Minh Tân và nàng thơ trong ký ức

Sinh năm 1929 tại Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, nay là xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi. Đến nay, nhà thơ Minh Tân (Trần Cao Minh) đã ngoài 90 tuổi. Về tuổi tác, Minh Tân là anh cả của những người làm thơ, nhưng trên thi đàn Quảng Ngãi, cái tên Minh Tân lại xuất hiện rất muộn màn và khiêm tốn.

Sự khiêm tốn như chính con người của ông vậy cho dù ai cũng biết ông từng là cán bộ tập kết gắn trọn đời mình với sự nghiệp cách mạng, từng là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi trong nhiều năm. Nói Minh Tân xuất hiện muộn, vì đến năm 2002, ông mới công bố tập thơ đầu tiên. Nhưng với thơ thì hình như ông đã có căn duyên từ thời tuổi trẻ.

Nhà thơ Minh Tân (Trần Cao Minh) .

Đọc ba tập thơ của ông (Theo cùng năm tháng - 2002, Nào quên- 2005 và Xa trong ký ức - 2009), dù đã chuẩn bị tâm thế rất kỹ, nhưng tôi vẫn lo sợ sẽ gặp những bài thơ chính luận khô khan. Nhưng rồi càng đọc, tôi càng nhận ra, bên trong cái con người chính trị ấy là một hồn thơ có sức ẩn tàng. Nội hai câu lục bát này thôi cũng đủ để bạn đọc thấy rằng, điều tôi cảm nhận là hoàn toàn không gượng ép: "Tôi về nhặt chút hương thu/ Lá vàng rơi giữa bụi mù trần ai" (Tìm). Câu lục thì bình thường thôi, nhưng câu bát thì rõ ràng là một câu thơ đọng lại ngay giữa bụi trần ai mù mịt để ta không ngần ngại bảo rằng: Đây là một cặp lục bát hay!

Minh Tân đến với thơ từ khá sớm, từ những tháng năm kháng Pháp: "Trăng treo đầu núi sáng ngời/ Đêm khuya vẳng tiếng “khoan hời hò khoan”/ Tiếng ai giống tiếng gái làng/ Chống hạn mùa màng quyết chí đào mương" (Đào mương - 1949). Rồi những ngày cả nước lên đường đi đánh Mỹ, trai gái thi nhau rầm rập hướng về Nam trong niềm vui kháng chiến: "Đường kháng chiến vui thay/ Mặc tên lửa máy bay!/ Người đó đây rộn rịp/ Xe pháo suốt đêm ngày" (Đường kháng chiến-1968).

Nhưng chiến tranh rồi cũng đi qua, chỉ còn đọng lại trong lòng người là nỗi nhớ: "Người đi để nhớ chiều thu ấy/ Nay có vương gì chút nẻo xa" (Bến sông Trà). Những bận bịu, buồn vui thời bình cũng trôi dần theo năm tháng, chỉ còn lại với đời người là cội nguồn quê hương với những ký ức đầy vơi cùng rất nhiều tâm trạng: "Cạnh những niềm vui thoáng chút buồn/ Mái chèo khua nước, ánh trăng suông/ Thời gian trôi mãi về đâu nhỉ?/ Ký ức đầy vơi… gửi cội nguồn!" (Cội nguồn). Và chính những phút giây lắng đọng, da diết nhớ thương kia, ta có một Minh-Tân-thơ. Đang chu du tận trời Âu, nghe tiếng dế kêu ở góc phố Praha vẫn nhận ra “giọng quê hương mình”, thì rõ ràng là phải nhớ quê hương đến thiết tha và canh cánh: "Đêm khuya vắng lặng tư bề/ Nghe con dế hát giọng quê hương mình" (Praha). Có lẽ cũng chính tình yêu không gì thay đổi được ấy mà Minh Tân có hai câu thơ về quê hương đầy tính khái quát và êm ả như một lời ru. Dễ thuộc, dễ nhớ mà cũng đầy tâm trạng. Đọc lên là thấy ngay gương mặt quê hương: "Ai về Quảng Ngãi lên Thiên Ấn/ Ngược khúc Trà Giang nhớ Thạch Nham" (Nhớ).

Xuất phát từ sự cảm nhận ấy về thơ Minh Tân, tôi bắt đầu chú tâm đọc kỹ từng bài và ngỡ ngàng phát hiện ra rằng: Có một miền ký ức rất xa mà vì sự bận rộn của chiến tranh, của những hoạt động chính trị, Minh Tân chưa thể hiện được nhiều trong thời gian còn đương nhiệm. Khi đã rời quan trường, cái vùng ký ức ấy lóe lên và bừng sáng mãi trong lòng, trở thành một ám ảnh thôi thúc để bật thành thơ. Trong mờ xa ký ức của Minh Tân, tôi thấy hiện lên ngày càng rõ bóng dáng một Nàng thơ. Nàng thơ ấy xuất hiện dưới ánh trăng đêm, từ “Cái thời thơ ấu mà tôi như nàng”: "Nô đùa dưới ánh trăng suông/ Một bầy con nít trần truồng tắm trăng/ Bây giờ ai có nhớ chăng?" (Tắm trăng).

Theo thời gian, Nàng thơ lớn lên, trở thành một thiếu nữ mộng mơ. Nhưng lớn rồi nên chẳng thể cùng nhau “tắm truồng” như thời thơ bé giữa “ánh trăng suông”. Nàng tắm trong một đêm mưa kín đáo dưới ánh trăng lúc tỏ, lúc mờ: "Có cô thôn nữ đa tình/ Trăng treo mờ ảo tắm mình trong mưa!" (Mưa đêm). Và chính cái sự “ảo ảo mờ mờ” này khiến Nàng thơ tuổi trăng tròn hiện lên đầy gợi cảm từ dáng vóc bên ngoài đến tâm hồn bên trong, làn tỏa dưới ánh “trăng treo mờ ảo” một làn hương trinh nữ xa xăm: "Em lớn lên cùng với xóm thôn/ Hoa cau, hương bưởi gội tâm hồn/ Tóc mây, vai lẳn, đời nâng bước/ Mỗi vết chân vờn, mỗi nét son" (Lỡ chuyến). Ở đây, ta còn ghi nhận được nét lãng mạn, tài hoa của Minh Tân khi nghĩ về Nàng thơ trong xa mờ ký ức. Cũng là hình ảnh giếng làng, vầng trăng quê hương đó, nhưng thoáng hiện trong thơ là một chàng trai tinh nghịch đến dễ thương và hết lòng đến táo bạo với Nàng thơ của mình cho dù... táo bạo quá, trời đất chẳng đồng tình: "Trăng vàng chìm đáy giếng thơi/ Anh theo xuống vớt... đất trời chẳng cho!" (Hò hẹn).

Đọc thơ Minh Tân, ta thấy rất rõ hình ảnh dòng sông, bến nước, con đò xuất hiện với một tần suất cao. Chính những hình ảnh này đã trở thành biểu tượng của quê hương trong ký ức, là bối cảnh của không gian trữ tình cho Nàng thơ xuất hiện. Trong cảm thức của không gian thẩm mỹ ấy, “bến nước”, “con đò” vẫn ân tình nhắn nhủ nhau trọn một đời thủy chung dù cho thế gian có vật đổi sao dời: "Tròng trành bến nước trao duyên/ Nửa mai thành đạt chớ quên con đò!" (Con đò).

Dù cho sông có vô tình, thì với ký ức xưa, kỷ niệm xưa vẫn cháy bùng ngọn lửa tuổi thanh xuân, đọng lại trong lòng người xa rưng rưng nỗi nhớ: "Sông vô tình cứ chảy/ Người hữu hình cứ mong/ Kỷ niệm xưa bùng cháy/ Nỗi nhớ đọng lưng tròng!" (Bến nước). Và đọc thơ Minh Tân, không hiểu sao lòng tôi vẫn cứ đinh ninh: Nàng thơ ấy là một người tình thủy chung: "Xa xăm nhớ mãi nụ cười/ Ai về viễn xứ gửi người tình chung!" (Thao thức). Đồng thời, là hiện thân của chính nhà thơ: Dù làm gì, đi đâu, quê hương và Nàng thơ quê hương vẫn canh cánh bên lòng: "Quê hương, vẫn chỉ là nơi ấy/ Neo chặt tim ta cả một đời!" (Đồng hương).

MAI BÁ ẤN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202103/minh-tan-va-nang-tho-trong-ky-uc-3047113/