Cô gái Hà Nội khoe loạt clip lấy chồng nhà đối diện, dân mạng rần rần 'xin vía'
Cô dâu 'vác người không' về nhà chồng, lười nấu cơm thì dắt cả nhà sang ăn chực mẹ đẻ..., chuyện lấy chồng nhà đối diện mà Hoài Thu kể khiến nhiều phụ nữ ao ước.
Những video về cuộc sống khi lấy chồng nhà đối diện mà chị Nguyễn Thị Hoài Thu (32 tuổi) đăng tải lên Tiktok khiến cộng đồng mạng rất thích thú, nức nở khen cặp đôi "khéo chọn".
Chị Thu trước đây làm giáo viên mầm non, mấy năm nay chuyển sang kinh doanh online, còn ông xã Hoàng Tiến Nam (38 tuổi) đang làm tại công ty kinh doanh thang máy. Anh chị cưới nhau được 12 năm, hiện sống tại phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội. Họ có với nhau hai con gái, bé lớn 11 tuổi, bé thứ hai 10 tuổi.
Lười nấu cơm là dắt cả gia đình sang nhà đẻ "ăn chực"
Nhiều phụ nữ lấy chồng xa ao ước cuộc sống tiện lợi do lấy chồng chỉ cách nhà 3 bước chân sau khi xem những clip mà chị Hoài Thu chia sẻ. Đầu tiên là chuyện chị đi lấy chồng không thèm mang lỉnh kỉnh đồ đạc sang "nhà người ta" như những cô dâu khác, chỉ xách theo vài bộ quần áo, còn mọi đồ dùng sinh hoạt cá nhân vẫn để ở nhà mẹ. Thời gian đầu, chị thậm chí còn tắm giặt ở nhà đẻ, chỉ khi ăn, ngủ mới về nhà chồng.
"Lấy chồng đối diện nhà rất sướng, mình không phải xa bố mẹ ngày nào, một ngày có thể về mới mẹ "n" lần. Bố mẹ có ốm thì chỉ cần điểm danh là có mặt ngay lập tức. Mình không mất quá nhiều thời gian làm quen với gia đình chồng, hay phong tục nhà chồng", Hoài Thu chia sẻ.
Lợi ích của việc lấy chồng gần nhà thật sự rất nhiều, chẳng hạn như chị Thu không bỏ lỡ bất kỳ bữa cỗ hay giỗ chạp nào của nhà ngoại. Khi nào ngại nấu cơm, cả gia đình chị sang nhà ngoại "ăn chực"; khi quét cổng là quét được luôn cho cả hai nhà; lễ Tết cũng không phải đi lại, tàu xe gì cả. Những khi chồng liên hoan về muộn hay đi công tác, Thu đều có thể chạy về nhà đẻ dù là nửa đêm hay sáng sớm.
Đặc biệt, khi có con, chị Thu được hai mẹ chăm sóc, ban ngày thì bà nội, tối thì bà ngoại. Hai bà lại chơi với nhau khá thân từ trước nên rất hiểu nhau, cùng chăm các cháu rất nhịp nhàng.
Với gia đình họ, du lịch hè về nhà ngoại nghĩa là kéo vali chạy tự bên này sang bên kia cổng. Các con chị Thu hài hước trách mẹ: "Sao mẹ lấy chồng gần thế, con thấy các bạn đi về ngoại toàn được đi máy bay, đi ô tô, còn chúng con thì chạy ra cửa là nhìn thấy nhà bà ngoại rồi".
"Sau hơn 10 năm kết hôn, mình nhận ra rằng lấy chồng gần vẫn luôn là chân ái, vì có thể về nhà bất cứ lúc nào, nếu có cơ hội thì hãy tìm hiểu và trao cơ hội cho những chàng trai gần nhà mình trước nhé", Hoài Thu hạnh phúc chia sẻ.
Đăng các video về cuộc sống lấy chồng nhà đối diện, chị không ngờ mình nhận được sự quan tâm đặc biệt, nhiều clip đạt đến hàng triệu view và hàng chục nghìn bình luận.
Cộng đồng mạng rất thích thú với những chuyện chị chia sẻ: "Hiếm khi lấy được chồng là hàng xóm như chị lắm, phải có duyên với nhau và may mắn lắm đó"; "Sướng nhất bạn, đường về nhà ngoại của mình xa lắm, chỉ biết ước là được chạy về với mẹ gần thế này thôi"; "Lấy chồng mà tối nào cũng về ăn chực mẹ, xong lại về nhà chồng, sướng thật"....
Nhờ học gia sư, lấy chồng như ý
Dù sống sống đối diện nhà nhau nhưng suốt những năm cấp 1, cấp 2, chị Hoài Thu và anh Tiến Nam không hề có ấn tượng gì về nhau. Họ chênh nhau 6 tuổi nên không chơi chung, cũng không có bạn bè chung. Anh Nam vốn chăm học và được đặt biệt danh là "mọt sách của xóm" nên càng ít giao lưu, gặp gỡ hơn.
Thời học sinh, chị Thu chỉ hay gặp gỡ, giao tiếp với anh trai anh Nam vì cùng sinh hoạt trong chi đoàn. Đến khi bị mẹ bắt sang hỏi bài Tiến Nam, chị mới có ấn tượng về anh.
Họ bén duyên sau một thời gian anh Nam làm gia sư phụ đạo cho cô em hàng xóm. Thu kể lại: "Khi mình chuẩn bị thi lên lớp 10 thì mẹ muốn mình vững kiến thức Toán hơn, mà anh Nam đang học Đại học Bách khoa Hà Nội, học khá giỏi môn Toán nên mẹ đã sang nhờ anh làm gia sư, phụ đạo thêm. Mình cùng một, hai người khác được anh gia sư 2 buổi một tuần".
Khi thi xong lớp 10, chị Thu được anh Nam để ý và ngỏ lời tìm hiểu. Anh nói chị cứ yên tâm học hành vì anh cũng đang học đại học, hai bên cứ tìm hiểu nhau. Hoài Thu hỏi ý kiến mẹ; mẹ chị cũng mong con gái lấy chồng gần vì sẽ rất tiện, ngoài ra cũng đã biết được tính tình, bố mẹ, gia đình. Bà lo nếu bỏ lỡ chàng trai này, không biết sau con gái có gặp được người thực sự tốt với mình không...
Sau khi được mẹ tư vấn, chị Thu "bật đèn xanh" để anh hàng xóm có cơ hội tìm hiểu. Hai người có khoảng thời gian 4 năm yêu nhau. Khi Hoài Thu tròn 20 tuổi, gần học xong cao đẳng, họ tổ chức đám cưới.
"Anh trai anh Nam có một khu đất xây nhà riêng, lúc chúng tôi lấy nhau thì làm đám cưới ở nhà đó nên có cách một chút, chứ nếu tổ chức đám cưới đối diện nhà nhau, đi rước dâu chỉ có vài bước chân thì hài hước lắm", Hoài Thu kể.
Dân gian thường nói "xa thơm gần thối", nhiều người cũng cho rằng thông gia ở quá gần nhau dễ phát sinh nhiều chuyện phiền hà, nhưng với gia đình Tiến - Thu, bố mẹ hai bên làm thông gia suốt 12 năm vẫn luôn hòa thuận, thân thiết. Hai bà nội ngoại cứ 5h là đi thể dục cùng nhau, tối tập dân vũ cùng nhau.
"Mọi người sợ rằng thông gia sống gần nhau sẽ để ý nhau, nhưng mình thấy lấy chồng gần chỉ có lợi chứ chưa có bất cập gì. Hai mẹ thân thiết nhau từ trước nên vẫn sống vui vẻ hàng ngày cùng nhau như hai chị em", chị Thu tâm sự.