Minh bạch và liêm chính trong mua sắm công

Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp với Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc (UNTAC) và một số tổ chức quốc tế khác vừa tổ chức hội thảo 'Nâng cao minh bạch và liêm chính trong việc mua sắm công trong bối cảnh thực thi các mục tiêu phát triển bền vững' tại Thái Lan. Việt Nam có thể thay đổi nhận thức và học được gì từ kinh nghiệm các nước?

Tại hội thảo, nhiều đại biểu chia sẻ các dự án mua sắm chính phủ (như các dự án xây dựng đường bộ, đường sắt, sữa học đường...) đều được coi là những dự án nhạy cảm với người dân nên họ chọn giải pháp công khai thông tin của dự án, tạo điều kiện cho người dân, tổ chức xã hội cùng tham gia giám sát các hợp đồng này. Như vậy, nhà nước tăng cường được niềm tin nơi công chúng và giảm được một phần chi phí nhà nước phải thanh tra, kiểm tra, giám sát...

Ở Việt Nam, các hoạt động mua sắm công đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Phòng, chống tham nhũng... và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nhìn chung, các quy phạm pháp luật này đều yêu cầu các thông tin mua sắm công phải được công khai, minh bạch để hạn chế tham nhũng cũng như bảo đảm cạnh tranh công bằng trong các hoạt động mua sắm công. Ngay cả việc Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp cũng đặt ra nguyên tắc “công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý sử dụng vốn tại doanh nghiệp”. Kể từ năm 2018, Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực cũng đã góp phần tạo nên một khuôn khổ pháp lý đối với việc công khai “thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; thông tin về đấu thầu; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn”. Các cơ quan nhà nước Việt Nam cũng đã có nhiều biện pháp thực thi các quy phạm, như xây dựng cổng thông tin điện tử về mua sắm công (hệ thống mạng đấu thầu quốc gia: muasamcong.mpi.gov.vn).

Mặc dù Việt Nam đã có những quy phạm pháp luật và nhiều biện pháp thực thi nhưng dường như công chúng vẫn chưa có được niềm tin trọn vẹn từ các hoạt động mua sắm công. Thực tế, các quy phạm về công khai nêu trên phần lớn mới có hiệu lực kể từ năm 2018 trong khi nhiều dự án, hoạt động mua sắm công trong quá khứ đã không công khai đầy đủ thông tin, thậm chí nhiều dự án, hoạt động mua sắm công lại được “đóng dấu mật”. Hậu quả của việc khu vực nhà nước cố giữ “bí mật” trong hoạt động mua sắm công đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi tham nhũng. Nhiều nghiên cứu và thực tiễn đã cho thấy tham nhũng đang làm suy yếu thể chế, xói mòn lòng tin và đe dọa nền kinh tế bằng cách làm suy yếu cạnh tranh công bằng và làm nản lòng đầu tư từ các nhà đầu tư chân chính trong và ngoài nước.

Ở các nước, các dự án mua sắm chính phủ (như các dự án xây dựng đường bộ, đường sắt, sữa học đường...) đều được coi là những dự án nhạy cảm với người dân nên họ chọn giải pháp công khai thông tin của dự án, tạo điều kiện cho người dân, tổ chức xã hội cùng tham gia giám sát các hợp đồng này. Như vậy, nhà nước tăng cường được niềm tin nơi công chúng và giảm được một phần chi phí nhà nước phải thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Những sai sót trong quá khứ rất cần có những cơ chế thực thi hữu hiệu để có thể nâng cao được tính minh bạch và liêm chính trong hoạt động mua sắm công. Theo khuyến nghị của UNDP và UNTAC, một hệ thống mua sắm công lành mạnh là một trụ cột quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vì đó là điều kiện tiên quyết để cung cấp hàng hóa y tế, nước sạch, dịch vụ công và cơ sở hạ tầng bền vững.

Hệ thống tốt cũng sẽ giúp giải quyết rủi ro từ việc thực thi các hợp đồng mua sắm công của chính phủ. Những bức xúc của người dân về một số dự án BOT đường bộ trong thời gian qua chủ yếu là việc đòi hỏi công khai, minh bạch về hợp đồng BOT, phương thức phân chia lợi nhuận, rủi ro từ các hợp đồng đó. Điều đáng tiếc, các đòi hỏi chính đáng của người dân lại không được đáp ứng với nhiều lý do.

Quay lại hội thảo tại Thái Lan, kinh nghiệm ở một số quốc gia trong khu vực đều xác định các dự án mua sắm công cần phải được coi là những dự án “nhạy cảm” nên chính phủ tại các quốc gia đó chọn giải pháp công khai thông tin của hoạt động mua sắm công thông qua tiện ích Internet, tạo điều kiện cho người dân, tổ chức xã hội cùng tham gia giám sát các hoạt động mua sắm này.

Bên cạnh đó, một số quốc gia áp dụng các “Thỏa thuận liêm chính” (Integrity Pact) giữa một cơ quan chính phủ (chủ đầu tư) đứng ra mời thầu công khai cho bất cứ loại hình hợp đồng nào liên quan đến hàng hóa và dịch vụ, với các đơn vị tham gia đấu thầu. Thỏa thuận liêm chính yêu cầu chủ đầu tư phải cam đoan cán bộ của mình sẽ không đòi hỏi hay nhận bất cứ một khoản hối lộ hay quà biếu nào... và những cán bộ này sẽ phải chịu hình thức kỷ luật thích hợp hoặc chế tài hình sự trong trường hợp vi phạm. Đối với đơn vị tham gia đấu thầu, thỏa thuận yêu cầu họ sẽ công khai tất cả các khoản thanh toán liên quan đến hợp đồng cho bất cứ ai (kể cả các đại lý và những người trung gian cũng như các thành viên gia đình...).

Kinh nghiệm các nước cũng cho thấy các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong việc tham gia giám sát, kiểm tra các bên liên quan đến các hoạt động mua sắm công, như giám sát quá trình đấu thầu, đàm phán và thực hiện hợp đồng, thỏa thuận liêm chính liên quan đến quá trình đấu thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng mua sắm công. Các tổ chức xã hội sẽ giúp giảm gánh nặng công tác giám sát của nhà nước và cũng làm tăng thêm niềm tin của người dân đối với hoạt động mua sắm công.

Hy vọng rằng, những hoạt động mua sắm công trong thời gian hiện nay và sau này (từ hoạt động tổ chức đấu thầu xây đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị, chương trình sữa học đường...) phải được thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan đến việc công khai các thông tin về dự án, hợp đồng, thông tin về nhà thầu và những người có liên quan của chủ đầu tư... Trách nhiệm này chủ yếu thuộc về các cơ quan chính phủ (chủ đầu tư) của các dự án đó.

(*) Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự

LS. Nguyễn Hưng Quang (*)

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294477/minh-bach-va-liem-chinh-trong-mua-sam-cong-.html