Minh bạch thủ tục cho điện mái nhà

Hiện tại, Bộ Công thương đã hoàn tất việc lấy ý kiến vào hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà. Quy định minh bạch, rõ ràng các thủ tục hành chính là điều cộng đồng doanh nghiệp hết sức trông đợi khi Nghị định được ban hành.

Có thể khẳng định, việc ban hành Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà là cần thiết vì nhiều lý do.

Trước hết, chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời, đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và trong Quy hoạch Điện VIII. Ưu điểm của điện mặt trời mái nhà là xanh và sạch. Vì thế, phát triển nguồn điện này sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường; mặt khác, còn đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng tại chỗ phục vụ sinh hoạt, sản xuất, qua đó giảm tải cho lưới điện, hệ thống truyền tải quốc gia - từ đó giảm chi phí đầu tư cho ngành điện, giảm tổn thất điện năng.

Bên cạnh đó, do Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời không được áp dụng từ ngày 1.1.2021 nên từ đó đến nay tồn tại “khoảng trống pháp lý”. Cũng bởi vậy, thời gian qua, việc phát triển điện mặt trời mái nhà với mục đích tự sử dụng, tự sản tự tiêu không phát điện hoặc không bán lên lưới điện quốc gia gặp nhiều vướng mắc và chưa triển khai được.

Hơn nữa, tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, Quốc hội đã cho phép UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định việc sử dụng mái nhà bảo đảm điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở đó. Để triển khai cơ chế này, thành phố cũng cần có hướng dẫn cụ thể hơn.

Trong bối cảnh như vậy, cần thiết xây dựng và ban hành Nghị định quy định cụ thể về phát triển điện mặt trời mái nhà nhằm tạo hành lang pháp lý cũng như cơ chế thu hút và khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng. Nghị định cũng là công cụ giúp cơ quan nhà nước quản lý hiệu quả lĩnh vực này và góp phần triển khai quyết sách của Quốc hội.

Mong đợi sự ra đời của Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà, cộng đồng doanh nghiệp đồng thời hy vọng Nghị định sẽ quy định minh bạch, rõ ràng các thủ tục hành chính. Bởi lẽ, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà hiện còn nhiều vướng mắc. Trong đó, các thủ tục hành chính về xây dựng, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường đối với điện mặt trời mái nhà vẫn chưa thực sự rõ ràng và được áp dụng khác nhau tại các địa phương. Ví dụ, đối với thủ tục xây dựng, có địa phương coi điện mặt trời mái nhà là công trình xây dựng, nhưng có nơi coi đây là thiết bị lắp thêm, nên áp dụng các thủ tục khác nhau. Đối với thủ tục phòng cháy, chữa cháy, có nơi không hỏi ý kiến Sở Công thương, có nơi cơ quan phòng cháy chữa cháy chủ động hỏi Sở Công thương, có nơi cơ quan phòng cháy, chữa cháy lại yêu cầu doanh nghiệp hỏi Sở Công thương.

Một trong những biện pháp quan trọng nhất để phát triển điện mặt trời mái nhà là cần có quy định rõ ràng, minh bạch, áp dụng thống nhất các thủ tục hành chính. Do đó, hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định cần bổ sung chính sách về việc rà soát các quy định pháp luật trong các lĩnh vực khác có liên quan đến lắp đặt điện mặt trời mái nhà và đề xuất việc sửa đổi luôn tại Nghị định này để doanh nghiệp và người dân có thể áp dụng một cách thuận lợi.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/minh-bach-thu-tuc-cho-dien-mai-nha-i360948/