quan điểm của người tiêu dùng, thói quen kinh doanh của nhà phân phối nhằm thúc đẩy sự phát triển của một ngành bán hàng được pháp luật thừa nhận, đặc biệt, phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và trục lợi.

Theo TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương), thời gian qua, sự vào cuộc của doanh nghiệp hơi chậm khiến không ít người vẫn đang nhận diện đa cấp theo chiều hướng xấu, do đó, cần minh bạch khái niệm đa cấp theo hướng dễ nhận diện để doanh nghiệp, người dân cùng hiểu và tham gia.

Ngoài ra, để chống những hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp trá hình, không thể chỉ dựa vào cơ quan quản lý mà Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cần phát huy hiệu quả hơn vai trò bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp hội viên, bằng việc phát hiện các cá nhân, doanh nghiệp có hành vi trục lợi để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý; đồng thời tăng cường hợp tác với các cơ quan đoàn thể trong hệ thống chính trị để cảnh báo, ngăn chặn và tăng cường tuyên truyền. Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi số mạnh mẽ, vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp có thể số hóa toàn bộ hệ thống, hướng đến xây dựng một ngành kinh doanh văn minh.

Tuy nhiên, theo quan điểm của các chuyên gia, để thúc đẩy ngành kinh doanh đa cấp phát triển theo hướng minh bạch, bền vững, trước hết các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp phù hợp với yêu cầu thực tế và sự phát triển của ngành.

Trong đó cần nghiên cứu, bổ sung các quy định theo hướng số hóa, phù hợp với thực tế sự phát triển của nền kinh tế số; đồng thời đẩy mạnh, tối đa hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp nhằm tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính cần minh bạch thông tin, giá bán cuối cùng của sản phẩm; chủ động hơn nữa trong phối hợp các cơ quan chức năng để thông tin, tuyên truyền cho người tham gia cũng như để người tiêu dùng hiểu về quy định đối với lĩnh vực kinh doanh đa cấp, tránh các hình thức lợi dụng phương thức bán hàng đa cấp để kinh doanh trái phép, lừa đảo, trục lợi.

Nguồn:https://nhandan.vn/minh-bach-thi-truong-kinh-doanh-da-cap-post792210.html

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/637605-minh-bach-thi-truong-kinh-doanh-da-cap.html