Mình có phải là con của bố?

Hơn chục năm xa cách, giờ đoàn tụ, nhưng giữa cô bé với bố của mình dường như có một hố ngăn cách quá lớn.

Câu chuyện cô gái gửi về chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" của VOV2 có nội dung như sau:

Em năm nay 17 tuổi, là chị cả trong nhà, dưới em còn 1 đứa em trai kém em 3 tuổi. Em sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều làm công nhân, cuộc sống không thiếu thốn nhưng cũng chẳng dư dả.

Năm em 5 tuổi, bố em vào Nam làm việc trong Công ty liên doanh với nước ngoài. 1 năm sau, nghe nói công việc cũng dễ kiếm, tiền lương cũng cao hơn ở quê nên mẹ em cũng theo bố vào trong đó. Em ở với ông bà ngoại từ ấy. Thời gian dài đằng đẵng, chỉ có tết nhất, bố mẹ em mới về nhà dăm bữa nửa tháng rồi lại đi, để chúng em cho ông bà chăm sóc. Thời gian xa cách, mẹ em thì ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm sức khỏe ông bà, hỏi han việc học tập của chị em em. Còn bố? số cuộc điện thoại gọi cho chúng em chỉ đếm trên đầu ngón tay, thời gian nói chuyện không bao giờ kéo dài 3 phút. Em thấy tủi thân vô cùng, luôn nghĩ bố không còn nhớ mình nữa, nhưng rồi lại tự an ủi rằng: do bố bận. Trong thời gian đó, em cũng rất buồn, tủi thân khi phải xa bố mẹ, nhưng sự động viên ấm áp của ông bà đã giúp em vượt qua, và cố gắng học tập thật tốt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thế rồi ngày đoàn tụ cũng đến. Năm 2020, dịch Covid-19 xảy ra, công ty bố mẹ em làm việc không có nhiều đơn hàng, bố mẹ em quyết định trở về quê nhà. Ngày ra sân bay, tưởng chừng là ngày vui nhất, hạnh phúc nhất sau 10 năm gặp gỡ, lại trở thành nỗi ám ảnh trong em. Em tặng bố bó hoa hồng và bảo: Chúc mừng gia đình mình đã được đoàn tụ. Tưởng bố sẽ vui nhưng không, bố nhìn đi một góc khác, cười khẩy một cái, quệt tay, làm cho hoa rơi xuống đất. Cuộc sống khi gia đình xum họp có nhiều thay đổi. Nếu trước đây bố là người bố chuẩn mực, là người đàn ông của gia đình, yêu thương, yêu chiều vợ con hết mực, em nghe mẹ kể hồi mới cưới có lần bố đi xe máy từ chỗ làm về quê, cách khoảng 60km, vào lúc 12h đêm để gọi mẹ dậy tặng hoa hồng, chúc mừng sinh nhật mẹ. Thì bây giờ bố đã khác. Bố chỉ biết lao vào những đồng tiền, những cuộc làm ăn lớn, bố bắt mẹ phải bỏ tiền tiết kiệm của 10 năm tích cóp để đầu tư, thậm chí bán cả vàng là quà cưới trước đây để chạy theo nhu cầu làm ăn. Bố mơ tưởng có ngày làm ông chủ, ngồi đếm tiền. Mẹ em không đồng ý, mẹ đòi viết đơn ly hôn, thì bố đập kính suýt nữa văng vào đầu em rồi đổ xăng dọa đốt cả nhà. Vì tương lai của chúng em nên mẹ đã làm theo. Bố bảo dù có mất con cái không đau bằng mất tiền. Tiền là tất cả, không có tiền sẽ chẳng còn cuộc đời. Bố ngày càng gia trưởng, cộc cằn và bảo thủ hơn. Trong bữa cơm, bố mẹ cãi nhau, em khen bát canh cua mẹ nấu ngon bố cũng cho là dám thách thức, dọa bẻ cổ em, rồi ném thẳng cái muôi vào mặt em. Bố nói một câu khiến tim em tưởng chừng đang có một nhát dao cứa vào: Tao muốn bóp chết mày ngay từ bé. Từ đó, mỗi lần em nói gì bố cũng cho là thách thức, bác bỏ ý kiến. Bố và em không thể tâm sự với nhau dù chỉ nói một câu ngoài chào hỏi. Vì mỗi lần em chủ động tâm sự bố cũng chỉ: Tiền.

Chuyện làm ăn của bố đến bây giờ đã gần một năm vẫn chưa đâu vào đâu. Hiện tại, bố đi xa 1,2 tháng mới về một lần. Mà đi thì không sao, về là em và bố lại cãi nhau. Em đi học 11h30, 12h mới về, bố ở nhà cả ngày, nhưng suốt ngày chỉ có điện thoại và tivi hoặc đi đâu đó đến 1h hoặc 2h chiều mới về. Nhà ngay sát với nhà ông bà nên chỉ cần cắm nồi cơm, thức ăn ông bà nấu cho sẵn, vậy mà bố cũng không làm, bố bảo đó là việc của phụ nữ, tao là chủ. Một năm, gia đình em mới đi chơi cùng nhau được một hai lần. Em trai em cũng rất sợ bố, hiện tại nó chỉ ở với ông bà chứ không sang với bố mẹ. Hai chị em dù ốm nặng đến mấy, bố cũng mặc kệ. Có lần, em bị viêm xoang, ho cả đêm không ngủ được. Bố chẳng những không động viên được câu nào mà còn nói: Không ngủ được thì cho người khác ngủ với chứ. Tết vừa rồi, các bác ở xa đến chơi khen em: Dạo này lớn xinh quá rồi. Bố em lại thêm nhát dao nữa: Không biết có phải con của mình hay không? Khi viết những dòng này, giữa bố và em vẫn có những rắc rối không thể gỡ. Ông bà em cũng đang tự ái bố em vì ông bà khuyên nhủ thì bố cãi rằng: ông bà không có tiền thì không có quyền. Em phải làm gì đây?

Các bạn chia sẻ với cô gái bằng cách gọi đến số điện thoại 0243.934.1139 (trong giờ hành chính) hoặc để lại lời nhắn dưới câu chuyện này./.

Hoa Thanh Huyền/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/doi-song/tinh-yeu-gia-dinh/minh-co-phai-la-con-cua-bo-post1010239.vov