Minh bạch toàn bộ vòng đời dự án

Đẩy mạnh đầu tư công, tạo đòn bẩy giúp kinh tế vượt qua dịch Covid-19 được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc nhở các bộ ngành và các địa phương liên quan vấn đề này.

Theo các chuyên gia, đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn của Chính phủ và để chất lượng các dự án đầu tư công được kiểm soát tốt song hành với việc chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thực hiện, Chính phủ nên lưu ý các bộ ngành và địa phương quan tâm thực hiện quản lý dự án theo mô hình BIM (Building Information Modeling). Đây là mô hình quản lý hiện đại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 tại đề án Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.

BIM là hệ thống được thiết lập với quy trình chặt chẽ từ việc xây dựng mô hình với nhiều chiều thông tin (3D, 4D, 5D…) thông qua các phần mềm chuyên dụng (Civil, Revit…) cho đến việc sử dụng các mô hình này từ giai đoạn thiết kế, thi công (quản lý khối lượng) đến quản lý công trình (bảo trì, bảo dưỡng kết cấu bê tông cốt thép, các thiết bị cơ, điện nước…). BIM giúp quản lý xuyên suốt dòng đời của công trình.

Có một thực tế phải nhìn nhận ở nước ta trong thời gian qua là không ít công trình xây dựng, nhất là công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông, được đầu tư bằng vốn ngân sách, vốn ODA hoặc bằng vốn xã hội hóa nhưng sau đó được thu phí hoàn vốn… có chất lượng không tốt. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng không lâu đã xảy ra hiện tượng lún, nứt. Thậm chí có công trình chưa hoàn thành đã… hư. Nhiều công trình đội vốn gấp nhiều lần do lúc dự toán ban đầu chưa tính kỹ… Không ít chủ đầu tư, nhà thầu bị xử lý như 9 cán bộ, nhà thầu có liên quan đến chất lượng thi công kém trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…

Như đã nói ở trên, việc áp dụng BIM một cách đầy đủ sẽ giúp hạn chế các tiêu cực đó. Đơn cử nếu như kết hợp BIM với việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), chủ đầu tư, kỹ sư và người dân tiếp cận, tương tác với công trình một cách trực quan, sinh động sẽ giúp các cơ quan chức năng và người dân giám sát chất lượng thi công công trình tốt hơn. Đối với công trình ngầm (khó nhìn được bằng mắt thường), Hội Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa Việt Nam cho hay, kết quả scan được xây dựng thành mô hình không gian 3 chiều tích hợp với kết quả quét sau khi công trình hoàn thành ở dạng bản đồ số 3D cả khu vực sẽ giúp chủ đầu tư dễ dàng quản lý được kỹ thuật công trình, tiến độ công trình, chất lượng công trình, quản lý được cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu vực.

Chưa hết, áp dụng BIM sẽ hỗ trợ giảm khoảng 10% thời gian thi công, giảm rủi ro thi công đến 10% và 40% các thay đổi về mặt thiết kế. Dựa vào BIM, các công trình sẽ dễ dàng được lập dự toán, xây dựng phương án bố trí vốn phù hợp, tránh các rủi ro không đáng có. Nói tóm lại, giúp hạn chế tối đa việc đội giá thành do tính toán sai - một động thái khá phổ biến ở không ít công trình đầu tư tại Việt Nam.

Từ năm 2008, các nước phát triển đã bắt đầu ứng dụng công nghệ này. Trong năm 2015, một số công trình ở Thái Lan, Singapore… đã sử dụng BIM. Ở nước ta, BIM chưa được ứng dụng nhiều do chi phí ứng dụng khá lớn trong khi việc ứng dụng cần trình độ cao của đội ngũ kỹ sư. Tuy nhiên, với quyết tâm nâng tầm quản lý dự án, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong giai đoạn 2017-2019 phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đào tạo kỹ năng cho việc áp dụng BIM. Từ năm 2018 đến 2020 triển khai áp dụng thí điểm tối thiểu 20 công trình xây dựng mới sử dụng vốn nhà nước. Từ năm 2021, trên cơ sở tổng kết, đánh giá áp dụng BIM, Bộ Xây dựng ban hành thông tư, hướng dẫn cụ thể để áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Hiện nay một số đơn vị như Đại học Bách khoa TPHCM đã đào tạo và thực hiện BIM trong hoạt động. Số lượng chưa nhiều nhưng theo lộ trình mà Thủ tướng chỉ đạo, bước đầu lực lượng này cũng đã có thể đáp ứng yêu cầu.

Đẩy mạnh đầu tư công là quyết định đúng đắn nhưng quyết định này sẽ thành công hơn nếu chỉ đạo của Thủ tướng về quản lý chất lượng công trình theo BIM được các bộ ngành địa phương triển khai thực hiện nghiêm. Công trình được thi công tốt, chất lượng đảm bảo, sớm đưa vào hoạt động sẽ đóng góp rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

NGUYỄN KHOA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/minh-bach-toan-bo-vong-doi-du-an-672562.html